Sau gần 1 tháng xét xử, ngày 17/10, TAND TP.HCM tuyên án đối với bị cáo Trương Mỹ Lan và các đồng phạm.
Trong phần nhận định, HĐXX cho rằng quá trình diễn ra phiên tòa, bị cáo Trương Mỹ Lan phủ nhận vai trò chủ trương phát hành trái phiếu, chỉ thừa nhận cho Nguyễn Phương Hồng (cựu Phó tổng Giám đốc Ngân hàng SCB) mượn các công ty con của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP) để phát hành trái phiếu.
Bị cáo Trương Mỹ Lan. Ảnh: Duy Hiệu. |
Đối với tội “Vận chuyển tiền tệ trái phép qua biên giới” và tội “Rửa tiền”, bị cáo Lan cho rằng cùng số tiền, cùng 1 thời gian và 1 hành vi nhưng truy tố bị cáo 2 tội danh là bất lợi cho bị cáo. Tuy nhiên, về trách nhiệm dân sự, bị cáo Lan đồng ý dùng toàn bộ tài sản cá nhân, tài sản của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, ưu tiên trả cho các bị hại.
Trong khi đó, các bị hại là những nhà đầu tư trái phiếu khống cho rằng họ bị Công ty Chứng khoán Tân Việt và SCB dẫn dụ để mua trái phiếu. Từ đó, họ yêu cầu bà Lan trả lại số tiền đã chiếm đoạt cùng lãi suất như quy định.
HĐXX cho biết vụ án có 35.824 bị hại cư trú tại 58 tỉnh, thành trên cả nước và 5.965 đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, có hơn 1.000 đơn yêu cầu bồi thường thuộc các mã trái phiếu nằm ngoài vụ án nên không được xem xét.
Đối với hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thể hiện qua việc bị cáo Lan đã chỉ đạo các nhân viên cấp dưới sử dụng 4 công ty thuộc Tập đoàn VTP (gồm các công ty An Đông, Quang Thuận, Sunny World và Setra) để phát hành 25 mã trái phiếu “khống”, không có tài sản đảm bảo.
Về hành vi “Rửa tiền”, theo HĐXX, nhằm che giấu nguồn gốc số tiền 445.000 tỷ đồng có được từ hành vi phạm tội tham ô tài sản của Ngân hàng SCB và phát hành trái phiếu, bị cáo Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo các thuộc cấp lên phương án thực hiện việc rút, chuyển tiền ra khỏi hệ thống ngân hàng này.
Về hành vi “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”, mỗi khi cần chuyển tiền ra nước ngoài để trả nợ hoặc nhận tiền vay từ nước ngoài chuyển về Việt Nam, bị cáo Lan đã giao cho các thuộc cấp lập các hợp đồng “khống” mua bán cổ phần, vốn góp, tư vấn, vay nợ giữa các công ty tại Việt Nam và công ty, tổ chức ở nước ngoài. Thông qua các hợp đồng “khống” này, tiền vay được chuyển từ nước ngoài về Việt Nam và tiền trả nợ được chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài qua hệ thống SCB.
Theo HĐXX, hành vi của các bị cáo gây ra là đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm đến trật tự xã hội, ảnh hưởng đến đầu tư trong và ngoài nước nên cần phải có bản án nghiêm khắc để răn đe, phòng ngừa chung.
Theo cáo buộc, bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm phát hành 25 gói trái phiếu khống, có tổng giá trị hơn 30.869 tỷ đồng, không có tài sản đảm bảo đem bán cho các nhà đầu tư. Đến nay còn dư nợ hơn 30.081 tỷ của hơn 35.000 nhà đầu tư, không có khả năng thanh toán.
Để che giấu nguồn tiền có được từ việc phát hành trái phiếu và 415.000 tỷ đồng có được từ hành vi “Tham ô tài sản” từ nguồn tiền của Ngân hàng SCB, bà Lan đã chỉ đạo các thuộc cấp phối hợp, lên phương án rút, chuyển tiền ra khỏi hệ thống ngân hàng, sử dụng cho các mục đích khác nhau.
Từ năm 2012-2022, mỗi khi chuyển tiền đi nước ngoài để trả nợ và nhận tiền vay từ nước ngoài về, bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo thuộc cấp lập các hợp đồng “khống” mua bán cổ phần, vốn góp... giữa các công ty con của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát với các công ty "ma" ở trong và ngoài nước.
Thông qua các hợp đồng “khống” này, tiền vay được chuyển từ nước ngoài về Việt Nam và tiền trả nợ được chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài thông qua hệ thống Ngân hàng SCB.
Tổng số tiền bà Lan và đồng phạm đã vận chuyển trái phép qua biên giới là hơn 4,5 tỷ USD, tương đương 106.000 tỷ đồng.
Sách về Pháp luật
Cuốn sách "Công tác thi hành án hình sự thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã" giới thiệu phạm vi nghiên cứu về 3 vấn đề: Thi hành án treo, thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ và áp dụng biện pháp tái hòa nhập cộng đồng tại địa phương. Cuốn sách đánh giá toàn diện cơ sở pháp lý về thi hành án hình sự, trọng tâm là về hình phạt và trách nhiệm của UBND cấp xã.