Liên quan vụ tàu hỏa lật sau va chạm với ôtô khiến 3 người tử nạn xảy ra tại huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế, theo ghi nhận của Zing.vn, lúc hơn 19h ngày 20/2 (sau hơn 5 giờ xảy ra vụ việc), lực lượng cứu hộ đã đưa được thi thể anh Phạm Hồng Phượng, Phó trưởng tàu phụ trách an ninh bị mắc kẹt ra khỏi toa đầu máy.
Theo ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, do dầu đầu máy bị chảy loang nên lực lượng cứu hộ không sử dụng được máy cắt. Họ buộc phải sử dụng phương pháp thủ công cố gắng đưa thi thể người bị nạn ra ngoài.
Hành khách lên ôtô về TP Huế tiếp tục hành trình. Ảnh: Điền Quang. |
Là người có mặt trong chuyến tàu, bà Nguyễn Thị An, hành khách tuyến Sài Gòn - Thanh Hóa, người ngồi toa 11 cạnh 3 toa tàu bị lật kể: "Khi nghe tiếng xịch, toa tàu đột ngột rung lắc rất mạnh. Tôi và những người trên toa bị ngã dúi dụi, hành lý để trên tầng trên ghế ngồi rơi loạng xạ".
Theo bà An, thời điểm đó, mọi người có mặt trên toa tàu đều hoảng loạn vì không biết chuyện gì đã xảy ra. Một lúc sau, có nhân viên tàu đến và hối thúc mọi người dồn lên các toa tàu trên, mọi người mới biết tàu bị lật vì đâm trúng xe tải.
Ôm đứa con nhỏ 6 tháng tuổi, chị Nguyễn Thị Phúc (quê Thanh Hóa) chưa hết bàng hoàng. Chị nói: "Tôi đang nằm ôm con ngủ thì nghe tiếng “đùng" rất to. Lúc đó, toa tàu rung lắc rất mạnh, suýt chút nữa tôi bị rơi xuống giường. Nghe mọi người la hét tàu bị lật, tôi chỉ biết nằm ôm cứng đứa con nhỏ của mình".
Là người dân sống cách hiện trường khoảng 50 m, ông Nguyễn Văn Minh cho biết thời điểm tàu gặp nạn lúc 14h30. "Nghe tiếng va chạm khá mạnh, tội chạy ra thì các toa tàu đã lật nghiêng, cát bụi bay mù mịt, hành khách thì la í ới. Nhiều người bò ra cửa sổ, không khí hoảng loạn bao trùm cả khu vực".
Theo ông Minh, khi xảy ra sự việc người dân địa phương chạy tới từng toa bị lật để hỏi xem ai có bị thương không. "Tôi thấy dầu mỡ trên tàu tràn hết ra đường sắt. Khoảng nửa giờ sau, có 7 chiếc xe cứu thương đến hiện trường để đưa những người bị nạn đi cấp cứu", ông Minh kể.
Hành khách vẫn chưa hết bàng hoàng sau vụ tai nạn tàu hỏa. Ảnh: Điền Quang. |
Liên quan đến vụ việc, tối 20/2, trả lời Zing.vn, bà Phùng Thị Lý Hà, Phó tổng giám đốc Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội khẳng định đã hoàn thành việc chuyển tải các hành khách trên tàu SE2 gặp nạn bằng ôtô vào Huế để tiếp tục lên tàu đi Hà Nội.
Cũng theo bà Hà, ngoài tàu SE2 gặp tai nạn một tàu SE4 đang đỗ tại Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế). Do đường sắt đang hư hỏng sau vụ va chạm nên không thể di chuyển được. Tổng công ty Đường sắt cũng đã chuyển các hành khách trên chuyến tàu này về Huế, sau đó đi tàu ra Hà Nội.
Bà Hà thông tin: “Các hành khách trên tàu SE2 và SE4 đã lên tàu ra Hà Nội vào lúc 20h30. Người của ngành đường sắt đã chia sẻ đến từng hành khách mong họ thông cảm. Chúng tôi cũng bố trí mời hành khách ăn đêm miễn phí. Tổng số hai tàu khoảng hơn 300 hành khách”.
Nữ Phó tổng giám đốc cho biết thêm sáng 21/2, Tổng công ty Đường sắt cũng sẽ bố trí phương tiện truyền tải trong trường hợp đường sắt vẫn chưa thông.
Đề cập đến vụ tai nạn, một đại diện Tổng công ty Đường sắt khẳng định vụ việc khiến cho toàn bộ những chuyến tàu sau bị ảnh hưởng. Tất cả những hành khách trên tàu bị nạn đã được đưa về nhà ga trung tâm Huế hỗ trợ ăn uống, nghỉ ngơi.
Dự kiến sáng 21/2, đường sắt mới được khắc phục xong và thông tuyến. “Chúng tôi vẫn chưa thống kê được cụ thể bao nhiêu tàu, hành khách bị ảnh hưởng vì chậm, hủy tuyến. Sáng 21/2, Tổng công ty Đường sắt mới thống kê chính xác”, vị này nói.
Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: Nguyên Vũ.
|
Trong thông cáo phát đi lúc 17h, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết vào lúc 14h40 ngày 20/2, đoàn tàu khách khi đến Km 738+245 (đường ngang phòng vệ bằng biển báo) khu Lăng Cô - Cầu Hai, tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM (thuộc huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) đã va chạm với ôtô tải chở đá.
Vụ tai nạn khiến 3 người chết tại chỗ (1 lái xe, 1 phụ lái xe và 1 nhân viên đường sắt) và 4 người khác bị thương nhẹ gồm lái tàu, phụ lái tàu và 2 hành khách đi trên đoàn tàu SE2.