Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tội ác của những kẻ phát tán ảnh riêng tư và bán thông tin trên mạng

Ở Singapore, có một nhóm những kẻ chuyên lan truyền thông tin, hình ảnh riêng tư của người khác trên mạng, hay còn gọi là hành vi doxxing.

Đầu tháng 7, clip ghi lại cảnh một phụ nữ giật biển số xe, ném trở lại vào kính chiếc ôtô hiệu Toyota tại Tuas Second Link lan truyền trên mạng xã hội Singapore. Trước đó, xe của người phụ nữ xảy ra va chạm với chiếc Toyota khi đang lưu thông trên đường.

Sau đó, người phụ nữ và chồng xuống đường, liên tục chửi rủa tài xế xe Toyota trước khi bỏ đi.

Dân mạng nhanh chóng vào cuộc và tìm ra danh tính, nơi làm việc thậm chí tên con trai của cặp vợ chồng rồi chia sẻ rộng rãi. Tính đến 5/8, những thông tin này vẫn còn trên các trang mạng, theo Channel News Asia.

Việc săn lùng thông tin trong các vụ việc tương tự không phải là hiếm. Theo các luật sư, những người phát tán thông tin như vậy có thể đang tham gia vào hoạt động doxxing - một hình thức quấy rối trực tuyến. Singapore tuyên bố doxxing là hành vi bất hợp pháp từ tháng 1/2020.

phat tan thong tin ca nhan nguoi khac anh 1

Người phụ nữ Singapore bị phát tán thông tin cá nhân và gia đình sau khi bị ghi lại clip va chạm giao thông. Ảnh: SG Road Vigilante.

Doxxing là gì

Các hành vi phát tán thông tin của một cá nhân hoặc người có liên quan đến họ nhằm quấy rối, đe dọa hoặc kích động bạo lực chống lại họ đều được gọi là doxxing. Các thông tin có thể là tên, ngày sinh, địa chỉ cư trú, địa chỉ email, số điện thoại, số chứng minh nhân dân, thông tin nhận dạng khác bao gồm nơi làm việc hoặc học vấn, đặc trưng hay gia cảnh.

Luật sư Adrian Wee của công ty Characterist LLC tại Singapore cho biết một bài đăng có thể bị coi là kích động bạo lực nếu nó có những nội dung đại loại như: "Mọi người hãy nhìn anh ta/cô ta đi. Chúng ta nên dạy cho người này một bài học".

Việc chỉnh sửa một video cũng có thể bị quy vào hành vi này, ví dụ như thêm vào biểu tượng cảm xúc mô tả bạo lực.

Người phát ngôn Lực lượng Cảnh sát Singapore cho biết cảnh sát điều tra gần 60 trường hợp được xem là doxxing vào các năm 2020, 2021 và gần 10 vụ tính từ tháng 1 đến tháng 4 năm nay.

phat tan thong tin ca nhan nguoi khac anh 2

Lan truyền thông tin, hình ảnh người khác khi chưa được cho phép có thể bị coi là doxxing. Ảnh minh họa: Anyaberkut.

Người lan truyền thông tin cá nhân nhằm quấy rối, cảnh cáo hoặc gây đau khổ cho người khác có thể đối mặt mức phạt tối đa 5.000 SGD và 6 tháng tù. Trường hợp thông tin bị phát tán có thể gây ra nỗi sợ về bạo lực hoặc tạo điều kiện cho bạo lực, thủ phạm có thể bị phạt tới 5.000 SGD và bị bỏ tù đến 12 tháng.

Tuy nhiên, theo các luật sư, những video được quay ở nơi công cộng và phản ánh sự thật không bị xem là doxxing.

"Một người đăng video ghi lại một số thông tin hoặc bằng chứng về tranh chấp nào đó xảy ra ở nơi công cộng là điều chấp nhận được. Các bên có thể xem như đó là bản ghi lại thực tế những gì đã xảy ra", luật sư Sanjiv Vaswani của công ty Vaswani Law Chambers cho biết.

Theo ông, các chi tiết như biển số ôtô trong video về sự việc ở Tuas Second Link không được coi là doxxing bởi biển số xe không tiết lộ thông tin cá nhân.

"Ngay cả khi không có video đó ghi lại, biển số cũng được tất cả người đi đường nhìn thấy vì nó công khai", luật sư giải thích.

Ngăn chặn doxxing

Có nhiều nhóm mạng xã hội hoạt động dựa trên đóng góp của thành viên tích cực chống lại doxxing. Người đại diện của Roads.sg, có khoảng 260.000 người theo dõi, cho biết trang này được tạo ra như một nền tảng để thúc đẩy an toàn đường bộ ở Singapore.

Một nhóm quản trị viên sẽ xác minh nội dung do người dùng gửi và quản lý trang để đảm bảo người bình luận không xác định được nhân vật trong video hoặc chụp ảnh, quấy rối họ.

"Chúng tôi không cho phép doxxing xuất hiện trên trang. Không phân biệt chủng tộc, không bình luận thô tục, chúng tôi quản lý rất chặt chẽ ở khía cạnh này. Mỗi ngày, chúng tôi xóa hàng trăm bình luận của người xem vi phạm", người phát ngôn cho biết.

Một quản trị viên của nhóm Complaint Singapore trên Facebook cho biết trung bình, trang này xuất bản 10-20 bài viết do người dùng đóng góp và thu hút tới 10.000 bình luận mỗi ngày.

phat tan thong tin ca nhan nguoi khac anh 3

Nhiều hội nhóm, trang mạng xã hội ở Singapore tích cực chống lại doxxing. Ảnh minh họa: Unplash.

Mỗi nhóm tình nguyện viên sẽ dành từ 3 đến 6 tiếng mỗi ngày để quản lý và tạo nội dung trên các nền tảng mạng xã hội của Complaint Singapore. Ngay khi người kiểm duyệt phát hiện hành vi doxxing, họ sẽ xóa nội dung, cấm người viết bình luận đó hoạt động trong 28 ngày và thông báo về hành vi vi phạm của họ. Nếu tái phạm, người đó sẽ bị cấm vĩnh viễn trên trang.

Luật sư Vaswani cho biết người kiểm duyệt của các nhóm và diễn đàn mạng xã hội như vậy có thể có nghĩa vụ pháp lý để ngăn chặn hành vi doxxing trên các trang của họ.

"Nếu có một người quản lý kiểm duyệt tất cả bài đăng trước khi được đưa lên mạng, gánh nặng đặt lên vai và trách nhiệm họ phải đối mặt không nhỏ", ông nói.

Cũng theo luật sư, nếu người kiểm duyệt nhóm vẫn cho phép thông tin vi phạm hiển thị trong khi nên xóa chúng, họ có thể phải chịu trách nhiệm về việc tạo điều kiện cho hành vi quấy rối hoặc doxxing.

"Tất nhiên nó sẽ phụ thuộc vào mỗi tình huống, đặc biệt là việc đánh giá xem hoạt động của người kiểm duyệt có hợp lý hay không", luật sư cho biết.

Quảng cáo củ tỏi bị chê tục tĩu ở Hàn Quốc

Thể hiện củ tỏi dưới hình ảnh một người đàn ông và sử dụng các từ mô tả như "dày, cứng cáp", quảng cáo bị chỉ trích là phản cảm.

Mai An

Bạn có thể quan tâm