Nhiệt huyết tuổi trẻ
Trong kỳ thi THPT quốc gia, hình ảnh nổi bật trên các tuyến phố là những gương mặt sinh viên với màu áo xanh tình nguyện. Từ hoạt động tìm nhà trọ, phát cơm, nước miễn phí đến chỉ đường, phân luồng giao thông... đều có sự góp mặt của các chàng trai, cô gái mang trong mình nhiệt huyết tuổi trẻ.
Tuy năm nay, số lượng thí sinh được phân chia đồng đều tại nhiều cụm trên cả nước nhưng tình trạng ùn tắc vẫn xảy ra do phụ huynh, học sinh tập trung đông tại địa điểm thi. Bởi vậy, hoạt động chỉ dẫn đường, điều phối giao thông luôn được những đội quân tình nguyện đặt lên hàng đầu, tập trung nhiều lực lượng.
Bóng áo xanh có mặt trên khắp các tuyến đường. Bất chấp cái nắng 40 độ, mồ hôi ướt đẫm, tình nguyện viên vẫn kiên trì đứng nắm tay nhau hàng giờ đồng hồ tạo thành "dải phân cách sống" để chia làn giao thông.
Sinh viên tình nguyện Nghệ An xếp hàng dài tạo "dải phân cách sống". Ảnh: Phạm Hòa. |
Nam sinh cho biết thêm, nếu không hành động như vậy, tình trạng tắc đường sẽ xảy ra nghiêm trọng. Thí sinh bước khỏi phòng thi lộn xộn, rất dễ bị tai nạn. Người nhà và sĩ tử cũng khó tìm thấy nhau trong biển người.
Đồng quan điểm với nam sinh Bách khoa, Duy Tùng (Hà Nội) chia sẻ, từng tham gia hoạt động tình nguyện nhiều lần. Nếu không đứng sát như vậy, các bác phụ huynh sẽ vượt rào, đi ngược chiều, sốt sắng tìm con... Thêm vào đó, không ít ô tô, xe máy tiến vào gây cản trở giao thông. Tuy nhiên, Tùng chỉ làm hàng rào khi thí sinh bắt đầu đến điểm thi và lúc tan tầm.
Tay nắm tay ngăn cách phụ huynh tiến vào lối đi của sĩ tử. Ảnh: Lê Quân. |
"Các bạn ngất vì say nắng, ai sẽ chịu hậu quả?"
Dù vậy, dưới ánh nắng chói chang, những giọt mồ hôi lăn trên khuôn mặt và tấm lưng ướt đẫm của các tình nguyện viên vẫn khiến không ít người xót xa. Nhiều ý kiến bày tỏ sự phản đối về hành động này.
Bác Thắng - phụ huynh sĩ tử tại Đông Anh - cho hay: "Tôi ngồi đợi con trong bóng cây mà còn không chịu nổi sự oi bức. Nhìn các cháu phơi người dưới nắng hơn 40 độ hàng tiếng đồng hồ thật xót. Nhà trường nên có trách nhiệm hơn trong việc này. Có thể phân công các cháu thay phiên nhau hoặc tìm biện pháp thích hợp lúc điều hành giao thông. Vấn đề sức khỏe của con em cần được ưu tiên hàng đầu!".
Tương tự, nhiều thành viên trên các diễn đàn mạng cũng tỏ ý phản bác. "Có nhiều cách thể hiện lòng tốt của mình. Tâm sáng nhưng hành động cần suy nghĩ đa chiều hơn. Mình không đồng tình với việc sinh viên phơi nắng cực khổ thế này. Nhỡ đâu say nắng, ngất ra đấy thì ai sẽ chịu hậu quả?" - Thanh Ngọc bức xúc.
Cô Liên - có con đang tham dự kỳ thi quốc gia - tỏ ra e ngại về việc sau này sẽ cho con mình tham gia đội ngũ tình nguyện, khi sức khỏe không đủ đáp ứng trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Bên cạnh đó, không ít người cho rằng, việc phải đứng hàng giờ dưới đường của sinh viên là do chỉ đạo từ cấp trên.
Trước những thông tin trên, anh Vũ Minh Lý - Phó trưởng ban Đoàn kết - Tập hợp thanh niên Trung ương Đoàn, Giám đốc Trung tâm tình nguyện Quốc gia - nhận định: “Tinh thần đoàn kết, giúp đỡ cộng đồng của thanh niên hiện nay ngày càng được đẩy mạnh. Các bạn trẻ luôn tự ý thức trách nhiệm và thực hiện nghĩa vụ trọn vẹn. Đây là việc làm tốt, cần được nâng cao".
Tuy nhiên, anh cho biết, không chỉ thanh niên, nhiều lực lượng chức năng cũng được huy động để hỗ trợ thí sinh và người nhà mọi lúc. Bởi vậy, các sinh viên tình nguyện không cần dốc sức quá nhiều dẫn đến tình trạng phản tác dụng.
Anh Lý không đồng tình với hành động xếp hàng thành "dải phân cách sống" dưới nắng. Theo anh, các bạn sinh viên nên chú ý giữ gìn sức khỏe của mình hơn. Đặc biệt, thời tiết nắng nóng dễ khiến cơ thể mất sức. Các bạn có thể áp dụng những biện pháp tối ưu, nhằm giảm thiểu nguồn nhân lực mà vẫn hiệu quả, tránh tình trạng chưa giúp được người khác, bản thân đã không còn sức lực.
"Chúng ta có nhiều cách để thể hiện lòng tốt của mình, không nhất thiết phải đứng ra nắng mới là có tinh thần cao cả. Mọi hoạt động tình nguyện cần tuyệt đối tránh phô trương, trưng bày hình thức. Hãy làm những gì tốt nhất cho mọi người và bản thân chúng ta” - anh nói.