![]() |
Vừa bước vào sân bay, tôi được chào đón "như một khách VIP". |
Đến Sân bay quốc tế Đà Nẵng (DIA) vào một chiều nắng gắt, tôi bất ngờ với mô hình hoa cúc trắng được trang trí khắp nơi. Nhiều người hào hứng rủ nhau chụp hình trong sự hỗ trợ nhiệt tình của đội ngũ nhân viên mặc chiếc áo cũng mang biểu tượng hoa cúc.
Tôi dường như là người duy nhất không biết sự kiện của những bông hoa cúc, trong khi các hành khách khác lại luôn miệng: “Các bạn Việt Nam thân thiện thế”; “Sân bay mà cũng ‘đu idol’ nữa ha”...
Giải đáp thắc mắc của tôi với sự xởi lởi và chân thành, bạn nhân viên sân bay giới thiệu đây là cách chào đón đặc biệt đối với tất cả hành khách nói chung và những bạn trẻ yêu thích văn hóa âm nhạc Hàn Quốc nói riêng.
Thì ra, thời điểm đó G-Dragon (BigBang) sắp đến Việt Nam và fandom nhóm nhạc này là “VIP”. Đây cũng là trọng tâm phục vụ của DIA: mỗi người đều được đón tiếp như một vị khách danh dự.
![]() |
Thiết kế, trang trí phủ khắp sân bay mang đến tinh thần tổng thể rất trẻ trung, thân thiện và gần gũi |
Tôi thích cách thể hiện thông điệp này. Đủ khéo léo, gần gũi với giới trẻ, nhưng đồng thời cũng kết nối được cảm xúc với tất cả hành khách. Ngay từ điểm chạm đầu tiên, khi bạn nhân viên vừa giải thích ý nghĩa đằng sau những trang trí mới ở sân bay, tôi đã cảm nhận được phần nào văn hóa “hiếu khách” mà sân bay Đà Nẵng vẫn luôn lấy làm trọng tâm trong phục vụ khách hàng.
Hòa vào dòng người đang hào hứng, tôi cũng chụp cho mình vài tấm ảnh làm kỷ niệm, và sau đó tiếp tục hành trình của mình.
![]() |
Khi chuẩn bị làm thủ tục check-in, tôi đã nghĩ hẳn mình sẽ phải chờ ít nhất một tiếng để có thể qua được cửa an ninh – với dòng khách đang đông đúc như vậy. Nhưng trải nghiệm làm thủ tục ở đây luôn rất thoải mái và nhẹ nhàng: các quầy check-in được bố trí thông thoáng, nhân viên liên tục chủ động hướng dẫn và xung quanh còn có các kiosk check-in tự động lẫn quầy tự gửi hành lý.
Nhờ sự sắp xếp hợp lý nên dù lượng hành khách khá đông, các quầy vẫn hoạt động trơn tru nhờ đội ngũ nhân viên điều phối nhiệt tình, chủ động tiếp cận và hướng dẫn từng lượt khách. Theo quan sát của tôi, các gia đình có em nhỏ hay người lớn tuổi đặc biệt được chăm sóc chu đáo hơn. Chắc vì vậy nên ai cũng khá thoải mái và vui vẻ trong quá trình làm thủ tục.
![]() |
Nhà ga quốc tế ở sân bay Đà Nẵng đã hoàn thiện quy trình làm thủ tục tự động 100% từ lúc check-in đến khi boarding lên máy bay, nhờ vậy mọi thứ có thể hoàn thành chỉ trong 15-20 phút tùy trường hợp.
Đội ngũ nhân viên luôn túc trực bên cạnh để hướng dẫn hành khách khi cần. Có một bạn người nước ngoài làm thủ tục trước tôi, nhân viên còn nhắc bạn đừng quên làm thủ tục hoàn thuế và hướng dẫn cả vị trí quầy – một chi tiết nhỏ nhưng thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm và sự chuyên nghiệp của đội ngũ mặt đất. Tôi có thể thấy rõ sự vui vẻ và biết ơn của người bạn đến từ đất nước khác.
Đằng sau cửa soi chiếu mang đến cảm giác như một “nhà ga tương lai” vậy. Không gian được thiết kế mở với trần rất cao, đón ánh sáng tự nhiên tràn qua mái kính vừa đủ. Khu vực ghế chờ được bố trí theo từng cụm với trụ sạc điện tích hợp, rất tiện lợi cho những ai muốn tranh thủ làm việc hoặc sạc đầy pin điện thoại, laptop trong thời gian chờ.
Tuy nhiên, điều hay ho nhất phải kể đến là khu vực mua sắm, spa và ăn uống bên trong nhà ga. Nhà ga quốc tế ở sân bay Đà Nẵng hẳn là nhà ga hiếm hoi bố trí cả xe đẩy để tiện mua sắm cho hành khách – điều mà tôi đã thậm chí không thấy ở sân bay Changi.
Dạo một vòng xung quanh khu vực mua sắm, có rất nhiều cửa hàng miễn thuế như Lotte Duty Free, Jalux Duty Free, nhưng thu hút nhóm du khách nước ngoài nhất phải là những cửa hàng bán đồ lưu niệm “made in Việt Nam” như Danang Gift Shop, Danang Mart hay Vietnam Gift Shop. Riêng tôi thì lại bị thu hút bởi nhà sách Phương Nam. Cứ tưởng nằm trong sân bay thì sẽ có giới hạn sản phẩm, nhưng mọi tựa sách mới nhất, bán chạy nhất đều được bày bán.
![]() |
Một thiết kế cửa hàng phong cách Việt Nam ở nhà ga quốc tế. |
Nhà ga quốc tế của sân bay Đà Nẵng rất nghiêm túc trong việc thực hiện tôn chỉ “quan tâm đến mọi hành khách và cá nhân hóa trải nghiệm”, vì tôi thậm chí còn thấy cửa hàng Kid Stars cho các em bé và cửa hàng đá quý Doji dành cho những cặp đôi.
Điểm đến kế tiếp thu hút sự chú ý của tôi là Bamboo Spa. Trải nghiệm chờ bay đôi khi hơi mệt mỏi và nhàm chán, sự xuất hiện của một phòng spa khiến mọi thứ trở nên thú vị hơn hẳn. Không do dự hay chần chừ, tôi bước vào Bamboo Spa ngay, lập tức thích nơi này vì hương thơm thảo mộc kết hợp tiếng nhạc nhẹ nhàng, cùng nụ cười chào đón rất đỗi thân thiện của cô nhân viên phòng spa.
![]() |
Tôi chọn cho mình một liệu trình mát-xa vai và lưng trong khoảng 60 phút, bất ngờ vì dịch vụ ở đây chuyên nghiệp chẳng kém gì các spa trong thành phố. Xuyên suốt thời gian mát-xa, kỹ thuật viên liên tục hỏi tôi lực tay đã đủ mạnh chưa, có muốn giảm/ tăng thêm lượng tinh dầu hay không, trong khi vẫn bấm huyệt nhẹ nhàng, ấn dọc sống lưng, thả lỏng cơ lưng. Tôi không quá mệt mỏi vì xem đây như một “ngày đi du lịch”, nhưng thật sự vào lúc đó đã cảm nhận cơ thể mình thả lỏng hơn rất nhiều. Kết thúc liệu trình, tôi được mời một ly trà ấm với lát gừng mỏng.
Lúc này đã hơi đói, tôi đi tìm một nơi để ăn chiều. Tôi đã nghĩ mình sẽ chỉ ăn nhanh, nhưng lại bị bất ngờ bởi ở nhà ga có quá-nhiều-lựa-chọn! Từ món Trung Quốc với Crystal Jade, món Italy với Puro Gusto, ẩm thực Hàn với Shilla Noodles, hay ai muốn thưởng thức đồ ăn chuẩn vị Việt Nam thì có Urban Market, Pho 24, Vietnamese Food Stall. Nói chung là không thiếu lựa chọn nào cả, ăn xong còn có thể qua Phúc Long nhâm nhi một tí trà sữa rồi chuẩn bị ra cửa bay.
![]() |
Chuyến bay của tôi đáng lẽ rơi vào khoảng 19h30, nhưng lại bị delay đến 23h vì máy bay về trễ. Không biết nên gọi đây là “xui” hay “hên”, vì chẳng ai thích bị delay cả, nhưng nếu không “bất đắc dĩ” ở lại sân bay thêm vài tiếng, tôi đã không biết ở đây còn có tiết mục múa hát Con đường di sản.
Tiết mục này diễn ra 22h-22h30 mỗi tối, phủ màu sắc văn hóa và truyền thống lên cả không gian sân bay với những giai điệu mang đậm màu sắc bản địa như nhã nhạc Cung đình Huế, chầu văn Huế Cảnh đẹp Huế đô, múa Chăm Apsara,… Không ngoa khi nói kể cả với một người đã sống ở Đà Nẵng, tiết mục này vẫn mang cho tôi sự choáng ngợp lẫn tự hào về nét đẹp truyền thống của dân tộc ta.
![]() |
Những màn trình diễn tiết mục truyền thống được thực hiện chuyên nghiệp, nhận sự trầm trồ từ các hành khách nước ngoài về tính công phu, hoành tráng. |
Khi tiết mục kết thúc cũng là lúc tôi chuẩn bị ra cửa bay để khởi hành. Dù đã có non nửa ngày ở sân bay, tôi không thấy quá mệt mỏi nhờ những trải nghiệm rất vui từ mua sắm, thư giãn đến ăn uống ở đây. Tôi thậm chí còn thấy hơi tiếc nuối vì không đủ thời gian để trải nghiệm hộp ngủ (sleep pod) và vào phòng lounge. Cơ sở vật chất, trang thiết bị ở sân bay cũng hiện đại, nhưng tôi đã không có thêm thời gian để “test” nhiều hơn. Tôi đã nghĩ mình thậm chí có thể quay video review trong lần sau đến đây và hẳn sẽ đạt lượt view rất cao đây.
Nhà ga quốc tế thuộc sân bay Đà Nẵng là nhà ga duy nhất tại Việt Nam đạt 5 sao Skytrax – một sự khẳng định từ quốc tế đối với tiêu chuẩn dịch vụ, trải nghiệm đối với nhà ga. Và thật sự, trong tư cách một hành khách đến sân bay, tôi bị ấn tượng bởi sự hiếu khách, nhiệt tình, chân thành của các nhân viên, sau đó là đến các tiện ích vui chơi, giải trí hay phục vụ nhu cầu riêng của từng nhóm khách mà sân bay cung cấp.
Travel blogger truyền cảm hứng du lịch qua những câu chuyện đầy màu sắc về những điểm đến mới lạ, những trải nghiệm độc đáo mà họ khám phá được trong hành trình. Những bài viết, video hay hình ảnh của họ không chỉ mang lại kiến thức về địa lý, mà còn khơi gợi niềm đam mê khám phá thế giới. Đọc sách là một phần không thể thiếu trong hành trình này, giúp họ tìm hiểu sâu sắc hơn về văn hóa, lịch sử và con người ở mỗi nơi.
Mục Du lịch - Ẩm thực giới thiệu chân dung travel blogger kiêm tác sách, những con người lan tỏa nguồn cảm hứng xê dịch và tiếp nạp tri thức.
> Xem thêm: Travel blogger Đinh Hằng: Thật khó để cô đơn khi du lịch một mình