Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Tôi đến 'làng nguyên thủy' còn sót lại ở Trung Quốc

Được mệnh danh "bộ tộc nguyên thủy lang thang ở sâu Tân Cương", Hemu là một trong ba ngôi làng của người Tuva còn sót lại cuối cùng ở Trung Quốc.

Làng Hemu là nơi sinh sống của khoảng 2.000 người bộ tộc Tuva, giữ gìn lối sống nguyên thủy với phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp.

Sâu trong dãy núi Altai của Bắc Tân Cương, Hemu là ngôi làng cực Bắc tại Tây Trung Quốc - một trong ba ngôi làng của người Tuva duy nhất còn tồn tại ở đất nước tỷ dân.

Tại đây, từ phía trên ngọn đồi phóng tầm mắt xuống thung lũng là những nếp nhà gỗ và mỗi cánh cửa đều mở về phía Đông. Xung quanh làng là dải rừng bạch dương rộng lớn, xanh ngắt vào mùa hè; chuyển thành tấm thảm vàng vào mùa thu và trông như những cây nấm tuyết khi mùa đông đến.

Những ngôi nhà được xây dựng bằng gỗ và đá, với vỏ cây bạch dương phủ trên mái để chống thấm nước. Vì nhiệt độ có thể xuống dưới -30°C ở khu vực này, người Tuva đã xây một nửa số nhà của họ dưới lòng đất để giữ ấm.

Tôi là Saru (Nguyễn Lan Uyên), một travel blogger và tác giả sách tại TP.HCM. Tôi khám phá Tân Cương, khu tự trị thuộc Trung Quốc, vào tháng 6 và tháng 7 vừa qua. Trong đó, làng Hamu là nơi tôi đặc biệt ấn tượng, tựa như "ngôi làng nguyên thủy thần tiên" bước ra từ trang sách.

Làng Hemu nằm trong một thung lũng yên bình ở Khu bảo tồn thiên nhiên Kanas (Tân Cương), rải rác những túp lều gỗ và chuồng gia súc. Nơi đây có một khe nước quanh co chảy quanh, những làn hơi sương màu trắng sữa tạo thành dải ruy băng trắng uốn lượn trên những tán cây, trôi nổi giữa ngôi làng và những ngọn núi.

Tương truyền, hồ Kanas nơi đây ẩn chứa loài "quái vật" bí ẩn, thách thức những ai tò mò, ưa thám hiểm. Ngoài ra, người Tuva là cư dân bí ẩn thứ hai của vùng đất này.

Có khoảng 200.000 người Tuva trên toàn thế giới, trong đó 30.000 người sống ở Mông Cổ và phần còn lại chủ yếu ở Cộng hòa Tuva - một phần của Nga. Khu vực Kanas là nơi sinh sống của người Tuva duy nhất ở Trung Quốc, với số lượng 2.000 người. Trong gần 400 năm, họ đã định cư trên bờ hồ Kanas và duy trì lối sống nguyên thủy.

Người Tuva nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, giống với tiếng Kazakh, và sống bằng nghề săn bắn và chăn thả gia súc. Do đó, có rất nhiều thịt bò và sữa trong chế độ ăn uống của bộ tộc này.

Đi loanh quanh trong ngôi làng, tôi có nhìn thấy hai ngôi mộ đá có treo cờ Lung Ta của Phật giáo Tây Tạng và vô tình nhìn thấy biểu tượng của Tengri giáo trong một tiệm tạp hóa - là một tôn giáo độc thần, có nguồn gốc từ Thuyết Vật Linh, tin vào một thực thể duy nhất: Bầu trời.

Niềm tin vào Phật giáo Lama ở đây vẫn mang một dòng tư tưởng của giáo phái Shaman, là một hình thức tín ngưỡng cổ xưa thông qua những người trung gian để giao tiếp với Thần linh như Thầy tế, Thầy mo, Phù thủy hoặc Pháp sư...

Chưa kể có khá nhiều người Hán và người Hồi giáo cùng sinh sống hòa thuận với nhau trong ngôi làng này.

Làng Hemu là nơi mà rất nhiều nhiếp ảnh gia yêu thích để săn những tấm ảnh tuyệt vời, bất kể mưa nắng, bất kể mùa nào trong năm. Bạn có thể nhìn thấy cảnh đẹp ở khắp mọi nơi khi tản bộ trong làng.

Người Tuva học hát khi họ học nói. Có một loại hình ca hát cổ nhất trên thế giới còn tồn tại đến nay, người hát sẽ tạo ra âm thanh của núi non, của nước chảy hay âm thanh của muôn loài bằng cách sử dụng kỹ thuật từ cổ họng: đó là nghệ thuật hát Tuva xuất phát từ các bộ tộc người Mông Cổ.

Người Tuva ở Tân Cương tin rằng họ có nguồn gốc từ những người lính bị thương hoặc già mà Thành Cát Tư Hãn để lại trong các cuộc thám hiểm về phía Tây của ông, nên một số người trong làng có thể hát được điệu hát này. Tôi có ngỏ ý muốn xem hát, nhưng họ chỉ biểu diễn ở các lễ hội đặc biệt.

Thời điểm tốt nhất để đến thăm Làng Hemu:

  • Tháng 6 đến tháng 10: Ngôi làng ngập tràn trong hoa cỏ.
  • Tháng 9 đến tháng 10: Rừng cây bạch dương vàng rực.
  • Tháng 12 đến tháng 2: Mùa đông trắng xóa như cổ tích.

Cách đến làng Hemu:

Du khách có thể tiếp cận làng Hemu bằng máy bay, tàu hỏa hoặc tự lái xe. Hầu hết khách du lịch sẽ chọn đi máy bay đến huyện Burqin (Tân Cương), sau đó đi xe buýt tham quan đến Hemu.

Nếu tự lái xe đến Hemu, du khách có thể lựa chọn một trong 2 lộ trình:

  • Từ huyện Burqin đến làng Hemu khoảng 182,3 km ( khoảng 4 giờ lái xe).
  • Từ Công viên quốc gia Kanas đến làng Hemu là khoảng 66 km (khoảng 2 giờ lái xe).

Còn nếu đến làng bằng tàu hỏa, du khách đi tàu từ thành phố Urumqi (thủ phủ của Tân Cương) đến ga Beitun với giá vé 150-300 nhân dân tệ/người. Ga Beitun cách làng Hemu 270 km.

Lưu ý, du khách cần mua vé vào cửa làng Hemu với giá 50 nhân dân tệ/người.

Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.

> Xem thêm: Sách cho người xê dịch

Tôi trekking đỉnh núi lửa khô cằn, bỏng rát tại Indonesia

Cung trekking núi lửa Rinjani mang đến cho tôi nhiều thử thách bởi dạng địa hình núi lửa cát bụi khô cằn, dốc cao hiểm trở.

Tôi đến 'thành phố ma' ở Trung Quốc

Thành phố Urho nằm ở khu mỏ Wuerhe, hạ lưu sông Gia Mộc, thuộc khu tự trị Tân Cương (Trung Quốc). Địa danh này được ví như "thành phố ma quỷ" bởi địa hình phức tạp và tiếng gió rít vào mùa gió bão.

Saru

Bạn có thể quan tâm