Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Tôi nên hủy vé hay cố về quê ăn Tết?’

Háo hức đặt vé, chuẩn bị về quê ăn Tết Nguyên đán, nhiều người con xa xứ lâm vào thế khó khi dịch Covid-19 bất ngờ bùng phát trở lại.

Cách đây một tháng, mẹ và hai em của Phương Thảo (22 tuổi, TP.HCM) đã đặt vé máy bay khứ hồi về quê ngoại ở Quảng Nam, khởi hành ngày 7/2. Bà ngoại đã mất, năm ngoái, gia đình Thảo không thể thăm ông ngoại nên định Tết này về quây quần để ông bớt cô đơn.

Tuy nhiên, mấy ngày nay, mẹ Thảo như ngồi trên đống lửa khi liên tục nghe tin về các ca nhiễm SARS-CoV-2 mới.

"Nếu di chuyển đi về rồi lỡ liên quan đến vùng dịch thì không chỉ sợ ảnh hưởng sức khỏe bản thân, người xung quanh mà mẹ mình còn phải ngưng hết công việc do làm kinh doanh truyền thống, không thể quản lý online. Mẹ mình đang liên hệ xem có thể hồi vé không", Thảo nói.

Không chỉ gia đình Thảo, nhiều người xa quê cũng đang trong tình cảnh tương tự, thấp thỏm trước khả năng không thể cùng người thân đón năm mới.

Bồn chồn không yên

“Vé xe đã mua từ lâu, định về Hà Tĩnh vào tối 27 Tết (8/2) nhưng tình hình dịch bệnh khó lường quá, mình đang không biết phải làm sao”, Hà Hường (sinh năm 1992) nói với Zing về kế hoạch nghỉ Tết năm nay.

Hường học tập, làm việc tại Hà Nội đã nhiều năm nay. Từ khi đi làm, cô đều để dành ngày nghỉ phép trong năm, thêm đầu thêm đuôi để được về quê ăn Tết khoảng 2 tuần cho “đã”.

Tháng 8 năm ngoái, cô kết hôn với bạn trai cùng quê, cách nhà hơn 40 km. Hai vợ chồng dự định cùng về quê ăn Tết bên nội sau đó qua nhà ngoại, rồi mùng 8 Tết (19/2) trở lại thủ đô.

Dịch Covid-19 bất ngờ bùng phát trở lại vào những ngày cận Tết. Nhiều địa phương, trong đó có thủ đô Hà Nội ghi nhận trường hợp nhiễm bệnh. Càng theo dõi tình hình những ngày qua, cô càng phân vân, không biết nên về hay ở.

huy ve ve que an tet anh 1

Nhiều người dân tại các vùng chưa xuất hiện ca mắc Covid-19 tranh thủ về quê sớm. Ảnh: Duy Hiệu.

“Mình cập nhật tin tức liên tục qua các phương tiện truyền thông, đến hôm nay vẫn chưa quyết được. Lỡ về mà đi cùng xe có F1, F2 thì lại ảnh hưởng gia đình, hàng xóm; ở lại thì vừa buồn, vừa tiếc vì làm lụng cả năm mới có một dịp sum vầy bên người thân”, Hường bày tỏ.

Hường nói nếu Hà Nội và các tỉnh lân cận có thêm nhiều ca mắc Covid-19, cô và chồng sẽ ở yên tại chỗ để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và mọi người xung quanh. Nếu tình hình nhanh chóng được kiểm soát trong những ngày tới và không có lệnh cấm đi lại, cô vẫn về quê theo kế hoạch.

“Tất nhiên không về quê được thì cũng tiếc nhưng giữa tình hình hiện nay, sức khỏe vẫn là điều quan trọng nhất. Nếu ở lại, mình sẽ mua ít bánh chưng, mứt kẹo cho có không khí rồi chúc Tết mọi người qua gọi video, đợi kỳ nghỉ khác về quê cũng chưa muộn”.

Hụt hẫng

Đã mua vé tàu, chuẩn bị đầy đủ để về đón Tết cùng gia đình từ cách đây gần một tháng, Nguyễn Nam (26 tuổi, Nghệ An) sốc khi biết tin mình là F3 - liên quan đến một trường hợp là F1 ở Cầu Diễn (Hà Nội).

Chia sẻ với Zing, Nam cho hay anh hiện phải cách ly một mình tại nhà riêng ở Hà Nội cho đến ngày 14/2 (tức mùng 3 Tết).

“Mình không quá lo lắng cho bản thân, trong nhà cũng có đủ đồ ăn, đồ dùng cần thiết nên sẽ không gặp khó khăn trong sinh hoạt. Mình chỉ hụt hẫng khi cận kề ngày được đoàn tụ gia đình, lại bất ngờ phải ở lại”.

Lướt mạng xã hội, nhìn nhiều bạn bè, người quen chia sẻ ảnh về nhà, anh không khỏi chạnh lòng.

“Đúng là trải nghiệm để đời và không muốn lặp lại. Cả năm đi làm xa nhà thì không sao, nhưng cuối năm là lúc ở nhà có bố mẹ đang trông ngóng thì mình phải ở lại, thấy buồn hơn cả lúc chia tay người yêu”.

huy ve ve que an tet anh 2

Lo sợ dịch diễn biến phức tạp, nhiều người rời thành phố lớn về quê trước thời gian dự định. Ảnh: Duy Hiệu.

Tuy nhiên, Nam cũng cho rằng việc phòng, chống dịch là quan trọng, cần đặt lên hàng đầu, không thể vì mong muốn cá nhân mà ảnh hưởng đến lợi ích chung của cộng đồng.

Nam nói đang tìm người để nhượng lại vé tàu hỏa, khởi hành ngày 6/2 (25/12 âm lịch) đã mua trước đó. Tuy nhiên vì thời gian này nhiều người cũng chọn về sớm hoặc ở lại đón Tết tại Hà Nội nên không dễ để có người mua lại vé.

Do ảnh hưởng từ dịch bệnh, trong thời gian gần đây công việc của Nam cũng không ổn định. Anh dự định kết thúc thời gian tự cách ly, nếu tình hình dịch được kiểm soát trở lại sẽ về quê một thời gian.

'Tôi hủy tiệc tất niên để phòng dịch'

Dịch Covid-19 bùng phát trở lại vào những ngày tụ họp cuối năm, nhiều người sẵn sàng lỡ hẹn với đồng nghiệp, bạn bè để ưu tiên phòng, chống dịch.

Ánh Hoàng - Đào Phương

Bạn có thể quan tâm