“Thứ người ta tìm đầu tiên khi đến là hòm tiền mừng của nhà trai, nhà gái đâu, gửi phong bì vào, coi như xong nhiệm vụ, chứ cô dâu, chú rể mặt mũi thế nào, tên gì, chúc phúc đôi trẻ ra sao, họ đâu có quan tâm”, Minh Anh (26 tuổi) tranh cãi kịch liệt với mẹ về kế hoạch tổ chức đám cưới sắp tới.
Trong khi cả hai vợ chồng cô đều cùng ý định tổ chức một lễ cưới riêng tư, chỉ mời những người thân thiết nhất đến chung vui, mẹ Minh Anh lại coi suy nghĩ của cô là “thiển cận”, “trứng đòi khôn hơn vịt” vì với bà, đám cưới là dịp gặp mặt, xã giao quan trọng.
“Chả ai thích đi đám cưới để mất tiền mừng cả nhưng có những người bạn, họ hàng cả năm không gặp, chỉ có đám cưới mới tranh thủ có dịp hỏi thăm, cập nhật tình hình của nhau”, mẹ cô phản bác.
Từ lâu, cô gái làm trong ngành truyền thông đã không thích kiểu đám cưới xô bồ, nơi khách khứa ào ào đến, ào ào đi, hai nhân vật chính thì tất bật “tay bắt mặt mừng”, miệng cười tươi chào hỏi với những người không hề quen biết.
Nhiều người tự hỏi đám cưới là ngày trọng đại của đôi uyên ương hay dịp để những người đến dự hội họp, bàn chuyện riêng. Ảnh: Soompi. |
Lý do của Minh Anh không phải không có căn cứ khi nhiều đám cưới, khách mời của cô dâu, chú rể thì ít mà bạn bè, đối tác làm ăn của cha mẹ là chủ yếu.
“Đám cưới mình nghĩ vẫn giữ những nghi lễ truyền thống như dạm ngõ, ăn hỏi là được rồi, còn mình mong muốn được tận hưởng ngày trọng đại theo cách của riêng mình, không phải mệt mỏi tiếp đón hết khách này đến khách kia, những người mà mình chắc chỉ gặp đúng một lần trong đời”, cô nói.
“Thứ mình muốn lưu giữ là những kỷ niệm đáng nhớ bên gia đình, bạn bè thân thiết, đâu phải là một xấp phong bì nhàu nhĩ ghi vội dòng chữ ‘mừng hạnh phúc hai cháu’ từ những người xa lạ”, cô nhấn mạnh.
Chào hỏi qua loa bố mẹ hai bên. Bắt tay chúc mừng lấy lệ cô dâu, chú rể. Gửi tiền mừng là chuyện bắt buộc.
Tìm chỗ ngồi rồi ăn chung vui một lúc, xong việc nhanh chóng ra về. Coi như đã điểm danh xong. Thân thiết hơn một chút thì làm kiểu ảnh kỷ niệm với đôi uyên ương.
Đó là viễn cảnh đi ăn cưới quen thuộc với nhiều người, cả người trẻ lẫn người già. Với họ, chuyện đi đám cưới không nhằm chứng kiến hạnh phúc của một đôi trẻ nào đó chính thức “về chung một nhà”, “nên vợ nên chồng” mà đi nhằm mục đích trả nợ, giữ phép xã giao thông thường.
Trả nợ, xã giao là chính, chung vui là phụ
Anh Vũ (28 tuổi) cho hay nhiều lần dự đám cưới, anh cảm thấy không thoải mái khi nhiều vị khách dường như chỉ tập trung vào việc tranh thủ mời rượu đối tác, hỏi thăm, bàn chuyện với những người khác mà quên tiệt cô dâu, chú rể.
“Giây phút hai nhân vật chính bước vào lễ đường, trao nhẫn cho nhau, nhiều người vẫn mải mê ăn uống, nâng ly, nói chuyện với nhau. Thậm chí, hôn lễ chưa xong, nhiều người đã vội đứng lên, cáo bận một câu rồi đi về”, anh kể lại.
Nhận được thiệp mời cưới dù không hề quen thân khiến nhiều người rơi vào tình thế khó xử: nên đi hay không. Ảnh: Chiara Ferragni. |
Và cũng từ khi nào, được mời ăn cưới trở thành nỗi sợ “khó hiểu” của nhiều người.
Đi hay không đi? Đi bao nhiêu tiền là vừa? Đó là những câu hỏi khó, nhất là khi mùa cưới đang về.
Minh Khánh (30 tuổi) thừa nhận bản thân thấy miễn cưỡng là chính mỗi khi đến dự đám cưới của những người anh chỉ quen biết “sơ sơ” song vì phép xã giao mà phải đi.
“Đám cưới con gái người chú làm cùng phòng, mình chả biết cô dâu là ai, cô dâu cũng chả hiểu mình là khách bên nào, song vì chú là người từng giúp đỡ mình nhiều giai đoạn mới chập chững vào công ty, mình vẫn phải nể cái tình mà cố sắp xếp đến thôi”, Khánh thành thật.
Chàng trai 30 tuổi cũng không phải người duy nhất "đi ăn cưới nào biết mặt cô dâu chú rể, chỉ tới trả nợ".
Mới vào làm được 2 tuần, Hồng Mỹ (22 tuổi) đã rơi vào tình huống khó xử khi nhận được thiệp mời cưới từ người chị làm chung phòng sản xuất nội dung.
“Mình là lính mới, không đi thì sợ mang tiếng không hòa đồng mà đi thì chắc chắn phải mừng cưới. Với sinh viên còn đi học, mất mấy trăm nghìn vì phép lịch sự làm mình cảm thấy không đáng chút nào”, Mỹ cho hay.
Cuối cùng vì ngại, cô vẫn đến dự. “Mừng đám ma chay, hiếu hỷ là phần kiểu gì cũng không thể tránh khỏi rồi, thôi tập quen dần chứ sau này còn phải mất tiền nhiều hơn cho mấy phép xã giao này”, cô tự nhủ.
Với nhiều vị khách, đi ăn cưới chỉ là để trả nợ, giữ phép xã giao thông thường. Ảnh: Cris Phan. |
"Mới quen đã mời đám cưới"
Chuyện mời cưới theo phép xã giao ở chốn công sở vốn không hề xa lạ. Không cần quen thân, chỉ cần biết tên biết mặt nhau, người ta vẫn có thể gửi thiệp mời cưới như thường.
Hương Trà (27 tuổi) cho biết với các đám cưới của những người không quen thân, cô chỉ nhờ người khác mừng cưới.
“Có những người trong công ty mình mời bừa phứa tất cả, kể cả những người nói chuyện cùng lắm được 1-2 lần. Mình thì không thích kiểu mời xã giao này nên chả bao giờ có ý định tới dự. Nếu không đi, mình sẽ nhờ người chuyển tiền mừng thôi, tiết kiệm hơn so với việc đến ngồi ăn trực tiếp”, Trà kể.
Tại nhiều nước châu Á, mừng đám cưới bằng tiền mặt từ lâu đã trở thành truyền thống. Theo quan niệm của người Hàn Quốc, tiền mừng là hình thức chia sẻ tài chính với gia chủ, đồng thời là cách duy trì mối quan hệ xã hội.
Nhưng với người trẻ tại xứ kim chi, việc mừng cưới đôi khi trở thành áp lực tài chính, khiến họ chật vật tìm cách xoay xở vì số tiền bỏ ra cho mỗi lần hiếu hỷ không hề nhỏ, theo Korea Times.
Trước gánh nặng đó, nhiều người lựa chọn hạn chế tham gia đám cưới và cắt giảm số tiền mừng.
Tại Hàn Quốc, chi phí bỏ ra cho tiền mừng cưới là gánh nặng tài chính không nhỏ. Ảnh: AP. |
Tại Trung Quốc, tờ Central daily news từng tiến hành khảo sát với đối tượng là 40 người trẻ trong độ tuổi từ 20-30 về vấn đề quà cáp đám cưới. Phần lớn cho hay họ lựa chọn không tham dự nếu không thích và cũng không còn bị ám ảnh với quà cưới, tiền mừng.
Nhà thiết kế tên Kim (28 tuổi) thường không đi dự đám cưới. Năm vừa rồi, cô chỉ tiêu tốn hơn 30.000 won cho 2 đám cưới.
"Về cơ bản, tôi không đi dự đám cưới. Tôi không có kế hoạch kết hôn. Hơn nữa, việc tặng tiền cho người khác dù chẳng thân quen khiến tôi thấy kỳ lạ”, cô cho biết.
Quan Xiaoying (26 tuổi) thẳng thắn nói: "Rất nhiều người mới quen đã gửi lời mời cho tôi. Họ đơn giản là muốn được nhận quà, thay vì những lời chúc phúc suông. Nếu như mối quan hệ không có gì gần gũi, chỉ liên lạc vài lần, tôi mạnh dạn chọn không đi dù có được mời".
Chung quan điểm, Jin Yilin (35 tuổi), nói rằng trong hơn 10 năm qua cô chỉ tham dự đúng 2 đám cưới dù nhận được vô số thiệp mời mỗi năm.
"Từ nhỏ, mỗi lần tham dự đám cưới họ hàng, tôi đều phải chào hỏi những người không quen biết, điều này thực sự nhàm chán.
Sau 20 tuổi, tôi bắt đầu nghĩ 'mình đến những nơi đó để làm gì?', vỗ tay cho có, ăn bữa ăn do chính mình trả tiền, ngồi 30 phút chỉ để tỏ vẻ vui mừng cho người khác và nghe những thứ vô vị”, Jin trả lời phỏng vấn của Korea Times.
Với các mối quan hệ được cô coi trọng thực sự, Jin mừng số tiền 200.000 won và quà tặng trị giá 100.000 won.
Suy nghĩ tương tự với Jin, Park Mou (37 tuổi) chỉ tổ chức một đám cưới nhỏ, đơn giản. Khách mời là cha mẹ hai bên cùng vài người bạn thân thiết. Những vị khách cũng không cần tặng quà cáp hay tiền mừng.
Trong suốt 10 năm qua, Park gần như không đến dự bất cứ đám cưới nào và cũng không phải đau đầu vì tiền mừng cưới.
"Tham dự quá nhiều đám cưới chỉ lãng phí thời gian và tiền bạc. Tôi chỉ muốn sống đơn giản trong thế giới phức tạp này", anh nói.