Trong vài năm trở lại đây, vlogger hay blogger du lịch đang trở thành những nghề "hot", được nhiều người lựa chọn. Họ là những người tìm kiếm nội dung sáng tạo từ chính việc đi du lịch của mình. Không ít người nổi tiếng nhờ những review khác lạ tại các miền đất xa xôi.
Tuy nhiên, đại dịch xuất hiện khiến nội dung bài viết của họ bị hạn chế nhiều. Việc chuyển hướng đề tài sang các điểm đến trong nước cũng khiến những vlogger/blogger này loay hoay...
Chật vật vì không thể đi du lịch nước ngoài
Đó là tâm sự của vlogger Travip (tên thật: Trần Việt Phương), chủ một tài khoản du lịch trải nghiệm gần 270.000 lượt theo dõi. So với nhiều người khác, Việt Phương đi khá nhiều trong một năm (khoảng 12, 13 chuyến bay quốc tế) bởi anh còn thường xuyên thực hiện những video review máy bay, các hạng khoang...
Vlogger Travip thừa nhận áp lực khi không thể du lịch nước ngoài. Ảnh: Travip. |
Do đó, khi việc đi lại bị hạn chế, vlogger này thừa nhận mình như lâm vào cảnh buồn chán. "Nội dung ít đi, kênh sẽ kém đa dạng. Một vlogger du lịch mà không được đi thì kênh sống sao nổi. Người xem than phiền vì nội dung kênh kém hay thật sự là áp lực lớn với tôi", Việt Phương thừa nhận.
Nội dung sáng tạo là một vấn đề ảnh hưởng lớn tới độ ảnh hưởng của những vlogger/blogger du lịch này. Lượng người xem giảm trở thành thực trạng chung.
Trả lời Zing, Vinh Gấu, một travel blogger với nhiều blog chia sẻ kinh nghiệm xin visa, các lưu ý khi du lịch nước ngoài... cũng chịu cảnh tương tự.
Việc thay đổi nội dung khiến lượng tương tác của nhiều blogger như Vinh Gấu bị giảm. Ảnh: Vinh Gấu. |
Blogger Sài thành này nhận định các nội dung trải nghiệm nước ngoài chưa được khai thác nhiều trên những phương tiện truyền thông ở Việt Nam. Do đó, trước khi có dịch, lượt tương tác blog của anh ở mức cao. Tuy nhiên, kể từ khi Covid-19 trở thành đại dịch, lượt xem blog của Vinh Gấu cũng tụt đáng kể.
Sau một năm nhìn lại, họ vẫn nhớ y nguyên kỷ niệm về lần cuối được du lịch nước ngoài.
Chuyến đi cuối cùng
Với Việt Phương, kỷ niệm du lịch nước ngoài cuối cùng của anh là ở Maldives, một quần đảo nghỉ dưỡng xinh đẹp thuộc Ấn Độ Dương. Chia sẻ với phóng viên, anh cho biết mình đã tới Maldives 5 lần trước đó. Trong dịp Tết năm 2020, Việt Phương quyết tâm rủ mẹ đi cùng đến nơi mà mình "phải lòng".
Theo anh, Maldives thực sự khiến du khách bị mê hoặc vì khí hậu, môi trường lẫn cảnh quan. Việt Phương cũng có khá nhiều bạn bè ở đây nên thường đi lại nhiều lần. Vlogger này nói đùa anh coi những chuyến đi Maldives giống như kiểu về quê.
Không giống những lần khác chỉ ở resort, trong chuyến đi với mẹ, Việt Phương quyết định trải nghiệm giống người bản địa nhiều hơn. Anh học được cách đi đường biển như người dân địa phương.
Sau hơn một năm, vlogger Travip vẫn chưa thể có chuyến đi nước ngoài tiếp theo. Ảnh: Travip. |
Mỗi sáng, hai mẹ con lại thức dậy sớm, ngắm mặt trời mọc, ăn sáng cùng những con vẹt sặc sỡ của một người dân trên đảo nuôi. Ngoài dạo biển, hai mẹ con cũng cùng nhau đi chợ, giao lưu với những người bản địa...
Hành trình trên "thiên đường hạ giới" của hai mẹ con đã bớt êm đềm vào những ngày cuối cùng. Tin tức về dịch bệnh lạ bắt nguồn từ Vũ Hán (Trung Quốc) khiến họ lo lắng. Tuy nhiên, họ vẫn bình tĩnh và nghĩ mọi thứ sẽ qua mau.
Khi đáp chuyến bay từ Maldives về Singapore, Việt Phương bắt đầu cảm nhận sự khó chịu khi phải làm quen với khẩu trang.
"Thật không dễ chịu khi ra sân bay và phải tìm cách tránh xa đám đông. Khi chưa quen, đeo khẩu trang rất khó thở, ăn uống vội vàng, đi phải rửa tay rất mệt. Đó cũng là khi những tin xấu về dịch dồn dập đến. Tôi có linh cảm sẽ phải rất lâu nữa mình mới có thể tái ngộ những người bạn ở Maldives", Việt Phương nói.
Những chuyến đi nước ngoài giờ chỉ còn là hoài niệm với nhiều vlogger/blogger Việt Nam. Ảnh: NVCC. |
Câu chuyện của Vinh Gấu cũng có đoạn kết buồn như Việt Phương. Anh cho biết lần cuối du lịch nước ngoài của mình là chuyến đi Mỹ hồi tháng 1/2020. Khi ấy, do Việt Nam chưa xuất hiện dịch nên việc di chuyển từ TP.HCM, quá cảnh ở Đài Loan (Trung Quốc) rồi hạ cánh tại Ontario (Los Angeles, Mỹ) cũng khá suôn sẻ.
"Hồi ấy, ai đeo khẩu trang ở Mỹ còn bị dị nghị. Tuy nhiên, việc kiếm khẩu trang N-95 và nước rửa tay khô lại cực kỳ khan hiếm. Tôi đã đi đủ các siêu thị, từ Walmart, Costco hay Bath&Bodyworks… đều nhận được câu trả lời hết hàng. Ngay cả những vùng xa như Lake Tahoe, tôi cũng không mua được", anh nhớ lại.
Blogger Sài thành kể dù ở Mỹ lúc đó chưa có khuyến cáo hạn chế, anh vẫn thường xuyên đeo khẩu trang và cập nhật tình hình. Khoảng một tuần sau khi bay về, dịch bệnh xuất hiện ở Việt Nam. Đường bay đóng cửa và những chuyến du lịch nước ngoài chỉ còn là hoài niệm trong anh.
Thay đổi để nhận thấy Việt Nam thật đẹp
Để thích nghi với tình hình mới, việc các vlogger/blogger chuyên du lịch nước ngoài này cần làm là đổi hướng tới những điểm đến trong nước.
Nguyễn Sơn Tùng, chủ blog Lạc - chuyên chia sẻ hình ảnh du lịch Nhật Bản, cũng trở về Việt Nam khi dịch bùng phát. Anh coi đây giống như dịp tốt để khám phá nhá những vùng đất của quê hương.
Đại dịch cũng là dịp để các vlogger/blogger tìm hiểu thêm về những góc ít người khai thác ở Việt Nam. Ảnh: Lạc. |
"Tôi không quan tâm mấy việc nhiều người đã đi điểm đó chưa. Với tôi, trải nghiệm của bản thân là điều quan trọng hơn. Cho tới giờ, tôi hài lòng với những chuyến đi trong năm 2020", anh nói.
Trong khi đó, vlogger Yêu Máy Bay tiết lộ anh đã lo lắng vì khán giả vốn đã quen với những nội dung review máy bay và du lịch nước ngoài. Do đó, việc đổi điểm đến sang du lịch nội địa có thể khiến người xem khó chấp nhận.
"Tôi đã nhầm. Dù đi đâu, miễn là câu chuyện bạn kể đủ hay, nó vẫn sẽ được đón nhận. Những nơi như Đà Nẵng, Tam Kỳ (Quảng Nam), An Giang, Tuy Hòa (Phú Yên) hay Phú Quốc (Kiên Giang)... không quá xa lạ. Tuy nhiên, nếu có những trải nghiệm độc đáo, ít người biết, khán giả vẫn sẽ đón nhận", Việt Phương chia sẻ.
Các nội dung sáng tạo, tìm tòi góc độc đáo vẫn được độc giả đón nhận. Ảnh: Vinh Gấu. |
Với Vinh Gấu, anh cũng thay đổi toàn bộ nội dung của mình. Hiện tại, blog của anh hoàn toàn là những trải nghiệm du lịch nội địa. Tuy nhiên, thay vì giới thiệu những điểm "nói ra ai cũng biết", blogger này hướng đến những điểm đến như nhà cổ trăm tuổi của người H'Mông ở Mèo Vạc (Hà Giang), du lịch cộng đồng tại Hang Kia (Mai Châu, Hòa Bình)...
"Tôi luôn quan niệm Việt Nam mình quá đẹp để đi du lịch. Du khách kiểu nào cũng có thể tìm thấy nơi mình thuộc về. Nếu bạn ưa nhẹ nhàng, hãy đến Hội An (Quảng Nam), Phú Quốc...
Nếu thích khám phá núi đồi, Hà Giang là sự lựa chọn. Với người thích hoang sơ, trong lành, tôi nghĩ họ nên tới Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu). Thật sự có quá nhiều lựa chọn khác nhau để trải nghiệm", Vinh Gấu nhận xét.
Sự đa dạng trải nghiệm của Việt Nam cũng là điều được blogger Lạc đánh giá cao. Theo anh, với 54 dân tộc anh em, các blogger/vlogger có rất nhiều câu chuyện để quảng bá, khai thác. Đó là điểm cộng để du lịch Việt Nam phát triển.