Có thể kể ra như vụ cắt cổ người tình cũ trong ôtô, vụ Nguyễn Đức Nghĩa sát hại người yêu cũ... Gần đây nhất là vụ án thảm sát 6 người ở Bình Phước...
Lý giải về hành vi của những trường hợp này, tiến sĩ Lê Nguyên Thanh - Trưởng bộ môn tội phạm học, khoa luật hình sự Trường đại học Luật TP HCM phân tích:
- Một số nghiên cứu hoặc lời đồn dân gian cho rằng đối với những người tử tế như vậy thường do “ma xui quỷ khiến” gì đó, hoặc họ thường dựa vào những yếu tố siêu nhiên duy tâm khiến những người đó không làm chủ được hành vi.
Tuy nhiên, tôi không cho là như vậy. Trong bản thân mỗi con người đều có sẵn những điều không vừa lòng, chút lòng đố kỵ, chút bực tức hoặc thậm chí ích kỷ đối với một người nào đó, một vấn đề nào đó ở xung quanh mình. Nó cũng đơn giản như con người ta luôn có sẵn cái tốt, cái xấu trong mỗi người vậy.
TS Lê Nguyên Thanh. |
Tuy cùng có sẵn những điều đó trong suy nghĩ, nhưng có người bộc lộ ra, có người cất kín, có người tự tìm cách hóa giải bằng những việc khác, nhưng đặc biệt lại có người biến nó thành hành động với những nỗi uất hận, giận hờn đố kỵ ghen ghét, tham lam lâu ngày bùng phát.
Việc tích tụ lại những nỗi giận hờn ấy khiến người ta suy tính cách trả thù và bùng phát ra những vụ án như vậy.
Lý do xảy ra những vụ thảm sát hoặc giết người cướp tài sản do những người phạm tội lần đầu, có nhân thân tốt thực hiện đều tìm cách bịt đầu mối hoặc chuẩn bị hiện trường giả để đánh lừa cơ quan điều tra và hướng dư luận.
Tuy nhiên, trong tất cả những vụ giết người thường để lại rất nhiều dấu vết, càng tìm cách xóa dấu vết càng lộ ra dấu vết. Bởi vậy, những vụ trọng án xảy ra ở Việt Nam không sớm thì muộn cơ quan điều tra cũng tìm ra hung thủ.
Nhưng nguy hiểm ở chỗ, để che giấu hành vi của mình, những người này thường gây thêm nhiều tội ác khác, những hành vi man rợ khác dẫn đến hậu quả của vụ việc thật nặng nề, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý chung của xã hội.
- Thật ra rất nhiều vụ án giữa hung thủ và nạn nhân có mối quan hệ quen biết, người ta chỉ có thể đề phòng với người lạ, chứ ai đề phòng người quen, người thân bao giờ?
- Trong nhiều vụ trọng án liên quan đến xâm phạm tính mạng, tài sản, phần lớn do người quen thực hiện, cũng xuất phát từ sự ghen ghét đố kỵ, tham lam ích kỷ của mỗi người mà ra.
Đương nhiên, khi hung thủ là người quen thì nạn nhân dù có cẩn trọng bao nhiêu cũng rất khó. Vì nếu phải đề phòng tất cả người quen thì còn ai để mà tin tưởng?
Bởi vậy lợi dụng mối quan hệ quen biết này, thậm chí đôi khi nạn nhân còn vô tình tiếp tay cho hung thủ để gây hại cho chính mình và người thân.
Tuy nhiên, nói thế không phải là không thể đề phòng những rủi ro của tội ác, đó là biết ngụy trang và có những biện pháp đề phòng để mình và tài sản được an toàn.
Tôi nhớ trước đây có vụ bà lão sống độc thân ở Đà Lạt, đến khi bà qua đời, người ta mới phát hiện số tiền rất lớn bà để dành. Tuy nhiên, ngoài đời bà sinh hoạt giống như một người nghèo khó nên không bao giờ trở thành đích nhắm của trộm cướp.
Bởi thật ra những người đơn thân, gia đình giàu có thường là đích nhắm của tội phạm. Vì vậy họ phải che giấu đi những gì mình có, hoặc phải có biện pháp bảo vệ hữu hiệu và an toàn cho tính mạng và tài sản của mình.
Tất nhiên, các nhà làm luật, chuyên gia hay chính quyền không thể nào đưa ra đầy đủ khuyến cáo đối với người dân để đề phòng triệt để tội phạm, bởi ở bất kể xã hội nào, dù tiến bộ đến đâu cũng có tội phạm, thậm chí xã hội phát triển càng cao, càng hiện đại thì hành vi phạm tội càng nguy hiểm và càng khó lý giải.
Giống như Mỹ cũng vẫn xảy ra những vụ thảm sát khiến nhiều người thiệt mạng. Trong những vụ án như thế, phân tích nguyên nhân phạm tội của hung thủ chỉ là một điều kiện của tội phạm chứ không phải là tất cả. Nó là tổng hòa của nhiều lý do, nhiều điều kiện khác nhau. Chuyện có học hay không có học không phải là điều kiện tiên quyết để loại trừ hành vi phạm tội.
- Có nhân thân tốt, có học thức và không phải bị dồn vào đường cùng, bị bế tắc nhưng tội phạm này ngày càng nhiều, theo ông vì sao vậy?
- Tôi nghĩ có lẽ họ cô đơn và không có người chia sẻ. Thực tế, mạng xã hội phát triển, khoa học phát triển khiến con người sống cô độc hơn.
Tôi đã chứng kiến những gia đình thường không có thời gian ngồi với nhau lấy 30 phút, mà nếu có ngồi cùng thì mỗi người mỗi việc. Mẹ coi tivi, bố ôm máy tính, con thì chúi mũi vào smartphone.
Họ không tâm sự và chia sẻ với nhau những khó khăn hoặc những vướng mắc trong cuộc sống, thậm chí cả những thứ mà họ cho rằng đó là sự tự ái của bản thân. Khi những nỗi buồn này tích tụ lại lâu ngày thì hình thành nên việc muốn giải quyết theo hướng tiêu cực.
Trong những tình huống cụ thể như những vụ án đã xảy ra, ví như cậu bé giết bạn ném xuống sông rồi tống tiền, tại phiên tòa cậu ta cho rằng bởi bị mất xe máy và máy tính, nhưng thay vì nói với gia đình hoặc người thân để tìm hướng giải quyết thì cậu ta lại nhắm vào số tài sản mà mẹ của cậu bạn thân có.
Từ đó lên kế hoạch bắt cóc, rồi giết người, rồi tống tiền gia đình. Nếu cậu ta chia sẻ với gia đình, có thể đã giải quyết được vụ việc.
Hay vụ thảm sát ở Bình Phước mà bước đầu cơ quan điều tra cho rằng đó là do hận tình, nếu nghi phạm Nguyễn Hải Dương có người chia sẻ về nỗi buồn này, nếu cậu ấy không quá hi vọng vào một tương lai tươi đẹp mà không phải do bàn tay mình tạo ra thì đã không thể xảy ra sự thù hận lớn đến thế.
Chúng ta thiếu giáo dục nhân cách cho trẻ
- Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư TP Hà Nội): Tôi vừa nhận bảo vệ cho một bị can là nữ, sinh năm 2000, ngoại hình bé tí tẹo nhưng phạm tội giết người với hành vi khó ai tưởng tượng được.
Nhiều vụ án các cháu trong độ tuổi vị thành niên nhưng lại có hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Không những tội phạm hình sự mà các loại tội phạm khác cũng có xu hướng trẻ hóa.
Ông Nguyễn Anh Thơm. |
Bây giờ các phương tiện truyền thông đại chúng phát triển, bất kể việc gì người ta cũng đưa lên mặt báo. Bức tranh xã hội bỗng trở nên u ám, nặng nề và điều này cũng có tác động nhất định đến giới trẻ - là độ tuổi rất hay vào mạng.
- Từng tham gia bảo vệ cho rất nhiều bị can/bị cáo tuổi đời còn rất trẻ, dưới góc độ tâm lý tội phạm, nhiều bị can/bị cáo có lường trước được hậu quả từ hành vi của mình không, thưa ông?
- Khi nhận lời bảo vệ cho bị can/bị cáo, quá trình làm việc, tiếp xúc với các bị can/bị cáo ở trại giam và ở phiên tòa, tôi thường đặt câu hỏi rằng khi phạm tội có nghĩ đến hậu quả xảy ra đối với bản thân, gia đình và bị hại không?
Và câu trả lời đa số tôi nhận được là khi phạm tội, họ thường không nghĩ đến hậu quả. Các bị can, bị cáo không nghĩ rằng nếu làm cái này sẽ bị trừng phạt, ta nên dừng lại.
Họ cũng không nghĩ rằng nếu giết người, cướp của sẽ bị tử hình mà không giết người nữa. Khi giận, họ còn nghĩ cứ hành động cho thỏa cơn giận rồi sau này hậu quả thế nào cũng được.
- Theo như ông nói, phải chăng pháp luật không có tác dụng răn đe với tội phạm?
- Pháp luật có tác dụng răn đe nhưng chỉ pháp luật thôi thì chưa đủ. Đa số phạm tội rồi người ta mới ý thức được hậu quả. Khi đó mới phải chịu sự trừng phạt của pháp luật thì đâu có giải quyết được vấn đề.
Vấn đề là giáo dục kỹ năng sống, tuyên truyền phổ biến pháp luật đến từng người. Sự giáo dục đóng vai trò rất quan trọng. Môi trường giáo dục của ta bây giờ không chú trọng giáo dục nhân cách cho trẻ mà chỉ chú trọng đến thành tích.
Các kỹ năng giao tiếp trong xã hội bị lơ là. Ở trường, có môn giáo dục công dân, các môn giáo dục kỹ năng sống nhưng không được coi trọng. Bố mẹ, thầy cô chỉ chú trọng con đi học toán, lý, hóa để đáp ứng nhu cầu thi cử.
Gia đình cũng không chú ý đến sự phát triển tâm sinh lý của con mình. Thực tế cho thấy nhiều người phạm tội lại xuất phát từ những trắc trở trong gia đình, không nhận được sự quan tâm kịp thời của bố mẹ.
Vụ án ở Bình Phước, các nghi can đều là người có học, sinh ra trong gia đình lao động, bố mẹ hiền lành chất phác.
Tuy nhiên họ đã trượt ngã trong dòng đời, không biết kìm hãm trước những cám dỗ mà bố mẹ đã không hiểu biết hết để điều chỉnh trước những thay đổi của con cái. Việc dạy kỹ năng sống, cách ứng xử với gia đình, bạn bè và các mối quan hệ trong xã hội có vai trò rất quan trọng.
PGS.TS Trịnh Hòa Bình (Chuyên gia phân tích các vấn đề xã hội):
Bị áp lực của hành vi vị kỷ
Nếu nói về tâm lý tội phạm, khi gây án hai yếu tố thường được coi là yếu tố thúc đẩy là tiền và tình. Nhưng tôi luôn cho rằng ở các vụ việc gây bi phẫn thì tiền là yếu tố chính.
Theo dõi thông tin từ cơ quan công an qua vụ án thảm sát ở Bình Phước thấy rằng nghi phạm đã giết năm người trong gia đình trước khi gây án với người yêu cũ, thời điểm đó nghi phạm có ý muốn “nhấm nháp” nỗi đau của đối thủ và quên mất yếu tố thời gian.
Khi thời gian gần sáng, nghi phạm lại bị tâm lý đám đông, do đó lúng túng không tìm được tiền. Như vậy, tâm lý nói chung khi dẫn đến hành vi tội phạm là áp lực, xung lực của hành vi vị kỷ, kiểu “không ăn được thì đạp đổ” và động cơ lớn vẫn là tiền, sau đó đến tình.
Có người nói trước đây không thấy những tội phạm nhẫn tâm, nguy hiểm như bây giờ (như trước đây là vụ Lê Văn Luyện ở Bắc Giang và gần đây là hai nghi phạm Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến trong vụ án ở Bình Phước) thì có thể nói trước đây nhu cầu tiêu dùng không nhiều như bây giờ, đặc biệt giới trẻ là những nhóm có nhu cầu tiêu dùng cao nhất.
Ngày trước người ta rất dễ bằng lòng với nhu cầu sinh hoạt thông thường, nay nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, có nhu cầu cao hơn nhiều nhưng lại không có tiền hoặc không làm ra tiền. Khi bị áp lực của hành vi vị kỷ thì lúc đó có hành vi tội phạm (tùy mức độ).