Suốt mùa hè năm 2020, bãi biển Waikiki nổi tiếng tại Hawaii trở nên vắng lặng. Tuy nhiên, vài tuần trở lại đây, nơi đây bắt đầu đông kín du khách.
Kawenaʻulaokalā Kapahua (23 tuổi, người Hawaii bản địa) bày tỏ sự tức giận khi phần lớn khách du lịch không tuân thủ những chỉ dẫn đảm bảo an toàn nơi công cộng của địa phương.
“Cảnh tượng cứ như thời chưa xảy ra đại dịch, mà số khẩu trang tôi thấy thì chỉ đếm trên đầu ngón tay”, Kapahua kể với Insider.
Ngày 2/4, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho phép người dân đã tiêm vaccine Covid-19 di chuyển nội địa. Lượng người tới Hawaii lập tức tăng vọt, dù tiểu bang này vẫn chưa điều chỉnh luật lệ cho du khách đã tiêm chủng.
Nhiều người dân địa phương lo lắng lượng khách du lịch này sẽ khiến số ca mắc Covid-19 tăng trở lại. Họ không khuyến khích mọi người tới đây khi đại dịch vẫn đang diễn ra.
Bãi biển Waikiki trống vắng trước khi có vaccine Covid-19. Ảnh: AP. |
Hậu quả lớn tới người bản địa
Camille Slagle (sống ở đảo Oahu, Hawaii) chứng kiến ảnh hưởng nghiêm trọng của virus SARS-CoV-2 đến gia đình, bạn bè và cộng đồng của cô.
Những người Hawaii bản địa phải làm các công việc thiết yếu khắp tiểu bang này. Họ lo ngại về khả năng lây lan virus trong gia đình, đặc biệt tại những ngôi nhà có nhiều thế hệ chung sống.
“Tôi kinh hãi và thất vọng cho cộng đồng của mình”, cô gái 21 tuổi bày tỏ.
Theo một nghiên cứu từ Đại học Hawaii tại Mānoa, người Hawaii bản địa và người dân quần đảo Thái Bình Dương chiếm tới 40% các ca dương tính tại đây dù chỉ thuộc 25% dân số.
Họ cũng là những nhóm người ít được tiêm chủng nhất. Theo Honolulu Star-Advertiser, tính đến ngày 16/3, chỉ có 8,8% nhóm người trên được tiêm vaccine, so với 25,4% người châu Á và 19,2% người da trắng tại Hawaii.
“Thật đáng sợ khi không phải ai cũng được tiêm phòng. Mọi người đang hành động như thể virus không tồn tại nữa”, Slagle nói về lượng khách du lịch tăng đột biến.
Ở nhiều vùng của Hawaii, virus SARS-CoV-2 đang lây lan mạnh hơn. Báo cáo hàng ngày về các ca nhiễm mới đã tăng gấp đôi kể từ cuối tháng 2/2021. Slagle lo ngại thông báo mới của CDC sẽ khiến tình trạng tồi tệ hơn.
Bãi biển Waikiki đông đúc vào năm 2018 trước khi đại dịch ập tới. Ảnh: USA Today. |
Du lịch đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Hawaii và là nguồn vốn tư nhân lớn nhất cho tiểu bang này. Năm 2019, Hawaii đã đón tổng cộng hơn 10 triệu lượt khách.
Tháng 10/2020, Thống đốc Hawaii David Ige đã cho phép khách du lịch bỏ qua bước cách ly bắt buộc 14 ngày nếu họ mang theo kết quả xét nghiệm âm tính.
Cùng thời gian đó, các công ty du lịch liên tục quảng bá các ưu đãi và các resort bong bóng nhằm thu hút du khách tới quần đảo.
Tuy nhiên, phần lớn người dân Hawaii không muốn chào đón khách du lịch quay trở lại, theo một cuộc khảo sát do Cơ quan Du lịch Hawaii công bố vào tháng 11/2020.
"Tôi mừng là một số doanh nghiệp địa phương có thể thu lợi từ số tiền khách bỏ ra, nhưng phương châm của tôi luôn là ưu tiên con người hơn lợi nhuận", Slagle chia sẻ.
Theo Tippe Morlan (sống ở đảo Oahu, Hawaii), người dân cảm thấy lo lắng bởi nhiều khách du lịch hành xử rất kém, thường không đeo khẩu trang, không chấp hành cách ly bắt buộc, không thực hiện giãn cách xã hội.
“Ngành du lịch ở Hawaii tệ hơn những gì tôi tưởng. Tôi đã nhận ra điều này khi chứng kiến cách khách du lịch đối xử với bãi tắm ở khu nhà tôi”, Morlan cho hay.
Việc quảng bá Hawaii như một “địa đàng trần gian” và “lối thoát khỏi cuộc sống hàng ngày” trong thời kỳ đại dịch đã khiến nhiều người dân nhận ra sự độc hại của ngành du lịch nơi đây. Slagle và Kapahua thậm chí cho rằng ngành này đã có vấn đề từ rất lâu trước đó.
Hàng nghìn khách du lịch đổ tới Hawaii sau chương trình không bắt buộc cách ly nếu có kết quả xét nghiệm âm tính. Ảnh: USA Today. |
"Vaccine không chữa được sự thiếu hiểu biết"
Dryden Kūʻehuikapono Chien Tzin Seto-Myers (21 tuổi, sống tại đảo Oahu, Hawaii) cho biết nhiều khách du lịch chỉ biết tới Hawaii qua hình ảnh đã bị thương mại hóa với áo lót gáo dừa, váy hula và cocktail Mai Tai.
Trong khi đó, người Hawaii bản địa hiếm khi được hưởng lợi từ lĩnh vực du lịch. Họ thường phải làm các công việc dịch vụ được trả lương thấp hơn. Để chi trả phí sinh hoạt khá cao ở tiểu bang này, nhiều người phải làm hơn một công việc.
Tình trạng quá tải khách du lịch đã làm tổn hại đến các di tích lịch sử và phá vỡ hệ sinh thái mong manh.
Nhiều người Mỹ ở các bang khác đến thăm Hawaii mà không thực sự coi trọng việc tìm hiểu văn hóa, lịch sử của người dân nơi đây.
“Thật đáng buồn khi cả một nền văn hóa phức tạp như vậy đã bị gói gọn trong chiếc váy cỏ và áo lót gáo dừa", Slagle bày tỏ sự thất vọng.
Hình ảnh đặc trưng của Hawaii nhằm thu hút du khách. Ảnh: American Cultural Center. |
Seto-Myers, Kapahua và Slagle kêu gọi mọi người hãy ngừng du lịch đến Hawaii trong khi đại dịch đang diễn ra, dù đã tiêm phòng hay chưa.
"Tôi không hiểu tại sao mọi người lại đề cao quyền được đi lại của họ hơn mạng sống người khác", Seto-Myers bức xúc.
Theo New York Times, có 3 nhóm quan điểm chính ở Hawaii về ngành du lịch: nhóm theo chủ nghĩa tuyệt đối muốn ngừng hẳn ngành du lịch; nhóm thực tế tin rằng du lịch vẫn là nguồn lực chủ yếu của nền kinh tế; nhóm thỏa hiệp cho rằng du lịch nên tồn tại song hành với các lĩnh vực khác như nông nghiệp, bán lẻ, chăm sóc sức khỏe và văn hóa.
Kapahua muốn mọi người ngừng du lịch đến quê hương của anh. Nhìn vào tình trạng hiện tại, anh không tin sẽ có lối đi bền vững cho du lịch Hawaii. Seto-Meyers đồng ý nhưng cho rằng suy nghĩ của Kapahua còn thiếu thực tế.
Morlan mong muốn Hawaii không phải phụ thuộc quá nhiều vào du lịch, dù cô tin rằng ngành công nghiệp này vốn dĩ không tệ. Tuy nhiên, du khách cần phải thể hiện sự tôn trọng, tuân theo các quy tắc và hiểu được thái độ của cộng đồng người bản địa trước khi đặt vé.
Slagle nhấn mạnh rằng nếu có ý định đến thăm Hawaii sau đại dịch, hãy nghiên cứu và tìm hiểu về lịch sử của Hawaii.
“Vaccine không chữa được sự thiếu hiểu biết. Sự thiếu hiểu biết là một trong những mối đe dọa lớn nhất mà người dân Hawaii phải đối mặt trong xã hội ngày nay", Slagle khẳng định.