Những lần chi tiêu giúp tôi có động lực làm việc, kiếm tiền nhiều hơn.
Tôi là T.H, sinh năm 1999 và làm việc trong ngành Truyền thông sáng tạo.
Với tổng thu nhập tháng từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng, bao gồm cả lương thưởng và các khoản tiền ngoài lương, cuộc sống của tôi tại TP.HCM khá thoải mái, không quá “nặng gánh” chi tiêu.
Với tôi, mua sắm là dịp để tưởng thưởng chính mình sau những giờ phút lao động chăm chỉ. Tôi sắm sửa khá thường xuyên, có lúc đã chi đến 7 triệu đồng/ngày.
Vui vẻ, thỏa mãn khi tiêu tiền
Đó là thời điểm trước khi TP.HCM giãn cách xã hội, tôi vừa chính thức rời công ty cũ sau một năm gắn bó. Mệt mỏi và cảm thấy “cũ kỹ”, tôi biết mình cần tự tìm niềm vui để làm mới bản thân và chuẩn bị cho hành trình tiếp theo.
Tôi quyết định dành một phần thu nhập cho mua sắm, bất chấp chưa có việc mới ngay và chỉ còn một khoản tiết kiệm để trang trải.
Món thứ nhất mà tôi muốn mua là máy ảnh film. Vì dòng máy tôi quan tâm đã ngưng sản xuất, tôi tìm hiểu rất nhiều địa chỉ kinh doanh máy film cũ trên mạng, đồng thời hỏi thăm ý kiến từ bạn bè.
Không chọn được máy ưng ý dù đã đến trực tiếp hai nơi, một người bạn có thâm niên chơi máy film giới thiệu tôi mua tại một cửa hàng quen thuộc. Chiếc máy ảnh có giá gần 2,5 triệu đồng, tôi mua thêm 3-5 cuộn film khác nhau để tập tành chụp - giá mỗi cuộn dao động 100.000-150.000 đồng.
Tổng cộng, tôi tốn khoảng 3 triệu đồng cho thú vui mới.
Kế đó, tôi dạo quanh những địa điểm như The New Playground (đường Lý Tự Trọng, Quận 1) và Vincom Center (đường Lê Thánh Tôn, Quận 1) để sắm quần áo, giày dép. Các khu mua sắm này tích hợp khá nhiều shop nên thuận tiện cho việc so sánh giá cả và di chuyển.
Tôi mua một đôi sneaker, khoảng 5 phụ kiện thời trang với tổng thiệt hại là 3 triệu đồng. Trở về nhà, tôi chi thêm 1 triệu đồng chi phí sách chuyên ngành ở sàn thương mại điện tử cùng hơn 500.000 đồng cho một số phụ kiện trang trí như nến thơm, tranh, kệ để bàn,... Mục đích là sửa sang góc làm việc để tôi lấy lại tinh thần.
Nhìn loạt túi giấy chất trong phòng với danh sách đơn hàng chờ vận chuyển, trong lòng tôi rất phấn khởi. Tôi tự nhủ mình đang đầu tư cho bản thân, vì vậy không lãng phí.
Cảm xúc phức tạp và có phần hối hận
Dù hoàn toàn hài lòng khi được “vung tiền” cho thứ mình thích, 2-3 tuần sau, cảm xúc của tôi bắt đầu thay đổi.
Khi sử dụng dần các sản phẩm đã mua, tôi nhận ra không phải món nào cũng đáng giá như mình nghĩ.
Với tôi, chiếc máy film là một khoản chi xứng đáng bởi trải nghiệm với nó khá thú vị; chính tôi từng mong muốn sở hữu máy từ lâu. Nhưng trong số còn lại, không ít món khiến tôi thấy hối hận vì tốn tiền “oan”.
Ví dụ, tôi hầu như không có cơ hội mặc những chiếc áo kiểu, áo thun sắm vội vàng vì quá trang trọng hoặc quá tuềnh toàng. Một vài quần jeans, váy tôi chỉ mặc 1-2 lần rồi xếp gọn trong tủ vì không hợp dáng, hợp mắt.
Lẽ ra tôi đã có thể sử dụng phần tiền đó cho quỹ dự phòng hoặc sở thích khác hợp lý hơn.
Động lực làm việc chăm chỉ
Tuy không đến mức thâm hụt ngân sách và ảnh hưởng sinh hoạt trong những tháng sau đó, tôi phần nào ý thức được việc phải dè sẻn để bù lại ngày shopping quá tay. Dịch Covid-19 manh nha bùng phát, tôi cố gắng nhận nhiều dự án freelance trong lúc chờ một công việc fulltime phù hợp.
Tôi đã mua sắm thiếu tính toán, nhưng tôi tin đó cũng là lý do chính đáng để mình nhanh chóng trở lại với guồng quay làm việc - kiếm tiền - tiêu xài.
Ở tuổi 22, tôi không muốn ép mình phải giữ tiền đến mức hà tiện.
Tôi cho rằng cuộc sống có nhiều điều đáng trải nghiệm, và thi thoảng tự nuông chiều một chút cũng không sao. Điều quan trọng là sau những lúc đó, tôi học được cách dùng tiền thông minh hơn và duy trì thái độ tích cực với sự nghiệp.