Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tôi có được bồi thường khi nhà hàng xóm cháy lan sang?

Vừa rồi nhà hàng xóm bị cháy, rồi lan sang khiến đồ đạc nhà tôi bị thiêu rụi. Với trường hợp này, tôi được quyền yêu cầu hàng xóm bồi thường cho mình không?

Nhà hàng xóm (số 29) cháy lớn, sau đó lan sang nhà tôi (số 31), vậy xin luật sư cho biết với trường hợp này tôi có quyền yêu cầu phía bên kia bồi thường thiệt hại hay không. Theo tôi nắm được, nguyên nhân ban đầu của vụ cháy có thể do khí gas gây ra.

Trần Đức (Hà Nội)

Để xác định rõ bạn có được bồi thường, ai là người bồi thường, luật sư Phan Thị Lam Hồng - Giám đốc Công ty luật TNHH Đông Hà Nội (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, trước hết cần phải xác định được nguyên nhân trực tiếp dẫn tới việc cháy là do đâu.

Tại khoản 2 Điều 3 Luật phòng cháy chữa cháy 2001 sửa đổi, bổ sung năm 2013 quy định chất nguy hiểm về cháy, nổ là chất lỏng, chất khí, chất rắn hoặc hàng hoá, vật tư dễ xảy ra cháy, nổ. Như bạn nhận định thì khí gas được xác định là chất cháy. Việc bồi thường thiệt hại do chất cháy gây ra thuộc trường hợp bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra quy định tại Điều 623 Bộ luật dân sự 2005, cụ thể:

"Ðiều 623 - Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra:

1. Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.

Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải tuân thủ các quy định bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng các quy định của pháp luật.

2. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

3. Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây:

a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;

b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

4. Trong trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại.

Khi chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ cũng có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại

Như vậy, theo quy định này thì việc bồi thường và chủ thể bồi thường được xác định như sau:

Thứ nhất, về chủ thể bồi thường: Căn cứ vào khoản 2 Điều 623 Bộ luật dân sự 2005 và Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 8/7/2006 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật dân sự 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra có thể được áp dụng với các chủ thể sau:

- Chủ sở hữu;

- Người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ; 

- Người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật nguồn nguy hiểm cao độ.

Việc xác định ai trong số các chủ thể trên phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể.

Điều 165 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định nguyên tắc thực hiện quyền sở hữu, theo đó: “Chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình đối với tài sản nhưng không được gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác”. Do đó, khi có thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, trách nhiệm bồi thường trước hết được đặt ra cho chủ sở hữu, trừ trường hợp chủ sở hữu chứng minh được trách nhiệm thuộc về người khác. Điều này có nghĩa là nếu thuộc trường hợp phải bồi thường thiệt hại thì chủ sở hữu của chất cháy tại số nhà 29 sẽ phải bồi thường (trừ trường hợp chủ sở hữu này cho người khác thuê, mượn chất cháy này).

 Thứ hai, về các trường hợp được bồi thường: Theo quy định trên thì trong trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ (chất cháy chứa trong bình gas) gây ra thiệt hại thì chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây:

- Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;

- Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Trong đó:

+ Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép (khoản 1 Điều 161 Bộ luật dân sự năm 2005).

+ Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe doạ trực tiếp lợi ích của Nhà nước, của tập thể, quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải có hành động gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn chặn (khoản 1 Điều 262 Bộ luật dân sự năm 2005).

Xét ở đây, vụ cháy do khí gas dẫn đến thiệt hại cho những căn hộ bên cạnh không thuộc vào trường hợp thiệt hại xảy ra do tình thế cấp thiết. Bên cạnh đó, nếu chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu giao quản lý, sử dụng chất cháy này đã thực hiện mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép như: 

+ Thường xuyên kiểm tra và vệ sinh dụng cụ (bếp, ống dẫn, van bình, van điều áp…); Đặt bình gas thẳng đứng ở nơi thoáng khí và dễ thấy; 

+ Lắp đặt bình gas và thiết bị điện, nguồn nhiệt (bếp than, bếp điện, cầu dao điện, bếp củi…) ở khoảng cách an toàn;

+ Chọn bình và các thiết bị sử dụng gas đúng quy cách: bếp bảo đảm chất lượng (van phải kín, không tắc, không rò rỉ khí gas…), van điều áp hoạt động tốt, ống dẫn là ống chuyên dùng cho gas chịu áp suất cao, các đầu mối ống dẫn vào thiết bị được siết chặt bằng vòng đai kẹp ống.

+ Sử dụng các thiết bị và bình gas có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được kiểm định an toàn của cơ quan chức năng…

Nếu đã đảm bảo các quy định về an toàn nêu trên mà vẫn xảy ra sự cố thì được xác định là sự kiện bất khả kháng và chủ sở hữu sẽ không phải bồi thường thiệt hại đã xảy ra cho những căn nhà xung quanh.

Như vậy, ngoài hai trường hợp trên, chủ sở hữu chất cháy tại số nhà 29 sẽ phải bồi thường thiệt hại đã xảy ra cho nhà bên cạnh (nhà số 31) theo đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra, cũng cần lưu ý rằng, nguyên nhân nhận định mới chỉ là ban đầu.

Vì vậy, sau khi các cơ quan chức năng có kết luận chính thức về vụ cháy thì mới có đủ cơ sở để kết luận chủ sở hữu chất cháy tại số nhà 29 có phải bồi thường hay không.

Vân Thanh

Bạn có thể quan tâm