Hiện là giảng viên tại 4 trường đại học, sáng lập viên công ty huấn luyện kỹ năng và một trung tâm ngoại ngữ, khách mời tại nhiều hội thảo quốc tế… Nguyễn Trần Phi Yến (27 tuổi) luôn xuất hiện với nụ cười tràn đầy năng lượng.
“Giỏi giang, hiện đại, tự tin... Yến là gương mặt điển hình của cụm từ công dân toàn cầu”, tiến sĩ Đào Minh Hồng (trưởng khoa Quan hệ quốc tế, ĐH KHXH-NV, ĐH Quốc gia TP HCM) nhận xét về người đồng nghiệp của mình.
Nguyễn Trần Phi Yến tại Hội nghị lãnh đạo quốc tế 2015 của UNESCO (tổ chức tại Cape Town, Nam Phi). |
Không ngừng “thử lửa” bản thân
“Phi Yến hiện tại so với vài năm trước là hai hình ảnh hoàn toàn khác biệt”, Yến chia sẻ. Quay lại khoảng thời gian còn ngồi ghế trường phổ thông, Yến cho biết bản thân chỉ biết học. Khi đậu vào khoa quan hệ quốc tế, Yến có cơ hội tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa. “Như cá gặp nước, Yến “lột xác” và dần trở nên nổi bật”, tiến sĩ Hồng nhớ lại.
Khi vừa học xong năm thứ ba, biết được thông tin về một chương trình vừa học vừa làm tại Mỹ, Yến “liều mình” đăng ký tham gia. “Biết rằng sẽ vô cùng khó khăn để thuyết phục được gia đình bởi trong mắt mọi người thì tôi vẫn còn nhỏ và khờ lắm, và nếu đi thì phải tạm dừng việc học nên tôi đã rất cân nhắc về những điều được và mất, kế hoạch kiếm tiền “trả nợ” cho cha mẹ... và dùng PowerPoint để trình bày trước cha mẹ”, Yến cho biết.
Sáu tháng xoay mòng với cuộc sống tự lập, kiếm việc và làm việc... tại xứ người là khoảng thời gian Yến nếm trải đủ mọi cảm giác thăng trầm, thậm chí lấy đi nhiều nước mắt, nhưng Yến cho biết chưa bao giờ hối hận vì: “Trước hết, khi thấy tôi trở về an toàn, năng động hơn và “trả nợ” đúng như đã hứa thì cha mẹ thêm phần tin tưởng tôi. Cá nhân tôi hiểu rõ hơn những giới hạn của bản thân”.
Sau chương trình trên, Yến tiếp tục thử sức nộp đơn vào một số hội thảo, khóa học và trở thành đại diện VN tham dự các chương trình danh tiếng như: Diễn đàn lãnh đạo trẻ toàn cầu 2010 (do UNESCO tổ chức) tại Mỹ, Hội nghị lãnh đạo quốc tế 2015 (do UNESCO tổ chức) tại Nam Phi, học bổng khóa học quản lý tại ĐH Stanford (Hoa Kỳ)... Yến sau đó nhận bằng thạc sĩ tại ĐH Gloucestershire (Anh).
Sợ nhất là lãng phí thời gian
Sáng đi dạy và gặp đối tác, dẫn chương trình tại quận 1, trưa đi dạy tại Thủ Đức, tối đứng lớp ở Bình Dương... “Quay cuồng nhưng ngập tràn hạnh phúc vì tôi được làm những điều bản thân yêu thích. Cứ mỗi cuối tháng tôi sẽ tổng kết mình đã làm được những gì. Tôi sợ nhất là cảm giác những khoảnh khắc trôi qua mà không tạo được giá trị gì, không có gì để nhớ”, Yến giải thích về lịch làm việc kín đến từng phút.
Tuy vậy Yến cho biết bản thân cũng từng trải qua nhiều thất bại. “Đơn cử như việc ứng tuyển vào các hội nghị, diễn đàn quốc tế... thì số thư từ chối tôi nhận về rất nhiều. Nhưng mỗi lần bị từ chối tôi lại có cơ hội nhìn lại để hoàn thiện bản thân hơn nữa. Càng bị từ chối, tôi càng thấy mình “máu lửa” với con đường đang đi chứ không nản lòng. Tuy nhiên tôi thích dùng từ điều “đã làm được” và “chưa làm được” hơn là thất bại hay thành công”, Yến giải thích đầy lạc quan.
Về việc chọn tên Yến Việt Nam khi tham gia các trang mạng xã hội cũng như dùng tên này mỗi khi giới thiệu bản thân với bạn bè quốc tế, Yến lý giải: “Càng đi nhiều và càng tìm hiểu thì tôi càng thấy yêu nơi mình được sinh ra. Không thể phủ nhận đất nước chúng ta còn nhiều vấn đề cần cải thiện, nhưng ở đâu mà không có vấn đề?
Và ai sẽ góp phần giải quyết những chuyện trên nếu không phải chính người trẻ chúng ta? Cống hiến hết mình và sống tốt là đã góp phần nào dần thay đổi diện mạo đất nước. Cái tên Yến Việt Nam sẽ nhắc nhở tôi về những điều trên”.