Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Tôi hối hận vì mua đồ đắt đỏ trong dịch và giờ vứt xó’

Trong thời gian bị phong tỏa vì dịch, nhiều người điên cuồng mua sắm online để tìm niềm vui. Nhiều tháng sau, họ chỉ thấy mình có cả “núi” đồ không dùng đến.

Trong thời gian phải chôn chân trong nhà vì lệnh phong tỏa phòng dịch Covid-19, nhiều người điên cuồng mua sắm online, tùy hứng tậu bằng được món đồ mình thích hoặc săn lùng nguyên liệu đắt tiền để tự mở tiệc tại nhà. Tất cả chỉ để khơi dậy niềm vui.

Hiện, khi vaccine Covid-19 được nghiên cứu thành công, họ chỉ thấy mình có cả “núi” thực phẩm không dùng đến hay thiết bị đắt tiền bị vứt xó, theo New York Post.

Với Josephine Zohny (36 tuổi, sống ở New York, Mỹ), loạt tin tức về dịch bệnh vào tháng 4/2020 đã khiến cô vung tiền cho đơn hàng rượu trị giá 320 USD. Vấn đề là nữ nhà báo hiếm khi uống rượu.

“Đang đọc tin tức, tôi đột nhiên bị choáng ngợp bởi ý muốn mua rượu”, Zohny cho biết.

Nhiều tháng sau, Zohny kiểm tra mình có khoảng 10 loại đồ uống có cồn, bao gồm chai rượu gin mà cô mua chỉ vì nó màu hồng cùng một số loại rum artisanal-hipster.

Zohny vẫn không thể hiểu lý do bản thân thấy cần mua rượu. “Tôi không biết điều gì đã xảy đến với mình”.

mua sam dien cuong trong dich anh 1

Tatiana Hernandez hối hận khi mua đôi guốc Gucci và soundtrack Oklahoma! trên vinyl.

Tatiana Hernandez (26 tuổi) lướt Instagram hàng đêm, khi khả năng đề phòng suy giảm. Cô quyết định đặt mua “những món đồ đẹp đẽ” trong thời gian ở nhà tránh dịch.

Hernandez mua soundtrack Oklahoma! trên vinyl từ tài khoản online chuyên bán đồ cổ. “Thật không may, tôi không có máy hát đĩa. Vì vậy, nó đang yên vị trong tủ quần áo. Tôi hối hận vì mua mớ đồ đắt đỏ trong dịch và giờ vứt xó”.

Cô cũng mua dụng cụ làm sạch cọ trang điểm hay đôi guốc Gucci màu xanh da trời mà chẳng dùng tới lần thứ hai. Món đồ “vô dụng” khác mà Hernandez bỏ 240 USD ra mua là chiếc lược Mason Pearson, được influencer cô theo dõi review, mà không thể chải được mái tóc xoăn của cô.

Nhà phát triển web sống ở thành phố Salt Lake (Mỹ) thừa nhận việc mua sắm mang lại cho cô cảm giác giải tỏa, đặc biệt là khi bị mắc kẹt trong nhà vì dịch.

mua sam dien cuong trong dich anh 2

Rosana Smith hối hận vì cắt tóc mái trong dịch.

Sự hài lòng tức thì cũng là điều thôi thúc Rosana Smith (25 tuổi) cắt tóc mái vào tháng 11/2020. “Tôi muốn làm điều gì đó tự phát”, cô nói.

Màn lột xác nhanh chóng khiến Smith hối hận. Trong cái nóng ẩm ướt ở Miami, vẻ ngoài “ác mộng” còn đòi hỏi cô phải sấy khô hàng ngày. Điều này khiến cô vừa tốn thời gian, vừa thấy bực bội.

Khi dịch Covid-19 khiến mọi kế hoạch nghỉ hè phá sản, Caren Begun (49 tuổi, sống ở Cherry Hill) tậu hồ bơi dài 4 m để trong sân nhà.

“Nó trở thành nỗi đau đầu khủng khiếp. Nền đất của chúng tôi không hoàn toàn bằng phẳng. Độ nghiêng cho phép tảo và vi khuẩn sinh sôi”.

Dù chi tới 400 USD mua món đồ này vào tháng 5/2020, Begun và gia đình hầu như không sử dụng. Cô nhanh chóng bán lại với giá 50 USD “chỉ để đưa nó ra khỏi tầm mắt”.

Trong khi chờ cỏ mọc lại ở nơi chiếc hồ bơi từng được đặt, Begun thường xuyên bị chồng cằn nhằn: “Anh đã nói với em từ đầu là không nên mua rồi”.

“Đó chắc chắn là lần mua hàng phù phiếm, thiếu suy nghĩ”, bà mẹ 4 con than thở.

Elizabeth Chan (sống ở khu Financial District) khao khát mua chiếc máy ép bánh khi các nhà hàng Mexico đóng cửa khiến cô không mua được bánh ngô.

“Khi chẳng có gì để làm, chúng tôi nghĩ mình sẽ làm bánh ngô giống như ở nhà hàng. Vì vậy, tôi mua máy ép bánh với giá 50 USD”, Chan cho biết.

Thay vào cảm giác háo hức ban đầu, sự tồn tại của chiếc máy gây khó chịu cho gia đình Chan cả năm nay. Thậm chí, cô còn chưa lấy nó ra khỏi hộp.

mua sam dien cuong trong dich anh 3
Elizabeth Chan chưa bóc hộp chiếc máy ép bánh.

Nhiều người Singapore mập lên trong đại dịch

Trong dịch Covid-19, nhiều người dân đảo quốc sư tử than vãn về việc cơ thể mập lên, với mức tăng trung bình là 5 kg.

Thiên Nhi

Bạn có thể quan tâm