Một vụ ngộ độc chì tập thể tại trường mẫu giáo ở Trung Quốc đang gây chấn động dư luận. Hàng trăm trẻ em bị ảnh hưởng, nhưng những gì xảy ra sau đó còn khiến công chúng sửng sốt hơn: Kết quả xét nghiệm bị thao túng, điều tra bị trì hoãn và nhiều cấp chính quyền bị cáo buộc che giấu sai phạm.
![]() |
Các gia đình đưa con đi khám sau vụ việc. Ảnh: The Paper. |
Nồng độ chì cao gấp 400.000 lần ngưỡng cho phép
Vụ việc bắt đầu từ cuối tháng 6 tại trường mẫu giáo tư thục Heshi Peixin, huyện Tây Hà, thành phố Thiên Thủy, tỉnh Cam Túc (Trung Quốc). Hàng loạt phụ huynh đưa con đi khám sau khi phát hiện các dấu hiệu bất thường như buồn nôn, đau bụng, mệt mỏi, sút cân, răng đổi màu. Đầu tháng 7, hơn 230 trẻ được xác nhận nhiễm độc chì, gây hoang mang và phẫn nộ trong cộng đồng.
Theo CCTV, một cuộc điều tra quy mô nhanh chóng được mở ra. Kết quả khiến dư luận cả nước rúng động. Bếp trưởng họ He của trường đã hai lần mua bột màu công nghiệp các màu vàng, đỏ và xanh lá vào năm 2024 và đầu năm 2025, với giá khoảng 6 nhân dân tệ (tương đương 0,8 USD) cho mỗi 100 gram.
Dù trên bao bì có ghi rõ “không dùng trong thực phẩm”, nhân viên nhà bếp vẫn sử dụng loại bột này để pha vào các món làm từ bột mì như nem ngô, bánh táo đỏ. Những món ăn này được chế biến và phục vụ cho học sinh cũng như nhân viên của trường với tần suất 6 lần mỗi tháng.
![]() |
Trường mẫu giáo nơi xảy ra vụ bê bối. Ảnh: South China Morning Post. |
Báo cáo công bố ngày 20/7 của chính quyền cho thấy phẩm màu có nồng độ chì lên tới 209.890 mg/kg, cao hơn 400.000 lần so với giới hạn cho phép. Chiếc bánh chà là được có hàm lượng chì là 1.052 mg/kg, bánh ngô cuộn có hàm lượng chì là 1.340 mg/kg, trong khi giới hạn chì cho phép trong lúa mỳ và tinh bột là 0,5 mg/kg. Toàn bộ hành vi cho bột màu vào thực phẩm đã được camera an ninh ghi lại.
Điều khiến dư luận bức xúc chính là kết quả xét nghiệm máu trước đó tại bệnh viện địa phương lại cho thấy chỉ số trong giới hạn an toàn, khiến nhiều phụ huynh chủ quan. Tuy nhiên, khi xét nghiệm lại ở các cơ sở y tế khác, mức độ nhiễm độc nghiêm trọng mới được phát hiện.
Sự phẫn nộ càng được đẩy lên cao trào khi kết luận điều tra sau đó khẳng định đã có sự che giấu và sai phạm nghiêm trọng từ phía nhiều cơ quan chức năng.
6 người bị bắt, hàng loạt quan chức vướng kỷ luật
Theo The New York Times, trong báo cáo công bố ngày 21/7, giới chức xác nhận các mẫu máu xét nghiệm từng bị can thiệp: có mẫu bị phá hủy, có kết quả bị chỉnh sửa hoặc bị hạ thấp nồng độ chì xuống dưới ngưỡng điều trị.
Khi ngày càng nhiều trẻ xuất hiện triệu chứng, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) tỉnh Cam Túc được giao nhiệm vụ kiểm tra 267 học sinh và nhân viên tại Trường Mẫu giáo Peixin.
Nhưng các nhân viên không thực hiện nghiêm túc. Họ lắc ống máu hoặc để mẫu máu ngoài môi trường gần ba tiếng, khiến máu phân tách, dẫn tới “chênh lệch lớn" giữa kết quả xét nghiệm và giá trị thực tế. Báo cáo cũng chỉ ra rằng nhiều nhân viên tại đây đã né tránh trách nhiệm, thậm chí cản trở điều tra, dù không nêu cụ thể hình thức.
![]() |
Những chiếc bánh được tẩm màu để trông bắt mắt hơn. Ảnh: Weibo. |
Có trường hợp trẻ nhiễm chì ở mức nguy hiểm, lên đến 346 µg/L nhưng kết quả được bệnh viện “hô biến” chỉ còn 52 µg/L để tránh gây chú ý.
Ngoài ra, một loạt quan chức địa phương, nhân viên y tế và lãnh đạo bệnh viện cũng bị cáo buộc nhận hối lộ, làm giả hồ sơ, trì hoãn điều tra và phớt lờ vi phạm. Sự phối hợp giữa các bên nhằm che giấu vụ việc đã khiến hàng trăm trẻ em không được can thiệp kịp thời.
Trước áp lực dữ dội từ dư luận, chính quyền tỉnh Cam Túc đã công khai xin lỗi, thiết lập đường dây nóng pháp lý để hỗ trợ các gia đình và cam kết điều trị miễn phí cho tất cả trẻ bị ảnh hưởng. Sáu người, bao gồm hiệu trưởng, đầu bếp và nhà đầu tư của trường đã bị bắt. Mười quan chức cấp cao bị truy cứu trách nhiệm, thêm 17 cá nhân khác đang bị điều tra kỷ luật.
Chính phủ Trung Quốc sau đó thành lập ban chuyên gia từ trung ương, đồng thời ban hành hướng dẫn mới về an toàn thực phẩm học đường. Theo đó, mọi nguyên liệu sử dụng trong bếp ăn nhà trường phải được kiểm định và nhập từ nguồn hợp pháp. Trường Peixin tạm thời được chuyển giao cho một cơ sở mẫu giáo công lập quản lý.
Tác hại lâu dài đối với sức khỏe trẻ nhỏ
Tính đến cuối tháng 7, đã có 234 trẻ được điều trị và xuất viện. Nồng độ chì trung bình trong máu đã giảm 40,21%. Dù vậy, các chuyên gia cảnh báo việc ngộ độc chì có thể để lại hậu quả lâu dài cho sức khỏe trẻ nhỏ.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từ lâu đã nhấn mạnh không có mức phơi nhiễm chì nào là an toàn, đặc biệt với trẻ em. Việc phơi nhiễm có thể gây tổn thương vĩnh viễn đến não bộ và hệ thần kinh trung ương, làm suy giảm trí tuệ, thay đổi hành vi và ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện.
![]() |
Hành vi trộn bột màu của đầu bếp được camera an ninh ghi lại. Ảnh: South China Morning Post. |
Ở người lớn, tiếp xúc lâu dài với chì làm tăng nguy cơ cao huyết áp, bệnh tim mạch, tổn thương thận. Phụ nữ mang thai nếu nhiễm độc chì có thể khiến thai chậm phát triển, sinh non hoặc ảnh hưởng lâu dài đến thai nhi.
Sau khi xâm nhập vào cơ thể, chì phân bố tới nhiều cơ quan như não, gan, thận và được tích trữ lâu dài trong xương và răng. Trẻ em có nguy cơ cao hơn người lớn vì cơ thể có thể hấp thụ chì nhiều gấp 4-5 lần từ cùng một lượng phơi nhiễm.
Nhiều vụ nhiễm độc chì hàng loạt, thậm chí tử vong ở trẻ em từng xảy ra tại một số quốc gia do tiếp xúc với bụi đất nhiễm chì từ các cơ sở tái chế ắc quy hoặc mỏ khoáng sản. Một trong những vụ ngộ độc chì kinh hoàng nhất đã xảy ra vào năm 2010 tại bang Zamfara, miền Bắc Nigeria.
Đây là khu vực nghèo khó nhưng giàu tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là vàng. Người dân địa phương, trong nỗ lực kiếm sống, đã đổ xô vào các mỏ vàng trái phép, sử dụng các phương pháp khai thác và chế biến thô sơ, kém an toàn.
Quá trình nghiền quặng và tách vàng bằng tay đã giải phóng một lượng lớn bụi chì vào không khí, đất và nguồn nước. Những ngôi làng nằm gần khu vực khai thác bầm trong ô nhiễm chì. Hậu quả là hơn 163 người đã thiệt mạng, trong đó có đến 111 trẻ dưới 5 tuổi.
Trong cuốn sách Sống khỏe mạnh không phụ thuộc vào thuốc, giáo sư Ryoko Chiba cho rằng nguyên tắc cơ bản khi sử dụng thuốc trong cuộc sống thường ngày chính là “ngắn và cụ thể”. Khi nào bị bệnh thì uống thuốc. Hết bệnh thì nhanh chóng ngừng thuốc.