Chủ quán cà phê trên đường Thanh Niên (Hà Nội) có những lý do đặc biệt khi quyết định đầu tư vào lĩnh vực F&B. Một trong số đó là niềm đam mê với căn biệt thự kề bên từ bé.
Không có nhiều tài liệu về căn biệt thự số 9 đường Thanh Niên để bạn tìm kiếm. Tuy nhiên, anh Nguyễn Mạnh Cường, 42 tuổi, chủ quán IONAH Coffee, lại biết đủ thứ về nó. Từ người chủ trước, cách xây dựng, những viên gạch đặc biệt ra sao... anh đều nắm cả.
Anh Cường không phải người nghiên cứu lịch sử. Người đàn ông ấy đơn giản chỉ là một chủ quán cà phê nhỏ xinh, có tình yêu kéo dài hàng chục năm với tòa biệt thự cổ bên cạnh.
Một chút duyên
Trước khi mở quán cà phê, anh Cường làm quản lý một hệ thống trường mẫu giáo, tiểu học. Tuy nhiên, đại dịch khiến việc đi học của học sinh thủ đô bị đình trệ suốt thời gian dài, đặc biệt là những cấp dưới như mẫu giáo, tiểu học.
Khó khăn trong công việc chính, vợ anh (cũng làm trong ngành giáo dục) suy nghĩ về việc mở một quán cà phê. Cả hai đều tự nhận mình dường như hơi "quá lứa" để dấn thân vào thị trường F&B sôi động hiện nay. Vì thế, khi nghe vợ đề cập đến vấn đề này, anh Cường cũng không dám mạnh dạn gật đầu.
Một góc tòa biệt thự nhìn từ sân thượng của quán. Ảnh: Anh Tú. |
Một thời gian sau, cả hai đi đến thống nhất là sẽ mở. Nhưng mọi thứ dường như thích làm khó anh.
"Tôi đã tìm hiểu rất nhiều nơi trước đó nhưng duyên chưa đến thì phải. Có bên chốt xong xuôi, chiều tôi chuẩn bị đặt cọc thì họ báo cho người khác thuê rồi. Và một hôm, khi đi lang thang từ Nguyễn Đình Thi ra, tôi bất giác nhìn về phía tòa biệt thự hồi bé mình từng yêu thích.
Thực ra, từ xưa, tôi đã thích ngắm nhìn tòa biệt thự này rồi. Hôm đấy, may rủi thế nào, ngôi nhà phía trước (quán cà phê bây giờ) có treo biển cho thuê. Chỉ mất 3 giờ bàn bạc, nói chuyện, tôi đã chốt xong. Dường như nơi này đang vẫy gọi tôi", anh Cường nói.
Ký ức
Trong ký ức của anh Cường, tòa biệt thự này là một trong 3 điểm anh thích nhất hồi còn bé. 2 điểm còn lại là hồ Hoàn Kiếm và một tiệm ảnh đoạn giao Hàng Bông với Phùng Hưng nhưng giờ không nhớ tên nữa.
Tòa biệt thự khi xưa trông bề thế hơn do chưa bị các công trình khác che khuất. Ảnh: Anh Tú. |
Riêng tòa biệt thự cổ, ký ức vẫn khá rõ ràng. Anh kể khi xưa hay đi từ nhà ở Giảng Võ lên khu vực đường Thanh Niên. Lúc ấy, các cô nữ sinh còn hay mặc áo dài trắng, đi xe đạp. Họ thường dựng xe, chụp ảnh ở đền Quán Thánh, ngay gần tòa biệt thự.
Trong trí nhớ của anh, tòa biệt thự khi xưa đẹp hơn bây giờ. Thời gian khiến nhiều công trình mọc lên, che đi cái vẻ bề thế ban đầu của nó.
"Xưa, cái chỗ quán cà phê bây giờ là bờ tường. Tòa biệt thự đứng một mình ở đường này, chẳng có nhà cửa nào che khuất, trông cô đơn lắm. Nhưng có lẽ như thế người ta mới thấy hết cái đẹp của nó.
Tôi thích cách người ta thiết kế tòa biệt thự này. Từ phần mái chóp làm kết cấu ngôi nhà mang đậm kiến trúc Pháp hơn, giống trường Sư phạm Đà Lạt (Lâm Đồng). Màu đỏ của gạch ở đây cũng là tự nhiên, do gạch xuống màu chứ không phải sơn...", anh chia sẻ.
Yêu "đứa con tinh thần"
Chủ quán tâm sự nếu nói mình mở quán chỉ vì tình yêu thuở nhỏ với tòa biệt thự có lẽ sẽ không đúng hẳn. Bởi kinh doanh không phải câu chuyện đơn giản như thế. Tuy nhiên, tòa biệt thự chắc chắn là một trong những lý do quan trọng nhất thôi thúc anh mở quán ở đây.
Từ tình yêu với tòa biệt thự cổ, anh thấy yêu quán cà phê nhỏ của mình hơn. Nhiều lúc, anh ngẫm thấy mình sáng suốt khi chốt được "kèo" này. Trước mặt quán là công viên, hồ Tây, sau lưng lại dựa vào tòa biệt thự cũ. Anh gọi đó là cái thế đẹp, ngồi thấy thoải mái cả người.
"Nói gì thì nói, tôi vẫn có chủ định quán cà phê phải gắn với tòa biệt thự ấy. Ban đầu, bác chủ nhà chỉ cho thuê một nửa quán bây giờ thôi. Nhưng tôi muốn có sân thượng để mình cũng như khách hàng có thể nhìn trực diện tòa biệt thự phía sau. Vì thế, tôi cũng xin bác chủ nhà cho thuê nốt nửa này để quán trông như bây giờ", anh nói.
Mắt hướng ra hồ, lưng dựa tòa biệt thự là điều anh Cường thích nhất ở quán mình. Ảnh: IONAH Coffee. |
Việc chen chân vào thị trường F&B ở Hà Nội vốn không dễ, đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh hoành hành như lúc này. Bản thân anh Cường cũng nếm đủ thứ trớ trêu trong mùa dịch khi mới mở quán được ít lâu.
Bắt đầu sửa chữa từ tháng 5, anh dự kiến tháng 7 sẽ bắt đầu hoạt động. Dù vậy, tình hình dịch khiến quán phải tới đúng 10/10 vừa rồi mới đón những vị khách ngồi tại chỗ đầu tiên. Trước đó, quán chỉ có thể bán mang về và khách hàng cũng chẳng mấy ai biết tới tòa biệt thự đã "lấy mất" trái tim của ông chủ ở phía sau.
Khó khăn là điều đã được dự báo từ trước. Tuy nhiên, chủ quán nói mình muốn gắn bó lâu dài với nơi đây. Bởi đơn giản khi làm việc gì xuất phát từ cái tâm hay tình yêu, từ bỏ chưa bao giờ là điều dễ dàng.