Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Tôi khó xử khi nhìn ánh mắt học sinh bị nhắc đóng tiền'

Là giáo viên tiểu học, hàng ngày, tôi đã phải căng sức với những cuốn sổ theo dõi, những giáo án đổi mới. Đến khi phải kiêm luôn cả "nhân viên thu tiền", tôi gần như quá tải.

Tôi là giáo viên một trường tiểu học ở huyện Ý Yên, Nam Định. Bốn năm làm chủ nhiệm lớp, nhưng dường như chưa bao giờ tôi quen được với mẫu câu nhắc học sinh nộp tiền. Lớp tôi chủ nhiệm lúc nào cũng chậm trễ nhất trường trong việc đóng các khoản phí đầu năm. 

Lời nhắc nhở học sinh đóng tiền dường như trái với "thiên chức" của người dạy học. Suốt 4 năm tại trường sư phạm, chúng tôi chưa hề được tiếp xúc cuốn giáo trình hay bài giảng nào dạy về kỹ năng thu tiền học sinh.

Tôi luôn cảm thấy khó xử mỗi khi nhìn ánh mắt của những học trò bị nhắc tên. Ánh mắt các em lúc đó vừa như cảm thấy xấu hổ vì nhà nghèo, vừa như xa lánh cô giáo, tránh cái nhìn từ cô. 

Không trường nào dám công khai bắt học sinh đóng bảo hiểm y tế, điều này đã quá rõ ràng. Thế nhưng, bằng nhiều quy định, tiêu chí khác, các giáo viên phổ thông vẫn phải cố gắng thu được tối đa khoản phí này từ học sinh lớp mình chủ nhiệm. 

Nỗi niềm giáo viên phải ép trò mua bảo hiểm

Hầu hết phụ huynh đều bất ngờ khi được biết năm học mới phải bỏ ra số tiền gần gấp đôi năm trước để mua BHYT cho con. Còn giáo viên chủ nhiệm thì trở thành “đại lý thuyết phục".

Là giáo viên tiểu học, hàng ngày, tôi đã phải căng sức với những cuốn sổ theo dõi, những giáo án đổi mới. Đến khi phải kiêm luôn cả "nhân viên thu tiền", tôi gần như quá tải.

Hôm nay, tôi bước vào lớp với đôi vai nặng trĩu những cuốn sổ theo dõi, thi thoảng lại lén nhìn những em chưa nộp tiền xem có ai chủ động nộp hay không. Và khi không có em nào tự giác, tôi đành cất lời nhắc, bằng chất giọng nhẹ nhàng nhất có thể: "Hôm nay có bạn nào đóng tiền không?".

Ảnh minh họa: Tuổi Trẻ.

Các khoản phí đầu năm mà các em phải đóng khoảng 700.000 đồng, trong đó gần 500.000 đồng tiền bảo hiểm y tế. Do mức bảo hiểm y tế tăng đột biến nên học sinh nộp càng chậm hơn mọi năm. Tính đến nay, bước vào năm học mới được nửa tháng, lớp tôi mới chỉ có 2/3 số học sinh hoàn thành tiền bảo hiểm.

Tình huống khó xử nhất khi học sinh chậm nộp tiền lại là những em thông minh, ngoan ngoãn, dành nhiều tình cảm cho mình. Những lúc như vậy, tôi rất sợ một lời "đòi nợ" cất lên sẽ khiến hình ảnh cô giáo "méo mó" trong mắt học trò.

Mọi năm, sau khi xác nhận những học sinh không có khả năng nộp tiền, tôi lại trích ra vài trăm nghìn đồng từ số tiền lương hơn 3 triệu/tháng để trả thay cho học sinh. Những đồng nghiệp của tôi ở trường cũng đành làm vậy, bởi chẳng ai muốn bị trừ điểm thi đua, và cái kết của việc trừ điểm thi đua lại càng không ai muốn.

Việc chấm điểm thi đua giáo viên dựa vào điểm chất lượng lớp mỗi kỳ thi, điểm nề nếp giáo viên, nề nếp lớp qua mỗi tuần, điểm chấm hồ sơ, sổ sách và cuối cùng là điểm thu nộp các khoản phí.

Điểm thu nộp các khoản phí chỉ chiếm 10% tổng điểm, nhưng thi đua cũng rất gay gắt. Giáo viên nào điểm thấp năm sau có nguy cơ không được làm chủ nhiệm nữa.

Nhưng những năm trước tiền bảo hiểm có 290.000 đồng, chúng tôi còn đóng giúp các em được, chứ năm nay lên đến 500.000 đồng thì chẳng biết phải làm thế nào.

Nhiều khi tôi đã ước nhà trường không đặt áp lực thu bảo hiểm y tế nữa. Khi đó, giáo viên chúng tôi sẽ nhẹ gánh hơn nhiều. Cô giáo sẽ chỉ tập chung vào việc dạy và chăm sóc học trò, tình cảm cô trò cũng không bị chuyện tiền nong làm rạn nứt.

Nhưng nếu điều ước đó thành sự thật, các thầy cô cũng chẳng hết lo âu. Vì đa số học sinh nghèo chấp nhận không mua bảo hiểm, sẽ thiệt thòi cho chính các em khi không may bị ốm đau.

Trường thu tiền giáo viên để cảm ơn xã

Nhiều giáo viên huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh bức xúc trước việc bị thu tiền để mua quà đi cảm ơn chính quyền xã khi trường được hưởng diện chính sách 135 của Nhà nước.

Ngọc Quang ghi

Bạn có thể quan tâm