Trả lời về triển vọng kinh doanh của công ty Mỹ tại Việt Nam trong thời gian kinh tế bất ổn, bà Burns nói rằng "sự quan tâm chỉ tăng và tăng", và "mỗi tuần đều có một công ty Mỹ nói về việc muốn mở rộng ở đây".
"Tôi ý thức điều mà mọi người đang phải đối mặt: Lạm phát, chi phí năng lượng tăng, người Mỹ hay người Việt Nam cũng vậy, nhưng trong cộng đồng doanh nghiệp Mỹ, tôi cảm thấy sự hứng thú chỉ tăng và tăng. Tôi không thấy có gì đáng lo ngại trong dài hạn", bà trả lời câu hỏi của Zing.
"Khi chúng tôi nói chuyện với các doanh nghiệp Mỹ đang xuất khẩu sang Việt Nam, họ đều nói đây là thị trường đang tăng trưởng. Sản lượng nông nghiệp xuất khẩu cũng tăng, việt quất, cherry, những thứ đắt tiền... Người Mỹ nhận thấy có lẽ 2023 sẽ là một năm khó khăn, nhưng triển vọng về lâu dài của Việt Nam là rất tươi sáng", bà Burns, người đến Việt Nam từ tháng 9, cho biết.
Ở góc độ chính trị, tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM nói "nhịp độ và chiều sâu mối quan hệ của hai nước đã ở tầm quan hệ chiến lược", tương tự một nhận xét trước đó của Đại sứ Marc E. Knapper. Bà cho biết năm 2023 là kỷ niệm Việt Nam và Mỹ thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện và "chúng ta đang hy vọng nâng cấp lên quan hệ Đối tác Chiến lược năm nay". Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM cũng cho biết hai nước sẽ thấy thêm một số chuyến thăm của các quan chức cấp cao Mỹ đến Việt Nam năm nay.
Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM Susan Burns (bên phải). Ảnh: TLSQ Mỹ tại TP.HCM. |
Nói về chiến dịch chống tham nhũng của Việt Nam, bà Burns nói rằng Việt Nam là một quốc gia có chủ quyền, và Mỹ tôn trọng quyền của Việt Nam trong các vấn đề đối nội. Nhưng nhìn từ góc độ toàn cầu, "chống tham nhũng là quan trọng".
"Nếu bạn muốn phát triển kinh tế, mọi người phải được đấu thầu tự do, cạnh tranh mở, mọi thứ phải được minh bạch", bà nói trong buổi gặp gỡ báo chí ngày 15/2.
Bà cũng cho biết Việt Nam là một đối tác rất tích cực trong quá trình thảo luận bốn trụ cột của Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF): Thương mại, Thuế và chống tham nhũng, Chuỗi cung ứng, Năng lượng sạch.
Đất nước "trong mơ" cho ngành năng lượng sạch
Năng lượng tái tạo và môi trường là một trong những ưu tiên quan trọng trong nhiệm kỳ của bà Burns.
"Đó còn là đam mê cá nhân của tôi nữa", bà nói.
Tổng lãnh sự Mỹ nhìn nhận cam kết của Việt Nam về việc đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 là "một thông báo quan trọng đối với chúng tôi, cũng như cơ hội tuyệt vời cho các công ty năng lượng". Theo đó, các công ty lớn tại Mỹ có cam kết về khí hậu của riêng họ, và cam kết về chống phát thải của Việt Nam năm 2020 là cơ hội cho các công ty này thực hiện cam kết với cổ đông.
"Khi tôi nói chuyện với một số chuyên gia trong ngành, họ nói về Việt Nam như một đất nước 'trong mơ' đối với ngành năng lượng tái tạo. Các bạn có tài nguyên về năng lượng mặt trời, năng lượng gió", tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM nói.
Bà cho biết USAID đang giúp lãnh sự quán xem xét một số thỏa thuận về năng lượng ở Việt Nam để đảm bảo các công ty có thể mua năng lượng trực tiếp từ nhà sản xuất. Một chương trình khác được triển khai từ tháng 9/2022 ở TP.HCM, sau đó là Đà Nẵng, là chương trình Vietnam Urban Energy Security. Đây là chương trình trị giá 14 triệu USD giúp cải thiện thiết kế đô thị để nhiều người có thể sử dụng năng lượng mặt trời lấy từ mái nhà hơn.
Theo USAID, dự án An ninh Năng lượng Đô thị Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền Việt Nam nhằm cải thiện luật pháp liên quan đến năng lượng sạch. Ảnh: USAID. |
"Năng lượng là vấn đề thật sự phức tạp, không chỉ riêng với Việt Nam. Bạn phải có pin trữ và mạng lưới điện, để làm sao mà những nguồn điện - vốn có thể tương đối thiếu ổn định do cách thức sản xuất - có thể tương thích với lưới điện... Cả vấn đề thời gian, như năng lượng mặt trời sẽ phụ thuộc vào ngày và đêm. Đó là vấn đề toàn cầu và nước Mỹ cũng gặp vấn đề này. Giải quyết chúng rất phức tạp và đắt đỏ", Tổng lãnh sự Burns thừa nhận.
Bà Burns cho biết thêm rằng ở Hà Nội, các quan chức Mỹ đang tiếp cận ở cấp độ chính sách, làm việc cùng chính phủ (Việt Nam) trong một chương trình cải cách ngành năng lượng. Trong khi đó tại TP.HCM, "chúng tôi tìm kiếm những cách thức đến từ hạ tầng", bà nói.
Hợp tác về y tế, nhân lực
Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM nhắc đến đạo luật CHIPS của Tổng thống Joe Biden, qua đó mở rộng việc sản xuất chất bản dẫn trong nội địa Mỹ, nhưng cũng nhìn nhận nhu cầu chung của việc đa dạng hóa việc sản xuất chất bán dẫn.
"Điều chúng tôi muốn tập trung ở Việt Nam là tạo ra một nguồn nhân lực để làm việc trong các lĩnh vực các kỹ năng cao", bà nói.
Trong năm 2023, tổng lãnh sự Mỹ nói bà hy vọng nhìn thấy nhiều hơn hợp tác về nông nghiệp, chống buôn bán động vật hoang dã. Về hợp tác y tế, hai nước cũng sẽ chứng kiến lễ kỷ niệm 25 năm CDC Mỹ hoạt động tại Việt Nam vào năm nay, và tiếp tục hợp tác về phòng chống lao, HIV và các bệnh truyền nhiễm.
Những cuốn sách cần đọc để hiểu thêm về chính sách đối ngoại Mỹ
Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả những cuốn sách nên đọc để hiểu thêm về nước Mỹ - một trong những cường quốc thế giới và đối tác hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.
Độc giả có thể xem thêm tại đây.