Tới Iceland, 'đau ví' vì mức chi tiêu đắt đỏ nhất châu Âu
Thứ năm, 25/7/2019 10:03 (GMT+7)
10:03 25/7/2019
Với mức giá trung bình cao hơn 56% so với phần còn lại của lục địa, Iceland đứng thứ nhất trong bảng xếp hạng các quốc gia đắt đỏ hàng đầu châu Âu.
Suối nước nóng ở Iceland không còn là điều duy nhất khiến khách du lịch đổ mồ hôi. Thêm vào đó, khi nhìn vào chi phí khách sạn hoặc hóa đơn ăn trưa, bạn sẽ nhận ra phần lớn có giá cao, đôi khi nhiều hơn bất cứ nơi nào khác ở châu Âu. Theo dữ liệu của văn phòng thống kê Liên minh châu Âu Eurostat, năm 2018, ở Iceland, giá tiêu dùng trung bình cao hơn 56% so với phần còn lại của châu lục này. Ảnh: Hurb.
Điều này đưa Iceland trở thành quốc gia đắt đỏ nhất. Các nước đứng sau là Thụy Sĩ (52%), Na Uy (48%), Đan Mạch (38%)... Để tránh những bất ngờ khó chịu, Quint Johnson, du khách đến từ Mỹ, cho biết anh đã tìm hiểu trước khi đến Iceland du lịch một tuần cùng gia đình. Ảnh: Newseweek.
Tuy nhiên, "đó là một chút sốc", sinh viên 22 tuổi nói với AFP khi phát hiện mức giá của các mặt hàng quen thuộc như bánh hamburger với khoai tây chiên và bia. Nhìn lướt qua thực đơn tại một nhà hàng ở Iceland, bạn biết rằng chiếc pizza phô mai đơn giản sẽ "móc túi" thực khách khoảng 19 USD, ly rượu vang giá ít nhất 11 USD và một lít bia khoảng 8 USD. Ảnh: Joyenchantee.
"Giá này quá đắt so với bình thường", Johnson nói. "Ở nhà, tôi có thể nhận được suất ăn bao gồm một chiếc hamburger, khoai tây chiên và bia với giá khoảng 12-13 USD". Ảnh: Icelandmag.
Theo trang web so sánh giá tiêu dùng Numbeo, bữa tối cho 2 người tại nhà hàng trung bình có giá khoảng 95 USD. Chai rượu vang khoảng 19 USD và 12 quả trứng giá 5,6 USD. Ảnh: Chrismoe83, Bianca_olsson.
Với 355.000 dân cư và sự phụ thuộc nhiều vào hàng hóa nhập khẩu, việc đánh thuế rượu cao, tất cả đã giải thích mức giá tiêu dùng đắt đỏ của Iceland. "Diện tích Iceland quá nhỏ bé. Vì vậy, quy mô kinh tế ở đây rất khó để theo kịp các quốc gia lớn hơn 100 lần, những nơi này dễ thu hút nhiều doanh nghiệp", Konrad Gudjonsson, chuyên viên kinh tế tại phòng thương mại Iceland cho biết. Ảnh: Woohoo.
Luật pháp cũng đóng một phần khiến mức giá ở Iceland đắt đỏ. Các sản phẩm nhập khẩu như trứng sống hay sữa chưa tiệt trùng phải đối mặt với các rào cản hải quan. Biến động lớn về tiền tệ của Iceland trong năm 2016-2017 cũng góp phần dẫn đến việc tăng giá chung. Gudjonsson chỉ ra mối liên hệ mạnh mẽ giữa giá cả đắt đỏ và mức sống của các quốc gia. Trong đó, năng suất làm việc của người Iceland rất cao. Ảnh: Indiafilings.
Theo thống kê của chính quyền Iceland, năm 2018, mức lương trung bình chưa thuế hàng tháng với người làm việc toàn thời gian là 4.992 USD. Vì vậy, trong khi khách du lịch có thể sốc với giá cả ở Iceland, mức lương của người dân địa phương cho phép họ thoải mái tiêu dùng. "Chúng ta phải tính đến mức lương. Iceland là một trong những quốc gia có mức lương trung bình cao nhất châu Âu", Breki Karlsson, Chủ tịch Hiệp hội người tiêu dùng Iceland cho biết. Ảnh: Gregorygerault.
Theo dự báo của ngân hàng Trung ương, Iceland đang hướng tới thời điểm khó khăn hơn. Ngành du lịch nước này trầm trọng thêm sau khi hãng hàng không giá rẻ Wow Air của Iceland phá sản. Trong khi đó, công nghiệp thủy sản bị tấn công bởi sự biến mất đột ngột của cá capelin ở vùng biển Iceland. Chính phủ đã không ban hành hạn ngạch đánh bắt loài cá quan trọng về kinh tế này trong năm 2019. Ảnh: Agrobk.
Gudjonsson, đại diện phòng thương mại Iceland cho biết: "Chi phí nhà ở giảm khi hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng có sự gia tăng". Giá thuê trung bình hiện tại cho căn hộ một phòng ngủ ở trung tâm thành phố Reykjavik khoảng 1.450 USD/tháng. Ảnh: Modulus.
Được hình thành trong điều kiện đặc biệt, những động băng ở Iceland thường sở hữu một vẻ đẹp kỳ ảo. Nơi đây luôn là lựa chọn hấp dẫn cho du khách khi tới đất nước băng và lửa này.
Dettifoss được xem là con thác mạnh nhất châu Âu với lưu lượng xả nước lên tới 193 m3/giây. Du khách đến đây có thể sờ vào những tảng đá để cảm nhận được sức mạnh của thác dữ.