Dây dưa bồi thường
Trước đó, ông Huỳnh Nghĩa, Trưởng đoàn Đại biểu QH Đà Nẵng cho rằng, tình hình làm oan người vô tội trong tố tụng hình sự hiện nay còn nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tài sản của người dân.
Tuy nhiên, điều bức xúc nhất là tình trạng đã gây ra oan ức cho dân, nhưng việc bồi thường thiệt hại diễn ra quá chậm chạp, cầm chừng. Tâm lý người dân bị oan vốn đã rất nặng nề, nhưng dường như tâm lý của cơ quan tố tụng còn nặng nề hơn.
“Việc phải thừa nhận làm sai là điều quá khó đối với các cơ quan tố tụng, vì phải qua các quy trình, thủ tục rườm rà, kéo dài thời gian. Chính tâm lý này dẫn đến việc bồi thường oan sai không kịp thời”, ông Nghĩa nói.
Cũng theo ông Nghĩa, Qua giám sát cho thấy, do chưa có cơ quan có thẩm quyền nào ra quyết định buộc người thi hành công vụ gây oan sai phải có trách nhiệm bồi hoàn nên người gây ra oan sai “thoát” nghĩa vụ này. Song báo cáo giám sát vẫn chưa chỉ ra được vì sao cơ quan nhà nước có thẩm quyền không xem xét, quyết định việc bồi hoàn? Tôi đề nghị Quốc hội cần làm rõ vấn đề này để đưa vào Nghị quyết, nhằm tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc.
Viện trưởng xin lỗi người bị oan sai
Theo Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, đối với những người làm trong lĩnh vực tư pháp có thể làm hàng chục ngàn vụ án đúng quy định, không có thành tích. Nhưng chỉ cần oan sai một vụ là bị xử lý.
Vì thế, thời gian qua các cơ quan tố tụng luôn quan tâm, có giải pháp để chống bức cung nhục hình, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, không có bao che, xử nhẹ. Như trong vụ ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), các cơ quan tố tụng đều đã khởi tố cán bộ tư pháp từ thẩm phán, điều tra viên, kiểm sát viên có liên quan.
Ông Nguyễn Thanh Chấn được trả tự do và bồi thường sau 10 năm chịu án oan. |
“Còn một vụ oan chúng tôi cũng đau như những người bị oan sai và gia đình người thân. Tôi xin lỗi những người bị oan”, ông Bình nói và cho biết, tới đây khi sửa đổi các luật liên quan đến tố tụng sẽ xây dựng các quy định để làm sao bảo đảm sự minh bạch hóa quá trình tố tụng, tăng cường giám sát của cơ quan dân cử, của người dân.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cũng nhấn mạnh kiên quyết chuyển khỏi cơ quan điều tra những cán bộ sai phạm. Theo ông Quang, mặc dù số lượng oan sai đã giảm, nhưng hoạt động điều tra xác định tội phạm còn một số hạn chế, thiếu sót. Cá biệt ở một số nơi còn xảy ra tình trạng oan sai thậm chí vẫn còn hiện tượng bức cung, nhục hình, ảnh hưởng đến các cơ quan tố tụng, gây bức xúc cho người dân.
Theo ông Quang, từ ngày 1/1/2011 đến nay đã có 40 cán bộ chiến sĩ công an bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về các tội xâm phạm hoạt động tư pháp.
Đồng thời, lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị để cán bộ, chiến sĩ có hành vi xâm hại hoạt động tư pháp đều bị xử lý trách nhiệm liên đới. Ví dụ như vụ bắt tạm giam oan 7 người trong vụ án giết người ở Sóc Trăng năm 2013, Bộ Công an đã chỉ đạo khởi tố hai điều tra viên vì tội, xử lý hai cán bộ có liên quan, từ Phó giám đốc kiêm thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra, Trưởng phòng, phó trưởng phòng cơ quan cảnh sát điều tra tội phạm... đến cán bộ điều tra đều bị xử lý bằng cách giáng cấp, cách chức, miễn nhiệm chức danh tư pháp”.