Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tố kiểm sát viên chạy án, thanh niên bị đề nghị truy tố

Định đưa tiền cho kiểm sát viên để nhờ ông này chạy án cho em gái. Thời gian sau, nghĩ mình có thể đã bị lừa, thanh niên này tố cáo sự việc tới cơ quan điều tra.

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa kết luận điều tra bổ sung vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Làm môi giới hối lộ, Đưa hối lộ xảy ra tại Hà Nội, chuyển hồ sơ sang VKSND Tối cao đề nghị truy tố 3 bị can liên quan.

Họ gồm Nguyễn Tiến Hưng (56 tuổi), nguyên kiểm sát viên, VKSND Hà Nội; Đào Minh Nguyệt (55 tuổi) và Phạm Duy Định (26 tuổi, cùng trú tại Đống Đa).

Theo nội dung vụ án, đầu tháng 11/2014, Phạm Thị Hương Giang (25 tuổi, em gái Định) bị cơ quan công an tạm giữ hình sự về hành vi Đánh bạc. Định sau đó nhờ Nguyệt tìm người chạy án cho em.

Người phụ nữ 55 tuổi đã liên hệ với Nguyễn Tiến Hưng (khi đó là kiểm sát viên, VKSND Hà Nội), thống nhất chi phí lo cho Giang tại ngoại.

Bốn hôm sau, Định gặp Hưng và đưa trước cho kiểm sát viên này 200 triệu đồng. Theo điều tra, do Định bỏ quên 30 triệu bên ngoài, nên trong túi tiền đưa cho Hưng chỉ có 170 triệu.

Ngày 15/11/2014, Giang được tại ngoại. Tối hôm đó, Định và Nguyệt tiếp tục đến gặp Hưng. Cán bộ VKSND Hà Nội khi đó chủ động nói với Định việc ông ta có thể giúp Giang không bị xử lý hình sự, mà chỉ nhận phạt hành chính, với giá chạy án 250 triệu đồng.

Định đem chuyện kể lại cho em gái. Nghe Giang nói việc cô được ra tại ngoại là do chính sách của pháp luật, không phải nhờ Hưng can thiệp.

Nghi bị ông Hưng lừa tiền nhưng ba hôm sau Định vẫn gửi 20 triệu đồng nhờ Nguyệt cảm ơn kiểm sát viên.

Ngày 20/11/2014, Định đến Cục nghiệp vụ Bộ Công an tố cáo Hưng về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thanh niên này được cơ quan điều tra đề nghị phối hợp để điều tra làm rõ hành vi phạm tội của vị cán bộ VKSND Hà Nội. 

kiem sat vien chay an anh 1
Anh Phạm Duy Định. Ảnh: Bảo Lâm.

Ngày hôm sau, Định nhờ Nguyệt nói với Hưng đã chuẩn bị 150 triệu đồng, mục đích nhờ kiểm sát viên giúp em gái mình không bị xử lý hình sự.

Tối 22/11/2014, Định và Nguyệt gặp Hưng giao tiền ở phố Giang Văn Minh (Hà Nội) thì cơ quan công an bắt quả tang.

Quá trình điều tra, nhà chức trách đề nghị truy tố Hưng về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Nguyệt về tội Làm môi giới hối lộ.

Cơ quan công an cho rằng, Định đưa 200 triệu đồng nhờ Hưng lo cho em được tại ngoại có dấu hiệu của tội Đưa hối lộ. Tuy nhiên, anh này đã chủ động khai báo và tố cáo hành vi phạm tội của Hưng với cơ quan điều tra trước khi bị phát giác. Căn cứ  điều 289 Bộ luật hình sự, Cơ quan điều tra đã xem xét miễn trách nhiệm hình sự cho Định, không đề nghị xem xét, truy tố thanh niên này về tội Đưa hối lộ.

Tuy nhiên, quan điểm miễn trách nhiệm hình sự của Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đối với Phạm Duy Định không được VKSND Tối cao đồng thuận.

Ngày 11/1, VKSND Tối cao đã ra quyết định khởi tố Định về tội Đưa hối lộ, đồng thời trả hồ sơ, yêu cầu cơ quan điều tra tiến hành điều tra bổ sung theo quy định.

Tại bản kết luận điều tra bổ sung ký ngày 10/3, cơ quan điều tra Bộ Công an xác định Định đã chủ động nhờ và đưa 170 triệu đồng cho Hưng, mục đích giải quyết cho em gái được tại ngoại. Trong bản kết luận mới, cơ quan này cho rằng "Định phạm tội Đưa hối lộ" và chuyển hồ sơ vụ án đến VKSND Tối cao đề nghị truy tố.

Nhận được các quyết định của cơ quan pháp luật, Định đã làm đơn khiếu nại, kêu oan tới các cơ quan chức năng. Định cho rằng mình bị khởi tố bị can là không đúng, việc trên có thể khiến những người khác không còn dám tố cáo tiêu cực.

“Tôi mong các cơ quan chức năng làm rõ, để được hưởng lượng khoan hồng, công bằng của pháp luật”, Định nói.

Nêu quan điểm về vụ án trên, luật sư Lê Hồng Hiển, Giám đốc Công ty Luật Nay & Mai cho rằng, việc Định đưa tiền cho Hưng để nhờ chạy án cho em gái đã cấu thành tội Đưa hối lộ, quy định tại Điều 289, Bộ luật hình sự. Luật sư cho rằng việc VKSND Tối cao khởi tố Định về tội này là hoàn toàn có căn cứ.

Tuy nhiên, xuất phát từ yêu cầu đấu tranh và phòng chống tội phạm, đối với hành vi đưa và nhận hối lộ, thường khó bị phát hiện nên để khuyến khích tố giác việc nhận hối lộ, tại Khoản 6 Điều 289, Bộ luật hình sự quy định 2 trường hợp được coi là không có tội, hoặc được miễn trách nhiệm hình sự:

Thứ nhất, người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

Thứ hai, người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

Theo luật sư Hiển, khoản 2, Điều 25 Bộ luật Hình sự cũng quy định, trong trường hợp trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội đã tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm, thì cũng có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

Thắng Quang

Bạn có thể quan tâm