Trung tá Đinh Văn Sơn, Phó trưởng Phòng An ninh mạng và phòng-chống tội phạm công nghệ cao (Công an tỉnh Gia Lai), cho biết các nạn nhân của lừa đảo công nghệ cao tại Gia Lai hầu hết là phụ nữ. Số tiền bị chiếm đoạt của mỗi người từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng. Trong đó, nạn nhân bị lừa số tiền lớn nhất lên tới 10,1 tỷ đồng.
Theo đó, tội phạm công nghệ cao sử dụng 4 thủ đoạn phổ biến. Đó là: hack tài khoản mạng xã hội, hỏi vay tiền bạn bè người thân; kêu gọi đầu tư vào các sàn giao dịch ngoại hối, tiền ảo để hưởng mức lợi nhuận cao; mời tham gia làm cộng tác viên bán các sản phẩm trên các trang thương mại điện tử; giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát gọi điện đến yêu cầu nộp tiền vào tài khoản để xác minh đường dây tội phạm.
4 người trong vụ lừa đảo hàng trăm cộng tác viên bán hàng trên mạng được Công an Gia Lai triệt phá cuối năm 2021. |
Phòng An ninh mạng và phòng-chống tội phạm công nghệ cao Gia Lai nhận định các đối tượng lừa đảo chủ yếu ở nước ngoài, sử dụng công nghệ để giấu số, hoặc hiển thị số điện thoại giống của các cơ quan chức năng. Số tiền chiếm đoạt được các đối tượng chuyển lòng vòng qua nhiều tài khoản, sử dụng để giao dịch tiền ảo hoặc nạp vào các game bài.
Theo trung tá Đinh Văn Sơn, người dân cần cảnh giác với những lời mời trên mạng xã hội và các cuộc điện thoại lạ.
“Hết sức cảnh giác với những lời mọc có cánh của các đối tượng trên mạng xã hội như lợi nhuận khủng, hoa hồng cao, thao tác đơn giản, kiếm tiền dễ dàng để tham gia các ứng dụng trên nền tảng mạng xã hội. Thứ hai, người dân cần nắm vững quy định của các cơ tiến hành tố tụng khi làm việc với công dân thì đều gửi giấy mời hoặc giấy triệu tập, thông qua công an xã, phường, không gửi qua nền tảng mạng xã hội. Một điều nữa là người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, đặc biệt là mã xác thực của giao dịch ngân hàng, thường xuyên kiểm tra bảo mật của các tài khoản mạng xã hội”, trung tá Đinh Văn Sơn cảnh báo.