Xem suất chiếu sớm phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, đông khán giả hào hứng chờ đợi vì tác phẩm được dư luận, báo chí quan tâm, nhưng khi xem xong phim, tôi có cảm giác thật tiếc nuối…
Một số chi tiết chưa hợp logic và trật raccord như hình ảnh chú Đàn cụt một tay. Tay phải của chú cụt tới tận khuỷu, lúc chú đi ngoài đường một ống tay áo phất phơ như tay áo thằng bù nhìn giữ dưa, nhưng với cánh tay còn lại chú thổi acmonica hay nhất làng…
Khi hóa trang cụt tay giả bằng nhựa của chú Đàn hơi lộ, một số cảnh còn thấy tay thật giấu trong áo bị phồng lên. Hoặc tình huống Tường bị Thiều dùng khúc cây đánh vào lưng, hóa trang vết thương quá nặng, bị đau lưng như vậy mà để Tường nằm ngửa rất bình thường, sau đó Tường chống nạng tập đi như chân bị đau…
Thiết kế cover phim của Nguyễn Văn Tuyên. |
Phần dịch phụ đề tiếng Việt qua tiếng Anh, tên nhân vật Mận lại ghi Moon, như vậy khán giả nước ngoài xem phim sẽ nghĩ cô bé tên là Mặt trăng, Trăng, hay dịch khác là Hằng hay Nguyệt? Đây là tên riêng, khi làm phụ đề cứ để tên Mận như tên các nhân vật khác, chứ sao lại dịch thành tên Moon như vậy?
Nhân vật Thiều 13 tuổi, học lớp 7 trong khi diễn viên Vĩnh Thịnh 15 tuổi nên hơi lớn, cao hơn Mận (Thanh Mỹ 10 tuổi), trong truyện ở chương 44 thì Mận lớn hơn Thiều 1 tuổi, nhưng trong phim họ có sự chênh lệnh như anh em chứ không phải bạn học cùng lớp. Vì so chiều cao bình quân của học sinh trai, gái ở độ tuổi này, hầu như đều ngang nhau. Con trai sẽ trổ mã ở tuổi dậy thì từ 15 tuổi mới cao hơn con gái…
Câu chuyện về ba Mận, có vẻ hơi lộn xộn và chưa nhất quán trong cách xử lý, kịch bản đã thay đổi cốt truyện phim khác nhiều với nội dung truyện dài.
Mận từng nói cho Thiều biết, ba Mận ở trong nhà kho, vì mắc bệnh phong cùi, nên phải nói dối mọi người, ông đang chữa bệnh trên thành phố. Nhưng đến khi nhà kho bị cháy vào đêm Trung Thu, hai mẹ con Mận đã khóc rất đau đớn, sau đó chuyện phim lại chuyển hướng, ba Mận đang ở thành phố, mẹ Mận lên chăm sóc ông. Mận qua nhà ba mẹ Thiều ở nhờ, một thời gian mẹ Mận về đón cô bé đi lên thành phố.
Nội dung này trong truyện viết rõ ràng hơn, ba Mận cố tình đốt nhà kho, rồi lấy xác con chó Vện giả như xương của ông, sau vụ hỏa hoạn, mẹ Mận bị bắt lên đồn công an, khi điều tra phát hiện ra ba Mận chưa chết…
Cảnh quay các nhân vật nhí trong phim. |
Nội dung phim có sự rời rạc và chia phim thành 2 phần từ đầu phim đến lúc Mận đi theo mẹ lên thành phố. Phần sau là câu chuyện của Nhi tự cho mình là công chúa vì bị mất trí nhớ, sau cái chết của mẹ Nhi vì đang biểu diễn mô tô bay nhìn thấy cô trườn ra đưa cành hoa vàng. Chi tiết này hơi gượng và sắp đặt, vì Nhi như cố tình muốn nhảy ra khu vực biểu diễn, mà mẹ Nhi đã làm nghề chạy xe môtô bay với độ tuổi như vậy cũng khó để xảy ra sự cố bị té và qua đời…
Trong khi nguyên tác truyện dài, chương 74 miêu tả nữ diễn viên xiếc đóng vai công chúa lái mô tô bay, do Nhi chồm lên nắm tay cô diễn viên, nên hai người bị ngã, Nhi mới bị mất trí nhớ… sẽ hợp lý hơn. Hình ảnh nhân vật Nhi khá mờ nhạt, trong khi Nhi lại gắn với hình tượng hoa vàng trên cỏ xanh hơn các nhân vật khác.
Tiếc là sự kết nối của các tuyến nhân vật Thiều, Mận, Tường, Nhi chưa có sự gắn kết với nhau. Mận đi không để lại dấu ấn gì cho mạch phim ở phần tiếp theo, trong khi Tường đang bị chấn thương, rồi Nhi công chúa xuất hiện giúp Tường? Chương 76 trong truyện Tường có nhắc đến chuyện đã quen với Nhi khi học chung trường, 3 năm trước lúc Nhi chưa bị mất trí nhớ, đó cũng có thể là lý do Nhi bị “điên” nhưng vẫn có cảm giác quen thuộc với Tường và gọi phò mã…
Sự kiện Tường giúp Nhi hồi tỉnh trở lại trong truyện cũng hợp logic hơn trong phim, khi cho Tường chống nạng, tập đi rồi chạy lại giúp Nhi đang bị đám trẻ con chọc là điên.
Tuyến nhân vật Xin, bạn học cùng lớp ngồi chung bàn với Thiều và Sơn, trong truyện miêu tả ở chương 14 về cô bé Xin khá dễ thương và hay khóc vì bị Thiều chọc ghẹo. Chương 15, 16, 17, sự kiện Sơn đưa thư của Thiều cho Xin, rồi bị thầy giáo Nhãn phạt Thiều, nhưng trong phim thì lại chuyển Xin thành Mận. Không hiểu lý do vì sao các biên kịch và đạo diễn đã bỏ đi nhân vật Xin trong phim, trong khi thời lượng phim khá dài (hơn 100 phút)…
Cảnh quay các nhân vật trong đêm Trung thu. |
Với chất liệu rất nhiều từ nội dung 81 chương của truyện dài Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, chương cuối tác giả đã cho một cái kết rất chỉn chu, hoàn thiện với tất cả nhân vật chính và phụ như Mận cùng cha mẹ quay về làng, chú Đàn chị Vinh yêu thương nhau, Tường có cảm tình với Nhi…
Nhưng rất tiếc các biên kịch, đạo diễn dù chỉnh sửa nhiều sự kiện, tình tiết, vẫn chưa làm cho sự thăng hoa của tác phẩm văn học thành phim điện ảnh có thể đi đến sâu tận trái tim rung cảm của người xem cũng như bạn đọc đã từng say mê truyện dài này. Xem xong phim tôi và con trai vẫn thấy nôn nao trong lòng, vì cảm thấy hơi tiếc nuối, hình như chúng tôi chưa thấy hoa vàng trên cỏ xanh…