Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Tôi đến ngôi làng cao nhất ở châu Âu

Ushguli như tách biệt với thế giới hiện đại nhờ địa hình tự nhiên đặc thù, hệ thống phòng thủ còn tồn tại từ quá khứ và lối sống gắn bó đất trời của người dân bản địa.

Du khách thạo công nghệ đã tìm thấy ngôi làng ở Ushguli, nhưng thung lũng này vẫn giữ trọn vẹn vẻ yên bình, thuần khiết từ xa xưa.

"Shangri-La" thường gợi lên hình ảnh một vùng đất bị đánh mất hay một thung lũng yên bình bất tử nào đó dưới chân rặng Himalaya. Người ta thường dành thuật ngữ này cho thành phố Zhongdian ở Trung Quốc hoặc Hunza ở Pakistan, nhưng liệu có thể tồn tại một nơi như vậy ở đâu đó châu Âu hay không? Có nơi nào ở lục địa châu Âu mà không bị ảnh hưởng bởi công nghệ và du lịch hiện đại?

Khi tôi đến ngôi làng của bộ tộc Svan ở Ushguli (Georgia), một thung lũng xa xôi, nằm dưới chân những đỉnh núi cao, hiếm người lui tới, 6 tháng bị cô lập bởi tuyết; nơi này đã nhắc nhở tôi về thế giới của Shangri-La.

Tôi là Saru (Nguyễn Lan Uyên), một travel blogger và tác giả sách tại TP.HCM. Tôi vừa có chuyến khám phá đất nước Georgia bí ẩn và tuyệt đẹp vào tháng 10 vừa qua.

Nằm ở phía tây bắc của nước Cộng hòa Georgia, Svaneti là một trong những vùng núi ngoạn mục nhất quốc gia xuyên lục địa Đông Âu và Tây Á này. Svaneti nổi tiếng với những tòa tháp phòng thủ bằng đá cao được xây dựng từ thế kỷ thứ IX đến thế kỷ thứ XII, vừa là nơi ở, vừa để chống lại những kẻ xâm lược.

Trong số bốn ngôi làng của cộng đồng Ushguli, số lượng tháp Svan lớn nhất còn tồn tại ở làng Chazhashi - có đến hơn 200 ngọn tháp sừng sững, uy nghiêm bên cạnh những ngôi nhà bằng đá mọc dọc theo dòng nước dữ dội của sông Enguri, như một bảo tàng trong một khu bảo tồn giữa hẻm núi hẹp.

Từ tháng 11 đến tháng 4 hàng năm, người dân ở Ushguli bị cô lập khỏi thế giới bên ngoài do tuyết phủ. Khi thời gian mất đi sức mạnh của nó, nhường chỗ cho vẻ đẹp của sự bình yên, con người ta sẽ bị thu hút vào triết học và sự vĩnh hằng. Họ đã thốt ra rằng: “Ushishariguli”. Nó có nghĩa là “trái tim không sợ hãi”, vì đây là một trong số ít nơi chưa từng bị chinh phục. Và họ gọi nơi này là Ushguli.

Mặc dù đám đông du khách từ thế giới công nghệ đã tìm thấy Ushguli, nơi này vẫn có khả năng lùi về quá khứ bởi hàng trăm "người lính canh" bằng đá đã sống qua nhiều thế kỷ; một con đường đất leo qua những ngọn đồi hoang dã nhiều sương mù; bò, lợn và chó lang thang tự do xa khỏi ngôi làng, chúng hay hướng về đỉnh núi tuyết Shkhara cao 5.201 m lúc nào cũng tỏa sáng lấp lánh.

Nếu như ở thủ đô Tbilisi, bạn đều có thể được mời thưởng thức rượu vang khắp mọi ngõ ngách, thì bộ tộc Svan ở đây lại có ngôn ngữ, văn hóa và truyền thống hoàn toàn khác biệt. Họ không trồng nho. Họ săn bắn và chăn nuôi gia súc, nên ở thung lũng này không có những buổi tụ họp thưởng thức rượu vang thường thấy ở Georgia.

Trong bộ phim Salt for Svanetia (Tài liệu câm của Liên Xô- Gruzia năm 1930 do Mikhail Kalatozov đạo diễn) đã mở đầu bằng câu trích dẫn của Lenin: "Ngay cả bây giờ vẫn còn những vùng xa xôi của Liên Xô, nơi lối sống gia trưởng vẫn tồn tại cùng với tàn dư của hệ thống thị tộc."

Nó ám chỉ thung lũng này, thung lũng của bộ tộc Svan, nơi bị tách biệt khỏi nền văn minh bởi những ngọn núi gồ ghề và sông băng tráng lệ. Với dân số quanh năm chỉ khoảng ba trăm người, Ushguli đã nuôi dưỡng cộng đồng của mình tốt hơn bất kỳ thị trấn Svan nào khác. Thị trấn nhỏ bé này có một trường học, một số cửa hàng nhỏ và năm nhà thờ mang vẻ đẹp hoài cổ.

Một buổi sáng, tôi dậy thật sớm và leo lên đỉnh đồi khá xa ngôi làng. Bắt chân hình bán hoa sen và nhắm mắt, hướng về đỉnh Shkhara màu hồng sữa. Hương vị tinh khiết của sông băng trong không khí lẩn quẩn nơi sống mũi. Trước khi chạm vào vô thức, tôi vẫn nhớ được cái vị mằn mặn của món bánh mì nhân phô mai Khachapuri trứ danh nơi này.

Sau một tiếng mở mắt ra, thứ ánh sáng dịu nhẹ của bình minh hăn hắt dưới đôi mi mỏng. Xung quanh tôi là ba chú chó khổng lồ không biết từ đâu tới và tới lúc nào, chạy quẩn quanh và cứ quấn lấy tôi như đã từng quen biết.

Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.

> Xem thêm: Sách cho người xê dịch

Tôi đến Kyrgyzstan, một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới

Không tuyết trắng bao phủ, nhiệt độ tại Kyrgyzstan vẫn giá rét đến khủng khiếp. Bù lại, cảnh quan nơi đây ấn tượng, đẹp đến "thoát tục".

Tôi đóng băng tóc, lông mi giữa cái lạnh -35 độ C tại Alaska

Chỉ vì đọc "Tiếng gọi nơi hoang dã" năm 20 tuổi, tôi tìm đường đến Alaska khi gần 30, tận mắt nhìn ngắm núi băng khổng lồ và cực quang rực rỡ đầy mê hoặc.

Saru

Bạn có thể quan tâm