Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tòa ra lệnh bắt nguyên Chủ tịch Quỹ tín dụng tỉnh Hậu Giang

Ra lệnh áp giải đến tòa nhưng Lê Hữu Tâm có dấu hiệu bỏ trốn, TAND tỉnh Hậu Giang đã ra lệnh bắt nguyên Chủ tịch Quỹ tín dụng tỉnh Hậu Giang.

Ngày 24/8, TAND tỉnh Hậu Giang hoãn phiên xử sơ thẩm vụ án Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Quỹ tín dụng nhân dân tỉnh Hậu Giang.

Các bị cáo bị VKSND cùng cấp truy tố là Lê Hữu Tâm (59 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT quỹ tín dụng), Nguyễn Thiện Hồng (nguyên giám đốc), Bùi Chí Linh (nguyên phó giám đốc) và Phan Văn Tập (nguyên Giám đốc Công ty TNHH MTV Thiện Quỳnh Kiên Giang).

Đây là lần hoãn thứ hai, cách lần đầu 3 ngày vì Tâm không có mặt tại tòa. Trong lần hoãn trước, ông này đang nằm viện nên HĐXX ra lệnh áp giải.

Tuy nhiên, sáng 24/8, cảnh sát đến bệnh viện, nơi ở của Tâm tại TP.HCM và Cần Thơ nhưng không tìm được vị cựu Chủ tịch quỹ tín dụng. Điện thoại ông này cũng không liên lạc được.

Để đảm bảo cho việc xét xử, TAND tỉnh Hậu Giang đã ra lệnh bắt giữ bị cáo Tâm. HĐXX cũng yêu cầu Quỹ tín dụng Hậu Giang cử người đại diện hợp pháp để tham gia tố tụng.

Cuu Chu tich Quy tin dung Hau Giang bien mat anh 1
Ông Tâm (ngồi thứ hai từ phải qua) tại tòa năm 2015. Ảnh: Nhật Tân.

Theo hồ sơ vụ án, Quỹ tín dụng nhân dân tỉnh Hậu Giang thành lập năm 2007, hoạt động theo Luật Hợp tác xã. Tâm được cho là nhờ 28 người thân và nhân viên đứng tên vay tiền của quỹ. Khi lập hồ sơ vay vốn, ông này chỉ đạo cấp dưới, tìm cách nâng khống giá trị tài sản thế chấp lên hàng chục lần.

Nguyễn Thiện Hồng (nguyên giám đốc) đã ký giải ngân 24 hồ sơ, giúp cấp trên chiếm đoạt trên 45 tỷ đồng. Đây là nguyên nhân khiến Quỹ tín dụng Hậu Giang mất khả năng thanh khoản, không có tiền trả cho người gửi vào cuối năm 2011.

Trước áp lực rút vốn của người gửi tiền, nguyên Chủ tịch HĐQT Quỹ tín dụng Hậu Giang đã chỉ đạo Bùi Chí Linh (nguyên phó giám đốc) huy động vốn trong dân, với lãi suất cao hơn quy định của Ngân hàng Nhà nước. Sau đó, vị phó giám đốc đã để ngoài sổ sách 8 sổ tiết kiệm của khách hàng, chiếm đoạt trên 2 tỷ đồng.

Đến cuối năm 2012, một công ty "sân sau" của Tâm ở Cần Thơ ký hợp đồng mua bán thức ăn chăn nuôi trị giá 20 tỷ đồng với một doanh nghiệp tại Bình Dương. Ngày 7/12/2012, Hồng cung cấp chứng thư có giá trị 20 tỷ đồng để bảo lãnh cho công ty của Tâm tại Cần Thơ.

Tương tự, Linh đã cấp chứng thư trị giá 5 tỷ đồng cho một doanh nghiệp "sân sau" của Tâm tại TP Rạch Giá (Kiên Giang), dù Quỹ tín dụng Hậu Giang không có chức năng cấp chứng thư bảo lãnh. Công ty này do Phan Văn Tập làm giám đốc.

Tháng 8/2015, Tâm bị TAND tỉnh Hậu Giang tuyên phạt 30 năm tù, Linh 24 năm tù về hai tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; Hồng 12 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tâm với hai thuộc cấp sau đó kháng cáo. Tháng 5/2016, TAND Cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm, tuyên hủy án sơ thẩm. Quá trình điều tra lại cơ quan tố tụng phát hiện Tập có dấu hiệu đồng phạm với Tâm nên xử lý hình sự ông này.

Cuu Chu tich Quy tin dung Hau Giang bien mat anh 2
Quỹ tín dụng nhân dân tỉnh Hậu Giang (chấm đỏ). Ảnh: Google Maps.

Điều tra lại vụ lừa đảo tại Quỹ tín dụng tỉnh Hậu Giang

Khi lập hồ sơ vay vốn, ông Tâm được cho đã chỉ đạo cấp dưới tìm cách nâng khống giá trị tài sản thế chấp lên hàng chục lần.

Việt Tường

Bạn có thể quan tâm