Trong mắt tôi, cảnh vật, con người và văn hóa Ấn Độ đều đẹp. |
"Biết Ấn Độ thiếu an toàn nhưng vẫn đi", "phụ nữ dám đi một mình cũng gan dạ", "đi Ấn Độ không khéo bị quấy rối", "quá liều lĩnh và bất chấp"… là những câu nói tôi nhận được khi chia sẻ về lần đầu du lịch Ấn Độ một mình.
Trong mắt nhiều người, Ấn Độ được khắc họa với hình ảnh đường xá hỗn loạn, tệ nạn và đầy phong tục kỳ quặc. Đây là lý do tôi chưa từng nghĩ mình sẽ đặt chân đến quốc gia này.
Trước khi đi, tôi chuẩn bị tâm lý rất kĩ, đặt ra quy định không đi đêm một mình và không đến nơi vắng vẻ. Thú thật, tôi không hy vọng một chuyến đi rực rỡ, nhưng những điều tôi nhận lại từ Ấn Độ vượt xa mong đợi. Khung cảnh nơi đây thanh bình, người dân thiện lành và chào đón tôi như người con đi xa trở về.
Tôi là Mạc Hoàng Y Linh, hay còn được gọi với cái tên Linh Sep GO (33 tuổi, sống tại Đà Nẵng), hiện làm sáng tạo nội dung mảng du lịch và kinh doanh thời trang. Trong hành trình chinh phục 19 quốc gia, tôi có 30 ngày trọn vẹn ở Ấn Độ.
Cảnh vật và con người thiện lành
Ấn Độ là chuyến đi dài ngày nhất của tôi. Quốc gia này có nhiều điểm đến mới, thôi thúc đôi chân "cuồng đi" của tôi đến khám phá.
Trong 30 ngày, tôi đi qua 9 thành phố, gồm Mumbai, Kochi, Alleppey, Varkala, Kolkata, Darjeeling, Haridwar, Jaipu, Ahmedabad. Cùng với đó là huyện Kutch, tiểu bang Goa, thủ đô New Delhi và Leh Ladakh - khu vực phía bắc Ấn Độ.
Người dân Ấn Độ rất hiếu khách, họ mời tôi chụp ảnh và sẵn sàng dẫn tôi đi khám phá. |
Khác với sự đông đúc đến choáng ngợp của các thành phố trung tâm, Kochi hiền hòa một cách kỳ lạ. Kiến trúc phát triển nhưng không mất đi vẻ cổ kính vốn có. Khi biết tôi đến từ Việt Nam, người dân tỏ ra hào hứng. Họ kể tôi nghe những câu chuyện thường nhật, dắt tôi đi thăm làng và nựng má như con cháu trong nhà.
Rời Kochi, tôi mở ra cái nhìn mới về thiên nhiên của Ấn Độ khi đến Leh Ladakh. Ngồi máy bay từ thủ đô New Delhi, tôi như vỡ òa khi những dãy núi tuyết trắng xóa, mây vờn quanh chóp dần hiện ra. Dưới chân núi, những con đường chạy xuyên qua các bản làng.
Tôi đến thăm nhà một người dân, họ sống gói ghém đến mức nấu ăn, tiếp khách và nghỉ ngơi chỉ trong một căn phòng. Đổi lại là sự gắn kết khi các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau. Tôi không thích sự thịnh vượng hay nhộp nhịp của thành phố trung tâm, những vùng đất yên bình và con người hiếu khách mới là điều làm tôi thổn thức.
Kochi và Leh Ladakh giúp tôi thay đổi cái nhìn về Ấn Độ. |
Nhờ một người bản địa, tôi có dịp đi sâu vào đền thờ của đạo Hindu. Sự tín ngưỡng của người dân dành cho các vị thần rất cao. Từ già đến trẻ đều mặc saree truyền thống, nhảy múa trong lễ hội và quỳ lạy vị guru (đạo sư Hindu). Thực hiện theo họ từng động tác, tôi càng cảm nhận rõ sự linh thiêng và bí ẩn.
Ở Ấn Độ, bò được tôn thờ như những vị thần. Khi đến làng Gumatapura ở phía nam, tôi sửng sốt trước lễ hội phân bò thường niên. Người dân hưởng ứng bằng cách ném và tắm phân để đánh dấu sự kết thúc của Diwali - lễ hội Hindu quan trọng nhất.
Ấn Độ có đến hàng trăm lễ hội trong một năm. |
Những ngày ở Jabur - thành phố nổi tiếng với những dãy nhà màu hồng - tôi may mắn được dự sinh nhật của bang Rajasthan, nhưng cũng là trải nghiệm thót tim. Lượng người tham dự đổ về đông khủng khiếp, chen chúc nhau không một khoảng cách, thậm chí có người phải trồi lên, hô hét để hít thở. Tôi sợ hãi tột độ khi kẹt giữa đám đông và thở phào sau khi nỗ lực thoát ra.
Tôi ví 30 ngày rong ruổi ở Ấn Độ như một "quyển sách", mỗi điểm đến mở ra một trang mới, đưa tôi đến vùng đất khác lạ. Nếu thành phố Mumbai sầm uất và có chút xáo trộn, thành phố Kochi và Alleppey lại trầm lắng và yên bình.
Ẩm thực là trăn trở lớn
Ẩm thực Ấn Độ chưa bao giờ là dễ dàng với tôi. Đa số món ăn hầm nhừ trong chiếc nồi to, nhiều gia vị và khá mặn. Nhìn cách họ chế biến, tôi không yên tâm. Suốt một tháng, lá cà ri và masala nồng mùi, có mặt trong mọi món ăn khiến tôi ám ảnh, dù cố gắng thử nhiều lần.
Khám phá ẩm thực là trải nghiệm nên có khi đến vùng đất mới, nhưng tôi khó làm điều này ở Ấn Độ. Trong ảnh là pani puri - loại bánh rỗng ruột - bán ở đường phố. |
Tôi không tài nào ăn được món Ấn Độ được bày bán ở các thành phố trung tâm. Cách tốt nhất là mua nguyên liệu từ chợ địa phương và tự nấu tại khách sạn. Nếu không đủ thời gian, tôi sẽ chọn thức ăn nhanh của các thương hiệu.
Trái lại, món ăn ở các thành phố như Kochi, Kolkata hay tiểu bang Goa lại có điểm tương đồng với Việt Nam, từ phần nhìn đến hương vị đều ổn. Dễ ăn nhất là dosa. Loại bánh này làm từ bột gạo và đậu lăng, cuộn lấy nấm và rau củ, ăn kèm tương ớt đỏ và cốt dừa. Ngoài ra, các món như salad, kem, cơm dừa, roti (bánh mì dẹt), bánh kẹp trứng… cũng tương đối hợp vị.
Trà sữa Ấn Độ, thường gọi với cái tên "chai", cũng rất đáng thử. Người bán ủ trà cùng thảo mộc trong vợt vải, cuối cùng chắt vào ly sữa trâu. Loại trà sữa này uống nóng, hương thơm dễ chịu, lạ miệng nhưng không quá ngọt.
Các loại bánh mì dẹt gần như món chính của tôi trong những ngày ở Ấn Độ. |
Điều tôi lo lắng nhất khi thưởng thức ẩm thực Ấn Độ là đường tiêu hóa. Các món ăn đều không có rau và lượng tinh bột cao, kết quả tôi bị táo bón nhiều ngày. Chưa kể, cơm của Ấn Độ được xào với dầu và bơ nên lượng chất béo cũng không ít. May là tôi dự phòng trước các loại thuốc cần thiết.
Để tận hưởng bữa ăn, tất cả người dân đều bốc bằng tay, tôi chưa thể thích nghi, cũng không đủ can đảm nhìn họ ăn. Theo quan niệm tâm linh của Ấn Độ, 5 ngón tay đại diện cho không gian, không khí, lửa, nước và đất. Kết hợp các yếu tố này giúp người ăn ngon miệng hơn.
Dù Ấn Độ có nhiều điều kỳ lạ, nhưng tìm hiểu kĩ, tôi lại những nét văn hóa truyền thống này đẹp và ý nghĩa.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.