Cách đây 2 tuần, Bùi Ngọc Hà (24 tuổi, quê Sơn La) đã đặt vé từ TP.HCM về quê ăn Tết. Theo kế hoạch, Hà sẽ về vào ngày 4/2 và đi sớm vào ngày 14/2 (tức mùng 3 Tết) để tránh gặp cảnh chen chúc tại sân bay dịp lễ.
“Ban đầu, mình định sau khi xuống sân bay Nội Bài sẽ ở lại Hà Nội qua một đêm, sáng hôm sau gia đình đi xe nhà xuống đón. Bình thường mình tự đi xe khách khoảng 6-7 tiếng để về nhà. Nhưng do dịch bệnh phức tạp nên như vậy sẽ đỡ phải ra bến xe đông người, tránh nguy cơ lây nhiễm”, Hà chia sẻ với Zing.
Song mấy ngày nay, khi thông tin về số ca nhiễm tăng nhanh ở nhiều tỉnh thành, nhất là khu vực miền Bắc, gia đình Hà lo lắng. Trưa ngày 31/1, có tin Sơn La xuất hiện 1 ca nghi nhiễm nên bố mẹ cô khuyên con gái ở lại TP.HCM ăn Tết để đảm bảo an toàn.
Chiều cùng ngày, Hà quyết định hủy vé.
Không riêng Ngọc Hà, nhiều người đang đi học, đi làm xa cũng chấp nhận năm nay không đón Tết ở nhà. Có những người đã đặt vé tàu, xe và không nằm trong vùng dịch vẫn sẵn sàng hủy lịch trình, ở lại để ngăn dịch bệnh lan rộng.
Chiều 31/1, sân bay Tân Sơn Nhất đông đúc do nhiều người rời TP.HCM, về quê đón Tết sớm vì lo sợ dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Ảnh: Duy Hiệu. |
Lần đầu làm trái quy định của gia đình
Ngọc Hà tâm sự nhà có 2 con gái, từ lâu bố mẹ cô đưa ra “quy định” nếu chưa lấy chồng thì các con phải ăn Tết ở nhà. Bởi vậy, từ trước tới nay chưa bao giờ Hà nghĩ đến chuyện ăn Tết xa nhà.
“Chị gái đã lấy chồng được hơn 7 năm nên nhà chỉ có 3 người đón Tết với nhau. Mình đi làm cả năm, không có dịp nào về được. Lần gần nhất về thăm nhà là Tết năm ngoái. Còn có một lần mình tranh thủ nghỉ phép và gặp bố mẹ ở Hà Nội. Cũng buồn lắm vì Tết năm nay có thể cả nhà không được quây quần bên nhau”.
Năm nay có thể sẽ là lần đầu tiên Ngọc Hà đón Tết xa gia đình. Ảnh: FBNV. |
Ngọc Hà cho biết cặp vé khứ hồi của cô có 1 vé cho phép hoàn lại còn 1 vé thì không.
Nhưng lúc gọi lên tổng đài, phía hãng bay nói vé không được hoàn lại vẫn sẽ được trả tiền dưới dạng voucher, đây là chính sách của hãng trong dịch bệnh.
Vì không lường trước tình hình, hiện tại Hà chưa có kế hoạch cụ thể trong dịp Tết nếu ở lại TP.HCM.
“Mình có một số bạn bè là người Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc. Họ cũng ăn Tết âm lịch như nước mình, nhất là người gốc Hoa, nên mình định sẽ qua nhà bạn, cùng nhau ăn uống một bữa. Chắc sẽ chỉ ngồi riêng với nhau, không dám đi đâu ra ngoài cả vì rất sợ lây bệnh”.
Dù quyết định ở lại thành phố, nhưng vì đây là lần đầu tiên ăn Tết ở xa, Hà không khỏi chạnh lòng khi nghĩ đến cảnh ngày đầu năm mới, nhìn bạn bè và người thân đăng ảnh sum vầy, còn mình thì không thể kề bên gia đình.
“Dù hủy vé rồi, nhưng từ giờ đến Tết nếu tình hình ổn định, chắc mình vẫn mua vé về, hoặc qua Tết sẽ xin nghỉ bù để về thăm nhà”.
Nên ở yên một chỗ
Sau nhiều năm học tập, sau đó làm việc ở Hà Nội, đến năm ngoái, Thanh Thu (25 tuổi, quê Nghệ An) chuyển công tác vào Bình Dương. Vì công việc mới bận rộn, lại ở xa, suốt một năm cô chưa có dịp về thăm nhà.
Là con gái cả trong gia đình, Thu là người duy nhất đi làm xa nhà, các em đều đang đi học. Thế nên dịp này không chỉ Thu mà bố mẹ và các em ở quê cũng đều mong cô về.
Càng về gần Tết, Thu càng háo hức đếm ngược ngày về quê. Cô còn xin nghỉ sớm, dự định bay về vào ngày 3/2. Cả tuần nay, Thu đã tranh thủ thời gian rảnh để đi mua sắm quà cáp cho bố mẹ và các em, chuẩn bị hành lý để gần ngày về không bỏ sót thứ gì.
“Mình đã đặt vé, chuẩn bị mọi thứ xong xuôi. Từ trước đây một tháng, ngày nào em trai út cũng gọi điện, hỏi: ‘Chị Thu bao giờ về, chị nhớ mua quà cho em nhé’. Trước làm gần nên vài tháng được về một lần, năm vừa rồi là lần đầu tiên mình đi xa nhà lâu đến vậy, thực sự nóng lòng gặp cả nhà”.
Nhiều ca nhiễm được ghi nhận ở các tỉnh thành khắp cả nước khiến nhiều người làm ăn xa không thể về nhà đón Tết. |
Đến ngày 31/1, nhận được tin Bình Dương có ca nhiễm đầu tiên trong cộng đồng, Thu thấy lo lắng. Gia đình liên tục gọi điện hỏi han tình hình, sợ con gái không về được.
Sau khi suy nghĩ, Thu quyết định năm nay sẽ ở lại Bình Dương, đồng nghĩa với việc lần đầu tiên phải ăn Tết xa nhà.
“Chỉ còn ít ngày nữa là đến ngày về, nhưng bây giờ tình hình quá khó khăn, mình không dám cứ thế đi lại lung tung, rất sợ không may có thể lây nhiễm. Nếu về nhà, vì đi từ vùng có dịch nên khả năng cao mình sẽ phải cách ly tập trung ở địa phương, cũng không thể ăn Tết cùng gia đình, còn khiến mọi chuyện phức tạp hơn”.
Thu cho rằng thời điểm hiện tại, mỗi người nên hạn chế đi lại, ở yên một chỗ để góp phần kiểm soát, giúp cơ quan chức năng khoanh vùng và dập dịch hiệu quả.
“Mình gọi điện về nhà, nói chuyện để gia đình bớt buồn và lo lắng. Lần đầu tiên đón năm mới ở xa nhưng mình nghĩ đó là việc nên làm, không có vấn đề gì cả. Điều mong muốn lớn nhất là hết dịch bệnh để mọi thứ trở lại bình thường”.
Thu cho biết có một số đồng nghiệp của cô cũng quyết định ở lại qua Tết. Nhóm bạn dự định cùng nhau đón năm mới, tổ chức ăn uống cùng nhau. Cô sẽ về thăm nhà vào một dịp khác sau khi dịch được kiểm soát.