Hôm nay (28/10), Quốc hội dành gần trọn buổi sáng để nghe báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm của Chính phủ, báo cáo công tác của viện trưởng VKSND Tối cao, chánh án TAND Tối cao và thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về các báo cáo này.
Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2013, tình hình tội phạm đang diễn biến theo chiều hướng phức tạp, tính chất nghiêm trọng hơn. Nguyên nhân được xác định do tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, số lượng người thất nghiệp gia tăng, ảnh hưởng đến an sinh xã hội; công tác quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực (tài chính, tiền tệ, đất đai…) còn sơ hở, thiếu sót làm phát sinh tội phạm.
Đồng tình với những nguyên nhân nêu trên nhưng Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ cần có những đánh giá sâu hơn về một số nguyên nhân. Đáng chú ý, một bộ phận cán bộ có chức quyền thoái hóa, biến chất trong cơ quan quản lý nhà nước tại cơ sở “bảo kê” để doanh nghiệp và các băng, nhóm hoạt động theo kiểu “xã hội đen” hoạt động trên một số lĩnh vực như khai thác tài nguyên, khoáng sản, vật liệu xây dựng, vận chuyển hành khách, bến bãi, họp chợ, xả thải trái phép gây ô nhiễm môi trường… Nhiều vụ việc đã ngang nhiên tồn tại trong thời gian dài nhưng cơ quan chức năng một số địa phương không xử lý.
Thứ hai, việc xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu, người có thẩm quyền ở địa phương còn chưa nghiêm, có những vụ việc chưa được sự đồng tình của quần chúng nhân dân.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp dẫn vụ ông Nguyễn Hồng Lâm, Bí thư Huyện ủy huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) có hoạt động tiếp tay, thông đồng cho khai thác cát. Hay vụ một số cán bộ Công an phường 26, quận Bình Thạnh (TP.HCM) có hành vi bảo kê cho băng nhóm Nguyễn Trọng Ngôn (Tý “điên”) hoạt động theo kiểu tội phạm có tổ chức tại Bến xe Miền Đông (TP.HCM).
Thứ ba, trách nhiệm thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn yếu làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, thậm chí vì vụ lợi đã có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Điển hình là vụ nhân bản xét nghiệm tại BV Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội)…