Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Tôi bị chồng tưới xăng đốt khi đang ngủ’

Trong dịch Covid-19, bạo lực gia đình có xu hướng leo thang khi phụ nữ phải ở nhà nhiều hơn với người bạo hành. Con số từ nghiên cứu về thực trạng này ở Hà Nội rất đáng báo động.

Công ty tạm đóng cửa do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chị T. (sống tại Phúc Thọ, Hà Nội) - công nhân may mặc - bị mất việc. Chồng chị là công nhân điện, cũng không thể đi làm trong thời gian dịch bệnh.

Hai trụ cột đều không tạo ra thu nhập, cuộc sống của gia đình 5 người lâm vào cảnh lao đao.

Số tiền bán rau từ vườn nhà không được bao nhiêu, con trai nhập viện khiến chị T. phải vay mượn người thân số tiền khá lớn. Trong khi đó, chồng chị lại tiêu xài hoang phí, cờ bạc, thường bắt đưa thêm tiền, thậm chí mắng chửi, đánh vợ thậm tệ.

Có lúc đang ăn cơm, chồng cầm bát tô đập vào mặt khiến chị T. phải khâu nhiều mũi. Chị cũng 4-5 lần phải đi bệnh viện kiểm tra sau những trận đòn roi nặng nề của gã đàn ông vũ phu.

phu nu bi bao hanh trong dai dich anh 1

Nhiều phụ nữ bị chồng chửi bới, đánh đập trong thời gian ở nhà tránh dịch. Ảnh minh họa: TFS.

Đỉnh điểm, khi đang ngủ, chị T. và 3 con bị chồng khóa trái cửa, đổ xăng đốt nhưng may mắn được mọi người cứu thoát. Nhiều lần, dù không muốn, chị cũng phải thỏa mãn mọi ham muốn tình dục của chồng vì sợ bị đánh.

Sau tất cả, chị T. vẫn giữ im lặng với gia đình. Chị nhiều lần nghĩ đến việc từ bỏ cuộc sống, thậm chí có lần phải vào viện cấp cứu vì uống thuốc ngủ tự tử.

Dù rất muốn ly hôn để chấm dứt cuộc hôn nhân không hạnh phúc, chị T. đành nhẫn nhịn, chấp nhận nghịch cảnh vì thương con và tài chính không đảm bảo.

Câu chuyện của chị T. chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp phụ nữ bị chồng/bạn tình bạo hành trong thời gian ở nhà tránh dịch.

Tình trạng “khủng hoảng trong khủng hoảng” này đã xuất hiện từ khi lệnh cách ly xã hội được thực hiện, với số vụ bạo lực gia đình tăng lên đáng kể ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Từ tháng 6 đến tháng 9, Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) phối hợp với Đại học Y tế Công cộng Hà Nội thực hiện nghiên cứu nhằm tìm hiểu tác động của đại dịch tới những phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình ở thủ đô Hà Nội.

Kết quả vừa được công bố với những con số đáng báo động.

Bạo lực leo thang trong dịch

Có 303 phụ nữ trong độ tuổi 18-60 - đều là nạn nhân của bạo lực tinh thần, thể chất và tình dục do chồng/bạn tình gây ra - đã tham gia cuộc nghiên cứu và chia sẻ về trải nghiệm bị bạo hành của họ trong thời gian cách ly phòng dịch.

Cuộc nghiên cứu phát hiện bạo lực dưới các hình thức khác nhau xảy ra với 99% cặp vợ chồng/bạn tình trong thời gian diễn ra dịch Covid-19.

Trong đó, 80,9% phụ nữ báo cáo về những hành vi kiểm soát của chồng/bạn tình; 34% bị bạo hành về kinh tế; 87,8% bị bạo hành về tinh thần; 59% bị bạo hành về thể xác và 25% cho biết đã bị bạo hành về tình dục.

phu nu bi bao hanh trong dai dich anh 2

Bạo lực dưới các hình thức khác nhau xảy ra với 99% cặp vợ chồng/bạn tình trong thời gian diễn ra dịch Covid-19. Nguồn: Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS).

Phần lớn phụ nữ trong mẫu nghiên cứu cho biết các hình thức bạo lực xảy ra nhiều hơn suốt thời gian diễn ra dịch Covid-19.

Cụ thể, 84% phụ nữ nói các hành vi kiểm soát xảy ra nhiều hơn; 72% bị bạo lực kinh tế nhiều hơn; 91% hứng chịu bạo lực tinh thần nhiều hơn; 93% cho biết tần suất xảy ra bạo lực thể xác nhiều hơn, trong đó, 56% từng trải qua các hành vi bạo hành thể xác nhiều hơn 5 lần.

79% báo cáo rằng họ bị bạo hành tình dục nhiều hơn trong thời gian diễn ra dịch Covid-19. Trong đó, 52% phải chịu đựng các hành vi bạo lực tình dục nhiều hơn 5 lần và 37% trải qua những tình huống đó 2-5 lần.

Có đến 80,7% phụ nữ báo cáo rằng các tình huống bạo lực gia đình về thể chất, tinh thần, tình dục đã gây ra tổn thương/chấn thương cho bản thân họ. 75,2% chịu tổn thương tâm lý, tỷ lệ bị chấn thương về mặt thể xác là 43,3%.

Khoảng 1/3 phụ nữ (31,7%) cần được chăm sóc y tế do các hành vi liên quan đến bạo lực gia đình gây ra bởi chồng/bạn tình.

phu nu bi bao hanh trong dai dich anh 3

Các hình thức bạo lực với phụ nữ xảy ra nhiều hơn suốt thời gian diễn ra dịch Covid-19. Nguồn: Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS).

Cố gắng chịu đựng vì con cái

Trong số phụ nữ bị bạo lực gia đình, chỉ có 45% đã tìm kiếm sự giúp đỡ để thoát khỏi tình huống đó. Gần 1/5 phụ nữ báo cáo rằng tìm kiếm sự giúp đỡ khi bạo lực gia đình xảy ra trong thời gian diễn ra Covid-19 là khó khăn hoặc rất khó khăn.

Hơn một nửa số phụ nữ bị bạo hành đã nghĩ đến việc tự sát. Trong đó, 7,2% từng tự tử để thoát khỏi bế tắc.

Nghiên cứu định tính chỉ ra rằng nhiều phụ nữ cảm thấy kiệt sức và tuyệt vọng vì bị chồng/bạn tình hành hạ. Họ nghĩ đến việc tự tử như một trong những cách giải thoát khỏi bạo lực gia đình. Tuy nhiên, tất cả đều cố gắng sống tiếp chỉ vì con.

phu nu bi bao hanh trong dai dich anh 4

"Nhiều lần, tôi định ly hôn nhưng nghĩ đến con cái rồi thương thì cứ đành sống vậy và cam chịu. Tôi cũng muốn con có bố, có mẹ", một nạn nhân 40 tuổi ở Sơn Tây nói. Ảnh minh họa: Getty.

Khi được hỏi lý do không quyết định ly hôn, các nạn nhân cho biết họ yêu và muốn bảo vệ con cái nên chấp nhận sống trong cuộc hôn nhân bất hạnh. Lý do khác là họ sợ điều tiếng cho bản thân và gia đình.

Một số phụ nữ không thể thoát khỏi cuộc hôn nhân bạo lực vì giới hạn về mặt kinh tế.

Đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm nạn bạo lực gia đình. Điều này được phản ánh qua sự gia tăng mức độ thường xuyên của những hành vi kiểm soát, lạm dụng tài chính, cũng như bạo lực về tâm lý, thể chất và tình dục, ít nhất 70% trong thời gian bùng phát đại dịch so với giai đoạn chưa có dịch.

Người Việt vào top 100 phụ nữ năm 2020 của BBC

Kiến trúc sư Chu Kim Đức được BBC tôn vinh trong danh sách 100 người phụ nữ của năm 2020 nhờ nỗ lực tạo ra sân chơi bằng vật liệu tái chế cho trẻ em Việt Nam suốt nhiều năm qua.

Thiên Nhi

Bạn có thể quan tâm