Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tòa bác đề nghị triệu tập 5 lãnh đạo Vietinbank đến phiên xử Huyền Như

Với yêu cầu triệu tập 5 cán bộ của Vietinbank, HĐXX cho rằng trong quá trình điều tra, những người này đã có lời khai nên sự vắng mặt của họ không ảnh hưởng đến phiên tòa.

Sáng 28/5, TAND Cấp cao tại TP.HCM mở phiên xét xử phúc thẩm vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên Phó phòng Quản lý rủi ro Vietinbank chi nhánh TP.HCM), Võ Anh Tuấn (nguyên cán bộ văn phòng Vietinbank chi nhánh TP.HCM).

Phiên tòa được mở theo đơn kháng cáo của bị cáo Võ Anh Tuấn và 4 nguyên đơn dân sự gồm: Công ty Cổ phần Chứng khoán Saigonbank-Berjaya, Công ty Cổ phần Chứng khoán Phương Đông, Công ty Cổ phần Bảo hiểm Toàn Cầu và Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại An Lộc.

xet xu phuc tham Huynh Thi Huyen Nhu, anh 1
Bị cáo Huyền Như và Võ Anh Tuấn tại phiên phúc thẩm ngày 28/5. Ảnh: Hoài Thanh.

Liên quan phiên xử, tòa triệu tập 18 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Trong đó, 3 cựu lãnh đạo Vietinbank được triệu tập gồm: Ông Nguyễn Văn Sẽ (nguyên Giám đốc Vietinbank chi nhánh TP.HCM), ông Trương Minh Hoàng và bà Nguyễn Thị Minh Hương (nguyên Phó giám đốc Vietinbank chi nhánh TP.HCM).

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Sẽ và bà Nguyễn Thị Minh Hương đều có đơn xin vắng mặt, chỉ có ông Hoàng đến dự phiên tòa.

Trong phần thủ tục, luật sư Hồ Quốc Tuấn (bảo vệ quyền lợi cho An Lộc) đề nghị HĐXX triệu tập ông Nguyễn Văn Thắng (Tổng giám đốc Vietinbank), ông Nguyễn Văn Du (Phó tổng giám đốc Vietinbank), ông Sẽ, bà Hương và bà Trần Thị Hoài Thanh (nguyên Phó giám đốc Vietinbank chi nhánh TP.HCM).

Luật sư Tuấn cho rằng những người này đã ký các hợp đồng để Vietinbank chi nhánh TP.HCM nhận lãi suất tiền gửi có kỳ hạn của các công ty nên đề nghị triệu tập.

Luật sư Trần Minh Hải (bảo vệ quyền lợi cho Phương Đông) yêu cầu HĐXX triệu tập đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vì trong vụ án có vấn đề pháp lý liên quan đến quyền lợi người gửi tiền. Luật sư Hải cho rằng nếu không thể triệu tập đại diện NHNN thì đề nghị hoãn phiên tòa để đảm bảo tính khách quan.

Ngoài ra, luật sư cũng đề nghị HĐXX xem xét lại tư cách của Vietinbank từ nguyên đơn dân sự thành bị đơn dân sự vì 4 nguyên đơn kháng cáo đều muốn đòi tiền từ Vietinbank.

Đại diện VKS và HĐXX đều có chung quan điểm, cho rằng, với yêu cầu triệu tập 5 người của Vietinbank, trong quá trình điều tra xét xử, những người này đã được lấy lời khai nên việc vắng mặt của họ không ảnh hưởng đến phiên tòa hôm nay.

Đối với yêu cầu triệu tập NHNN, HĐXX cho biết quá trình điều tra thể hiện các văn bản giải quyết các vấn đề của NHNN đã có trong hồ sơ được các cơ quan tố tụng thu thập nên không cần thiết phải triệu tập.

Về yêu cầu xác định tư cách của Vietinbank, HĐXX cho rằng trong quá trình xét xử sẽ xem xét để có quyết định phù hợp.

Phiên tòa tiếp tục với phần công bố cáo trạng.

Theo bản án sơ thẩm, Huỳnh Thị Huyền Như đã dẫn dụ người môi giới, người đại diện của 5 công ty để họ gửi tiền vào Vietinbank để hưởng lãi suất cao vượt trần.

Sau đó, Như thông qua tài khoản của Vietinbank đã tạo niềm tin và dùng nhiều thủ đoạn như làm giả con dấu, giả hồ sơ để chiếm đoạt của 5 đơn vị này số tiền 1.085 tỷ đồng.

Về trách nhiệm dân sự, bản án sơ thẩm cho rằng 5 công ty này đã vi phạm pháp luật cả về nội dung lẫn hình thức khi gửi tiền vào Vietinbank lấy lãi suất cao và sau đó bị chiếm đoạt.

Người chiếm đoạt có trách nhiệm bồi hoàn thiệt hại. Trong vụ án này, bị cáo Như đã chiếm đoạt 1.085 tỷ đồng, trong đó bị cáo Tuấn giúp sức chiếm đoạt hơn 200 tỷ đồng. Do đó, bị cáo Như phải bồi thường thiệt hại cho 4 công ty, liên đới với bị cáo Tuấn bồi thường hơn 200 tỷ đồng cho công ty Hưng Yên.

4 bị hại kháng cáo 'đòi' tiền Vietinbank, Huyền Như lại hầu tòa

4 công ty cho rằng Vietinbank có lỗi trong việc quản lý tiền gửi của khách hàng và quản lý nhân viên nên ngân hàng này phải bồi thường số tiền mà Huyền Như đã chiếm đoạt.

Hoài Thanh - Nguyễn Diễm

Bạn có thể quan tâm