Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Tôi không còn sự lựa chọn mới đi nhận đồ từ thiện mùa dịch'

Theo nghiên cứu tâm lý, khi bất ngờ lâm vào khó khăn, nhiều người cảm thấy mặc cảm và sợ bị xã hội phán xét. Giải quyết điều này cần tới sự tế nhị của người làm công tác từ thiện.

Cuối tháng 3 vừa qua, từng đoàn xe đến xếp hàng trước một ngân hàng thực phẩm ở Dallas (Mỹ). Có xe minivan, Chevrolet Tahoe hay cả những chiếc xe với cửa sổ bị vỡ… Ngồi trong xe, nhiều người chưa từng nghĩ sẽ có ngày mình phải đến nhận đồ cứu trợ trong đời.

Trong số này có Dalen Lacy, một nhân viên nhà kho và nhân viên bán hàng tại cửa hàng tiện lợi 7-Eleven.

Giống như 70% người xuất hiện tại ngân hàng thực phẩm, đây là lần đầu tiên Lacy đến nơi này. Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế khiến chàng thanh niên 27 tuổi, một ông bố 2 con, mất việc ở nhà kho và bị giảm giờ làm ở cửa hàng.

“Tôi chưa bao giờ phải như thế này. Nhưng tôi phải làm mọi thứ có thể để lo cho các con tôi”, anh nói với New York Times.

xau ho khi nhan do tu thien anh 1
Ôtô xếp hàng trước ngân hàng thực phẩm San Antonia, Mỹ. Ảnh: AP.

Giống Lacy, hàng trăm nghìn người Mỹ đang phải nhận sự giúp đỡ lần đầu tiên trong đời, từ thợ làm móng ở Los Angeles đến nhân viên sân bay ở Fort Lauderdale hay nhân viên pha chế quán rượu.

Gạt đi sự xấu hổ, nhiều người làm đơn xin trợ cấp thất nghiệp, kêu gọi tiền ủng hộ trên mạng xã hội và đến các trung tâm hỗ trợ thực phẩm. Tuy nhiên không phải ai cũng đủ can đảm để làm vậy.

Từng kiếm được 1.500 - 2.000 USD/tuần giờ phải nhận đồ cứu trợ

Xấu hổ là cảm giác chung của nhiều người bất ngờ lâm vào cảnh thất nghiệp, nhất là giữa thời điểm kinh tế khó khăn khiến họ phải tìm kiếm sự giúp đỡ từ các nguồn khác nhau.

Scott Theusch (61 tuổi, thợ máy) lần đầu tiên trong đời nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp, trở thành một phần trong kỷ lục 3,3 triệu người xin trợ cấp thất nghiệp trong một tuần tại Mỹ.

Trong quá khứ, chính ông từng có niềm tin sâu sắc rằng những người đi tìm kiếm tiền trợ cấp, viện trợ là những kẻ chưa cố gắng hết sức.

“Đó là sự phán xét sai lầm. Đúng là không có sự lựa chọn nào khác tôi mới phải đi nhận đồ từ thiện mùa dịch. Ông chủ bảo không có việc để làm nữa, vậy thì biết làm sao đây?”, ông cay đắng.

xau ho khi nhan do tu thien anh 2

Nhiều người Mỹ cảm thấy xấu hổ khi lần đầu phải đến các trung tâm cứu trợ sau khi mất việc do dịch bệnh. Ảnh: New York Times.

Ở Los Angeles, Samantha Pasaye, một thợ làm móng 29 tuổi, phải cầu xin sự trợ giúp trên mạng xã hội khi nơi cô làm việc đóng cửa. Chứng kiến con gái phải đến bước đường này, mẹ cô đã khóc.

“Nếu chỉ có mình tôi thì cũng không đến nỗi phải như vậy. Nhưng tại thời điểm này, tôi cần đặt niềm kiêu hãnh của mình sang một bên”, cô chia sẻ.

Adedyo Codrington, nhân viên triển lãm thương mại và người quản lý công đoàn, cũng phải tới ngân hàng thực phẩm nhận đồ ăn. Dù đã nộp đơn xin thất nghiệp ngay khi phải nghỉ việc vào 8/3, anh phải đợi thêm một thời gian mới đến lượt nhận tiền.

Lần đầu tiên đến nơi hỗ trợ thực phẩm, người cha 41 tuổi được thông báo nguồn cung cấp đã hết. Nhục nhã, anh cố gắng đến sớm hơn ở lần thứ 2 nhưng nhanh chóng phải ra về với một túi đậu xanh vì hàng người đến xếp hàng đông đúc.

Dù đồng nghiệp quyên góp giúp 100 USD, số tiền này chẳng giúp gia đình anh cầm cự được bao lâu. Giờ Codrington chỉ dám ăn một bữa/ngày, cố gắng cầm cự bằng nước đường và 2 lát bánh mì.

“Tôi từ một người từng kiếm được 1.500 - 2.000 USD/tuần giờ ra nông nỗi này”, anh cay đắng.

Không dám nhận đồ cứu trợ dù rất cần

Ashyle Horton từng là tình nguyện viên tham gia chương trình điều hành phòng hỗ trợ thực phẩm ở Đại học Arkansas (Mỹ), nhưng khi xuất hiện với tư cách người đến nhận là một trải nghiệm hoàn toàn khác.

“Tôi đã rất sợ hãi và lo lắng. Thật là kỳ lạ khi đến một phòng hỗ trợ thực phẩm để được giúp đỡ”, cô gái 22 tuổi nói với NBC News.

Horton cho biết mình rất cần mì ống, gạo và các nhu yếu phẩm khác trên kệ thực phẩm, nhưng cô lo lắng rằng những người khác có thể phán xét cô, rằng họ sẽ nghĩ cô có thể tự lo thay vì đến xin đồ.

“Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ gặp nhiều khó khăn như vậy”, cô bày tỏ sau khi bị cắt giảm số giờ làm việc ở trung tâm chăm sóc người tàn tật.

xau ho khi nhan do tu thien anh 3

Nhiều người không dám nhận sự hỗ trợ vì mặc cảm. Ảnh: New York Times.

Angela Oxford, giám đốc Trung tâm gắn kết cộng đồng học khu Fayetteville, cho biết việc vượt qua sự mặc cảm là một trở ngại đối với Horton cũng như nhiều người rơi vào hoàn cảnh tương tự.

“Có nhiều người mặc cảm khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Họ không muốn nhận sự trợ giúp vì xấu hổ”, bà Oxford nói.

Nghiên cứu về vấn đề này, Colleen Flaherty Manchester, giáo sư tại Đại học Minnesota (Mỹ) nhận định đây là một rào cản lớn.

“Việc phải xuất hiện ở nơi phát đồ từ thiện khiến nhiều người cảm thấy năng lực bản thân bị giảm xuống, lòng tự trọng bị ảnh hưởng. Thật khó khăn khi cảm thấy mình là gánh nặng cho người khác", bà cho biết.

Những người cần nó nhất

“Nhiều người ở Mỹ rất tự hào về khả năng tự lập và tính độc lập của bản thân. Việc phải ngửa tay xin trợ cấp chắc chắn là điều cực kỳ khó khăn đối với họ”, Alice Fothergill, giáo sư xã hội học tại Đại học Vermont nhận định. Bà từng có thời gian nghiên cứu về tác động của thảm họa thiên nhiên đến con người.

Bà cho biết những người cảm thấy xấu hổ về việc tìm kiếm sự giúp đỡ thường là những người cần điều đó nhất.

xau ho khi nhan do tu thien anh 4

Một tình nguyện viên để túi thực phẩm vào xe người nhận hỗ trợ. Ảnh: EPA.

Trong một nghiên cứu về những phụ nữ bị ảnh hưởng bởi trận lũ lụt ở Dakota, bà phát hiện ra rằng phụ nữ thuộc tầng lớp lao động và trung lưu là những người tuyệt vọng nhất khi cần sự giúp đỡ của xã hội vì sợ mất địa vị.

Họ không muốn bị coi là người nghèo. Họ từng chứng minh điều đó bằng cách tham gia từ thiện để bù lại và từ chối nhận các gói hỗ trợ về nhà ở của chính phủ.

Ông Greenfield, làm việc tại một tổ chức từ thiện ở New York, cho biết những người lần đầu đến tổ chức từ thiện của ông thường rụt rè, trông đầy tội lỗi.

“Họ nói: 'Tôi xin lỗi, nhưng ông có thể giúp tôi không? Tôi thực sự cần thức ăn, tiền thuê nhà. Tôi xin lỗi, nhưng tôi thực sự cần sự giúp đỡ'”, ông cho biết.

Tại một số nước, việc giúp đỡ một số người khó khăn vượt qua nỗi mặc cảm được tổ chức ẩn danh trên Internet.

"Để làm được điều này, những người làm tổ chức từ thiện cần tìm hiểu rất kỹ về trường hợp được cứu trợ. Dù khó và không thể nhanh chóng bằng phương pháp trao - nhận truyền thống, nó là cách tế nhị để giúp đỡ những người cần mà không khiến họ ngại ngùng, xấu hổ".

"Nhưng trên hết, chúng ta cần tới sự tinh tế và nhạy cảm của những người làm công tác cứu trợ. Hãy tặng món đồ sao cho người nhận cảm thấy thoải mái, chứ không phải quẳng cho họ sự ban ơn", Greenfield kết luận.

Tokyo vào tình trạng khẩn cấp, dân vẫn đến chật quán bar, nhà hàng

Trong khi chính phủ Nhật Bản kêu gọi người dân giảm 80% sự tiếp xúc cá nhân để hạn chế lây lan dịch, dường như nhiều người lại muốn trở thành 20% còn lại.

Mai An

Bạn có thể quan tâm