Đối với nền văn hóa Á Đông, ngoại tình là tội rất nặng. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, ngay từ năm 1042, vua Lý Thánh Tông đã xuống chiếu rằng "kẻ nào ban đêm vào nhà gian dâm vợ cả, vợ lẽ người ta, người chủ đánh chết, ngay lúc bấy giờ thì không bị tội".
Quy định nghiêm minh của luật pháp
Đến thời Hậu Lê, ngoại tình tùy theo mức độ nặng nhẹ, đối tượng và các trường hợp cụ thể có hình thức xử phạt khác nhau. Nặng nhất là bị xử tội chết, bị đánh bằng trượng, bắt làm nô tì, bị đi đày, bắt làm lính, làm kẻ chăn voi, đi làm lao dịch, bị thích chữ vào mặt và có thể có kèm theo hình phạt tiền.
Theo sách Việt sử những bất ngờ lý thú, kể từ đời Lê Thánh Tông cho đến các đời vua sau đó đều lần lượt ban bố, bổ sung thêm một số điều khoản, luật lệnh liên quan đến việc phân định mức độ và hướng xử lý khác nhau về ngoại tình.
Sách Hồng Đức thiện chính thư chép rằng năm 1476, vua Lê Thánh Tông ban bố các quy định về hộ hôn, nghiêm cấm đàn bà ngoại tình bởi “người đàn bà ngoại tình là phạm vào điều luật, trái với luân thường đạo lý".
Luật Hồng Đức có nhiều điều khoản quy định xử phạt tội ngoại tình. Ảnh: Tư liệu. |
Cũng trong năm ấy, có thêm các điều răn cấm: "Nếu là thông dâm thì phạt đánh 80 trượng. Có chồng mà thông dâm thì phạt đánh 90 trượng; dụ dỗ, tán tỉnh người khác thông dâm, phạt đánh 100 trượng, lưu đày 3000 dặm...
Trường hợp cưỡng dâm thì đàn bà, con gái không bị xử tội. Những kẻ môi giới, chứa chấp làm nơi thông dâm, đều bị xử tội giảm một bậc so với kẻ phạm tội thông dâm. Nếu thỏa thuận riêng với kẻ thông dâm thì cũng bị xử tội, giảm một bậc.
Sau đó, triều đình tiếp tục có quy định thêm "Con trai con gái đồng tình thông dâm thì phạt đánh 50 roi, con gái đưa vào nhà quan làm nô tì, con trai xử đồ làm chủng điền binh hoặc làm quân ở phủ Hoài Nhân. Thông dâm với vợ người khác bị phạt đánh 100 trượng, thích tám chữ vào mặt, đầy đi châu xa.
Đang có tang mà dụ dỗ gian díu thì xử vào tội thông dâm, nếu là thông dâm thì tội cũng thế... Ở trọ nhà người ta mà gạ gẫm thông dâm với con gái nhà chủ thì xử tội đồ làm chủng điền binh hoặc sung vào làm quân bản phủ... Thông dâm với con gái vợ kế thì xử tử hình. Tự tiện đến nhà người ta gạ gẫm thông dâm thì phạt đánh 80 trượng, xử tội đồ".
Đàn bà phản bội chồng bị tội nặng
Lê Thánh Tông còn có lệnh "cấm đàn bà phản bội chồng, đàn ông gian dâm với vợ người khác". Nếu "phản bội chồng trốn cha mẹ mà cải giá thì cha mẹ bị phạt đánh 80 trượng, người đàn bà đó bị sung làm Thung thất phụ. Gian dâm với vợ người thì bị xử lưu hoặc tử hình.
Nếu gian dâm với vợ lẽ thì giảm một bậc. Người quyền quý thì xử theo luật khác. Muốn gian dâm nhưng chưa thành thì đầy đi châu gần, nếu gian dâm với người đàn bà góa thì xử tội đồ làm chủng điền binh".
Điều 401 luật Hồng Đức quy định "Gian dâm với vợ người khác thì xử tội lưu hay tội chết, với vợ lẽ người khác thì giảm tội một bậc, với người quyền quý thì sẽ xử cách khác; kẻ phạm tội đều phải nộp tiền tạ tội theo luật Vợ cả, vợ lẽ phạm tội đều xử tội lưu, điền sản trả lại cho người chồng. Nếu là vợ chưa cưới thì đôi bên đều được giảm một bậc".
Lê Thánh Tông - vị vua nổi tiếng anh minh. Ảnh: NXB trẻ. |
Nếu “thông gian với vợ người thì bị xử phạt 60 trượng, biếm hai tư, bắt nộp tiền tạ nhiều ít theo bậc cao thấp của người đàn bà, nếu sang hèn cách nhau xa thì lại xử khác". Trường hợp mà "gian dâm trong cung cấm thì bị xử tội chém. Kẻ đang có tang cha, mẹ hay tang chồng mà gian dâm cũng bị xử tội chém.
Nếu quan chức lợi dụng việc xử lý các án tụng để thỏa mãn lòng dục của mình cũng bị phạt rất nặng.
Theo điều 409 "ngục quan và ngục lại, ngục tốt gian dâm với những đàn bà, con gái có việc kiện tụng thì xử tội nặng hơn tội gian dâm thường một bậc. Đàn bà, con gái mà thuận tình thì giảm tội ba bậc, bị hiếp thì không xử tội".
Trường hợp người phạm tội thuộc địa vị xã hội khác nhau thì mức xử lý cũng khác nhau. Đầy tớ gian dâm với vợ, con gái, con dâu của chủ nhà thì bị xử tội chém, điền sản của phạm nhân phải tịch thu trả cho chủ; gian dâm với đàn bà, con gái họ hàng thân thuộc của chủ, với vợ con người cơ thân của chủ, cũng đều bị tội như thế. Người làm thuê hay người tá điền mà phạm tội thì cũng phải xử tội như thế. Đàn bà, con gái đều bị xử tội lưu.
Lê Thánh Tông (1442 - 1497) tên thật là Tư Thành, ông là vị vua thứ 5 của nhà Hậu Lê, trị vì đất nước trong hơn 37 năm (1460 - 1497), được đánh giá là vị vua vĩ đại nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.
Với tài năng nổi bật về kinh bang tế thế của mình, ông đã xây dựng được một đất nước phát triển đến độ cực thịnh, từ kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, quân sự và mở rộng lãnh thổ.
Những thành tựu về nội trị và đối ngoại của Lê Thánh Tông đã đưa Đại Việt trở thành cường quốc trong khu vực Đông Nam Á. Thời kỳ này được gọi là Hồng Đức thịnh trị.