Ngày 13/7, TAND TP Tân An (Long An) đã tuyên trả hồ sơ vụ án Trần Minh Đức cố ý gây thương tích để VKS cùng cấp điều tra bổ sung vì có nhiều chứng cứ quan trọng chưa được làm rõ.
Chiếc nón mà biết nói năng…
Theo cáo trạng, trước đó do vợ của bị cáo Đức có cự cãi với ông Trần Văn Phong (ngụ TP Tân An) về việc học tập của con nên giờ họp phụ huynh, vợ Đức và ông Phong có cự cãi, dọa đánh nhau tại trường.
Đức đang ở gần đó thấy vậy chạy đến dùng nón bảo hiểm đánh vào mặt ông Phong. Ông Phong được đưa đi bệnh viện.
Kết luận giám định pháp y sau đó xác định ông Phong bị một vết sẹo tại sống mũi phải, kích thước 1,5 x 0,3 cm ảnh hưởng đến thẩm mỹ tỷ lệ 6%, đồng thời mũi ông bị gãy xương chính, tỷ lệ thương tích 9%.
Bị cáo Trần Minh Đức tại phiên tòa. |
Bào chữa cho bị cáo tại tòa có bảy luật sư (LS) từ Đoàn LS TP Hà Nội và Đoàn LS TP HCM. Phần tranh luận, các LS cho rằng có quá nhiều chứng cứ mâu thuẫn, chưa được làm rõ trong vụ án này.
Cụ thể, cáo trạng xác định bị cáo sử dụng hung khí là chiếc nón bảo hiểm đánh ông Phong gây thương tích. Tuy nhiên, tại tòa vợ bị cáo khai hôm xảy ra vụ việc, vợ chồng bị cáo chỉ mang theo hai nón bảo hiểm, vợ bị cáo mang theo một cái lúc xảy ra cự cãi với ông Phong. Nhân chứng cũng khai lúc bị cáo và ông Phong rượt đuổi đánh nhau, bị cáo không cầm nón bảo hiểm.
Một nhân chứng khác cũng khẳng định khi công an đến hiện trường lập biên bản giữ xe mô tô của bị cáo đưa về trụ sở, lúc này bị cáo mới xin mở cốp xe để lấy nón bảo hiểm ra. Nói cách khác khi xảy ra vụ án, nón bảo hiểm của bị cáo còn nằm trong cốp xe.
Bí quá thì đổ bị cáo giấu nón
Thư ký phiên tòa đã đọc một số biên bản lời khai của các nhân chứng có đơn xin vắng mặt thể hiện họ nhìn thấy bị cáo đánh ông Phong bằng nón bảo hiểm màu xám. Tuy nhiên, trong số các nhân chứng có mặt tại tòa lại khai nhìn thấy nón bảo hiểm lúc thì màu xanh, lúc khai màu xám, lúc màu xanh xám, lúc lại khai không nhìn thấy gì.
Khi tranh luận, đại diện VKS cho rằng do sơ suất của công an phường thời điểm lấy lời khai, ban đầu bị cáo khai đánh ông Phong bằng tay nên đã không thu thập hung khí là nón bảo hiểm. Sau đó cơ quan chức năng có đến nhà thu giữ bốn nón bảo hiểm nhưng không có nón nào là hung khí.
Các LS tranh luận rằng cáo trạng buộc bị cáo đánh ông Phong bằng nón bảo hiểm, vậy nón này giờ ở đâu thì đại diện VKS trả lời bị cáo giấu nón này rồi. Các LS tiếp tục tranh luận yêu cầu VKS đối đáp chỉ ra bằng chứng cho thấy bị cáo giấu nón này thì đại diện VKS chỉ nói chung “LS cho rằng không khách quan nhưng VKS thấy khách quan”.
“Số liệu tương đối” và phép cộng cẩu thả
Theo tài liệu có trong hồ sơ thì trong kết luận chẩn đoán của bệnh viện đối với ông Phong thể hiện vết sẹo 1 cm nhưng trong kết luận giám định pháp y lại thể hiện vết sẹo 1,5 x 0,3 cm.
Tranh luận tại tòa, đại diện trung tâm giám định pháp y cho rằng các số liệu này chỉ tương đối, không thể chính xác. Các LS đã bác lập luận “tương đối” này vì nó là một trong những tình tiết quan trọng của vụ án, không thể lấy cái “tương đối” thuyết phục để buộc tội bị cáo.
Điều đáng nói là trong bản giám định pháp y cũng có sai sót đến ngớ ngẩn. Chẳng hiểu sao khi cộng dồn hai tỉ lệ thương tích, giám định viên lại tính 9% cộng với 6% bằng 14%! Các LS cho rằng với phép tính mà học sinh lớp 1 ai cũng làm được nhưng không hiểu sao giám định viên lại cộng sai, trong khi đây là tình tiết quan trọng của vụ án.
Trước đó, cơ quan điều tra cũng đã có văn bản gửi trung tâm giám định pháp y yêu cầu cơ quan này trả lời nón bảo hiểm có phải là hung khí gây thương tích cho ông Phong không. Tại văn bản trả lời của trung tâm giám định pháp y chỉ thể hiện hung khí gây ra vết thương là vật tày, có khả năng là do nón bảo hiểm.
Các LS tranh luận vật tày là vật gì và văn bản trả lời là nón bảo hiểm có khả năng gây ra vết thương có nghĩa là có thể có hoặc không.
Với nhiều điểm còn chưa rõ nói trên, cuối cùng tòa tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Điều tra viên có “phép phân thân”
Tại tòa, một số nhân chứng khai họ bị điều tra viên bắt viết đi viết lại lời khai nhiều lần trong suốt hai, ba giờ đồng hồ như… tội phạm.
Các LS cũng chỉ ra tại các bút lục cho thấy có dấu hiệu điều tra viên “phân thân”, bởi trong cùng một thời gian nhưng một điều tra viên lấy lời khai rất nhiều nhân chứng. Các LS cho rằng có dấu hiệu không khách quan trong quá trình lấy lời khai. Tranh luận tại tòa, đại diện VKS thừa nhận có việc này và sẽ kiểm tra lại vụ việc.