Từ sau khi du học về 3-4 năm trước, tôi có thói quen luôn chào và cảm ơn những người lạ mình tiếp xúc, như thu ngân, phục vụ, cô lao công tại trường hay cô chú bán hàng rong. Miễn là khi tôi cần nói chuyện và cùng làm gì đó với họ, thì mở miệng luôn là câu chào và kết thúc bằng lời cảm ơn.
Ban đầu, tôi chỉ làm theo thói quen, vì tôi nghĩ người ta giúp mình làm cái này cái kia như tính tiền, bỏ đồ vào túi nylon, lấy cái chén đôi đũa… dù đúng là công việc họ phải thế, nhưng họ cũng đã tất bật làm hộ tôi thay vì đứng ở bàn khác.
Bạn bè đi cùng ban đầu cũng thấy lạ, bảo người lạ thì cũng thôi đi, sao tới bạn bè giúp nhau mấy cái lặt vặt như lau đũa lau bát, mày cũng cảm ơn. Thế nhưng vài lần sau đi cùng tôi, chính họ cũng bắt đầu cảm ơn phục vụ, thu ngân, xếp gọn chén đũa trên bàn lại trước khi rời đi, những hành động vốn dĩ trước đây họ không để ý tới.
Tôi cũng hay gom lại bao nylon để tái sử dụng. Ban đầu chỉ có tôi làm, sau đó mẹ cũng dần hành động tương tự. Rồi tôi hay ra rả anh trai chuyện bớt mua đồ không cần thiết, đỡ được xả rác, ô nhiễm vì dùng vài lần là vứt vì chán. Ông anh lúc đầu cũng càm ràm, nói tôi nghĩ quá, sau đó chính anh lại cản tôi tha đồ săn sale về nhà.
Hoặc như trước đây nhà tôi nuôi chó mèo kiểu “tự nhiên”, vứt lang bạt, bảo triệt sản là “tội”. Tôi kiên trì giải thích, cả nhà cũng bắt đầu nhớ lịch tiêm vaccine, nhắc tôi xổ giun cho thú cưng.
Nhiều lần như thế khiến tôi tin rằng khi bản thân sống tử tế, văn minh, tự khắc người xung quanh sẽ ảnh hưởng theo. Hồi đầu, tôi cũng có chút buồn và tủi thân vì nhận được những ánh mắt kỳ lạ, nhưng rồi kiên trì thì dần mọi người cũng sẽ thấy đó là điều đương nhiên, nên làm và chấp nhận nó.
Đối với tôi, cố gắng sống vui vẻ, tử tế thì vui 1, nhưng có thể truyền cảm hứng cho mọi người xung quanh làm điều giống mình, cùng tiến bộ thì niềm vui đó nhân lên gấp 10.
(Ton Ton, Đà Nẵng)