Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tôi đến Nam Cực để truyền thông điệp

Nam Cực rất đẹp. Đẹp kỳ lạ và huyền ảo. Vẻ đẹp của sự khắc nghiệt và đơn giản, một vẻ đẹp không bị xâm phạm bởi con người.

Tuy nhiên, đến Nam Cực để nhìn cái đẹp, đó sẽ chỉ là một chuyến du lịch. Nhưng tôi đến Nam Cực để truyền một thông điệp đến giới trẻ Việt Nam...

Hành trình 2041

Tháng 3/2016, trong chuỗi hoạt động trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp nhân kỷ niệm 25 năm thành lập Deloitte Việt Nam, tôi có vinh dự được đến Nam Cực với tổ chức 2041 dẫn đầu bởi ngài Robert Swan. Nam Cực rất đẹp. Đẹp kỳ lạ và huyền ảo. Một vẻ đẹp của sự khắc nghiệt và đơn giản, một vẻ đẹp không bị xâm phạm bởi con người. Tôi thích nhìn sắc màu của nước biển. Nước biển lạnh đến mức có màu tối đen. 

Tôi thích đứng trong vịnh, nhìn lên thấy gió thổi tuyết bay mù ảo trên đỉnh núi. Có thể nhìn thẳng vào mặt trời ở Nam Cực mà không cần e ngại. Bình minh ở đây thường rất lâu và có màu hồng neon rất lạ. Tuy nhiên, nếu đến Nam Cực để nhìn cái đẹp sẽ chỉ dừng lại là chuyến du lịch. 

Hành trình 2041 là nơi hội tụ của thanh niên thế giới, của những con người cùng chung mục đích, lý tưởng, và họ là những con người của hành động. Được định hướng đúng đắn bởi những người đi trước, như Robert Swan, đại sứ Thiện chí của Liên Hợp Quốc về thanh niên. Ông là người tận mắt chứng kiến nhiều vấn đề liên quan môi trường qua hai lần đi bộ đến hai cực của Trái đất.

Trước khi đến với Hành trình 2041, tôi chưa một lần liên lạc với Robert. Tôi chỉ đọc về ông trên internet. Tôi nghĩ ông là người có khả năng kỳ lạ vì thực hiện được chuyến đi bộ đến cực Trái đất vào những năm 1980. Nó không chỉ là vấn đề thể lực mà còn là sự kiên trì và khả năng lên kế hoạch, phối hợp với đồng đội. Tôi cũng không kỳ vọng nhiều vào việc biết Robert qua hành trình này.

Tôi đến Nam Cực với mong muốn hiểu thêm về tác động của biến đổi khí hậu, công tác bảo vệ môi trường, tăng cường tái chế và sử dụng năng lượng tái tạo. Nhưng kết thúc hành trình, tôi thấy thật may mắn vì được tiếp xúc và hiểu hơn về Robert.

Robert ước mơ đi bộ đến cực Trái đất từ năm 11 tuổi khi xem một bộ phim tài liệu. Hơn 20 tuổi, lúc vừa tốt nghiệp đại học, ông tìm cách thực hiện ước mơ đó. Thế rồi, bằng khả năng thuyết phục của mình, ông đi nhờ được một chuyến tàu để  đi từ Anh đến New Zealand rồi Nam Cực.

Sau đó, ông phải ở trong một chòi nhỏ suốt 9 tháng mùa đông khắc nghiệt để chờ hè đến. Ông mất thêm 69 ngày để vượt qua 1.499km, kéo theo cả đồ ăn và thức uống, nhiên liệu ở Nam Cực. 

Toi den Nam Cuc anh 1

Cờ Tổ quốc ở Nam Cực.

Ảnh: Tiền Phong.

Điều khá thú vị, ông không phải là vận động viên leo núi, cũng không phải là nhà thám hiểm. Chuyến đi khiến mắt ông chuyển từ màu xanh thành màu xám do tầng ozone bị thủng ở phía trên Nam Cực.

Chuyến đi đã đưa ông gặp nhiều người bạn lớn, những người đã định hướng cho ông về nhiệm vụ và sứ mệnh của cuộc đời: cam kết đứng ra bảo vệ Nam Cực, giữ cho nó nguyên thủy như nó vốn có. 

Tự hào là người Việt Nam, trong hành trình, tôi luôn đeo huy hiệu cờ Tổ quốc. Tôi cũng đeo huy hiệu cờ đỏ sao vàng lên khăn quàng cổ khi ghi hình phỏng vấn trên truyền hình Mỹ để khẳng định tuổi trẻ Việt Nam luôn quan tâm đến biến đổi khí hậu toàn cầu. 

Hy vọng của cả thế giới

Và với Hành trình 2041, Robert gần như dành cả đời để nâng cao nhận thức của mọi người về sử dụng năng lượng tái tạo và sự cần thiết của việc phải bảo vệ Nam Cực sau khi Hiệp ước Nam Cực hết hiệu lực vào năm 2041.

Nghe có vẻ xa xôi nhưng Nam Cực có ảnh hưởng đến tất cả chúng ta qua hệ thống khí hậu toàn cầu phức tạp. Không chỉ vậy, Việt Nam là nước được dự báo là đứng thứ 2 trong danh sách các nước bị ảnh hưởng bởi nước biển dâng. 

Băng phủ Nam Cực chiếm đến 70% nguồn nước ngọt trên toàn thế giới. Nếu toàn bộ băng Nam cực tan, nước biển sẽ dâng lên 61m. Do đó, Nam Cực có ảnh hưởng rất lớn đến tới nước biển dâng và riêng với người Việt Nam nên việc chống biến đổi khí hậu và bảo vệ Nam Cực không phải viển vông mà rất thiết thực.

Tôi mang đến Hành trình một thông điệp là giới trẻ Việt Nam cũng có nhận thức về vấn đề toàn cầu này và muốn tìm hiểu sâu hơn cũng như muốn hành động đóng góp vào giảm thiểu biến đổi khí hậu và hiện tượng nước biển dâng. Và người Việt không cô đơn trong cuộc chiến này.

Tôi đã gặp, tiếp xúc các bạn trẻ xuất sắc cùng hành trình, những người đã và đang tự khởi xướng hoặc tham gia các chương trình hành động trên khắp thế giới mang đến hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn. “Đây là những ngọn lửa hy vọng của thế giới”, Robert nói. 

Toi den Nam Cuc anh 2

Nam Cực đẹp kỳ lạ và huyền ảo.

Ảnh: Tiền Phong.

Một bạn trẻ Ấn Độ được truyền cảm hứng từ hành trình 2041 sau khi trở về đã lập Hành trình Himalaya quốc tế, đưa tình nguyện viên lên các ngôi làng hẻo lánh trên dãy Himalaya để mang ánh sáng đèn điện đến cho người dân nơi đây nhờ những tấm pin mặt trời. Một nhóm giáo viên đến từ Ấn Độ cũng khởi động hành trình hằng năm lên Himalaya xây dựng các lớp học cho những trẻ em thiệt thòi. 

Một cô gái nhỏ người Afghanistan cũng lần đầu tiên đến Nam Cực. Gia đình cô phải chạy sang Pakistan sống trong trại tị nạn nhiều năm. Trở lại Afghanistan, vượt qua các định kiến về nữ giới hà khắc, cô theo học về truyền thông kỹ thuật số và đến Nam Cực cùng chung mối quan tâm bảo vệ môi trường...

Tự hào là người Việt Nam, trong hành trình, tôi luôn đeo huy hiệu cờ Tổ quốc. Tôi cũng đeo huy hiệu cờ đỏ sao vàng lên khăn quàng cổ khi ghi hình phỏng vấn trên truyền hình Mỹ để khẳng định tuổi trẻ Việt Nam luôn quan tâm đến biến đổi khí hậu toàn cầu. Hết hành trình 12 ngày, tôi đã tặng lại huy hiệu đó cho Robert.

Trên lá cờ của Hội LHTN Việt Nam mang theo, tôi đề nghị Robert viết một thông điệp cho thanh niên Việt Nam. Ông viết đơn giản: "Hãy sống với ước mơ của các bạn". Và ước mơ của tôi và những người trẻ trong Hành trình 2041: “Hãy hành động đóng góp vào giảm thiểu biến đổi khí hậu và hiện tượng nước biển dâng, vì Việt Nam sẽ là một nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong tương lai”.

Chúng tôi thậm chí không được mang nước nóng lên Nam Cực, chứ đừng nói đến trà và cà phê. Không có nhà vệ sinh ở Nam Cực, nếu có nhu cầu chúng tôi phải trở về tàu. Không được có bất kỳ một hành động gây ô nhiễm nào được phép diễn ra ở Nam Cực. Nếu chúng ta có thể bảo vệ một nơi nào đó trên Trái đất như Nam cực, đó là dấu hiệu của hy vọng, và là động lực để chúng ta tiếp tục áp dụng như thế đến các nơi khác trên thế giới.


Cuộc sống của cô gái làm việc tại Nam Cực

Laura Martin cho biết, công việc tại miền băng giá khá thú vị. Tuy nhiên, điều kiện khắc nghiệt nơi đây cũng gây không ít khó khăn cho cô.

http://www.tienphong.vn/Gioi-Tre/toi-den-nam-cuc-de-truyen-thong-diep-998851.tpo

Theo Nguyễn Thị Thùy Vân/Tiền Phong

Bạn có thể quan tâm