Zing trích dịch bài đăng từ Telegraph, đề cập đến nạn bạo hành gia đình tăng cao ở Vương quốc Anh trong thời gian dịch bệnh.
Khi nghe tin toàn Vương quốc Anh phong tỏa toàn quốc, Sarah bày tỏ sự lo lắng về những vấn đề tương tự mọi người: việc học tại nhà của hai đứa con, phải xa cách người thân, họ hàng.
Nhưng thứ bao trùm lên trên tất cả là nỗi sợ hãi của cô khi bị nhốt trong nhà với người chồng bạo hành.
Mắc kẹt ở nhà trong đại dịch khiến nhiều phụ nữ lo sợ bị bạo hành. |
Chồng thay đổi tính tình
“Hồi mới yêu, chồng tôi là một người đàn ông quyến rũ thực thụ. Cho đến khi kết hôn và mang thai đứa con đầu lòng, anh ấy bỗng biến thành một người khác, như thể Jekyll và Hyde - một thuật ngữ trong tâm lý học dùng để chỉ một người có hai nhân cách tách biệt”, Sarah chia sẻ.
Cô nói thêm: “Chồng tôi trở nên kiểm soát. Anh ấy cho rằng mình luôn đúng, còn tôi phải làm mọi thứ theo tiêu chuẩn anh ta đặt ra, từ việc nấu bữa tối lúc mấy giờ, dọn giường như thế nào. Tôi luôn trong trạng thái căng thẳng và phải kiểm tra danh sách việc cần làm trước khi anh ấy bước chân về nhà.
Lúc nào chồng tôi cũng chỉ trích, sỉ nhục và quát tháo tôi trước mặt bạn bè. Đối với anh ta, tôi chưa bao giờ đủ thông minh hay xinh đẹp, hấp dẫn. Hai đứa con tôi cũng cảnh giác với bố nó. Chúng sợ rằng anh ta sẽ khùng lên khi thấy điều gì không vừa ý khi về nhà”.
Sarah thừa nhận rằng nếu nhìn từ ngoài vào, vợ chồng cô là một cặp hoàn mỹ. “Nhìn vào cuộc sống của chúng tôi, bạn sẽ nghĩ rằng chúng tôi có tất cả. Nhưng đằng sau đó, mọi chuyện rất khác”, cô nói.
“Tôi luôn hoảng sợ, thậm chí không thể ăn uống được bình thường. Chân tay run lẩy bẩy khi ngồi vào bàn ăn.
Mặc dù chồng không đụng một ngón tay lên người tôi, anh ta liên tục bắt nạt, gây tổn thương tôi bằng suy nghĩ khó đoán và những lời nói cay nghiệt, khiến tôi sợ anh ấy chết khiếp. Vì vậy, khi lệnh phong tỏa được áp dụng, tôi thực sự vô cùng sợ hãi”, Sarah chia sẻ.
Sarah thừa nhận rằng nếu nhìn từ ngoài vào, vợ chồng cô là một cặp hoàn mỹ. |
Tính đến tháng 3/2019, ước tính khoảng 1,6 triệu phụ nữ Anh từ 16-74 tuổi bị lạm dụng trong gia đình, dù là thể chất hay tâm lý.
Giờ đây, những lo lắng về tiền bạc và nạn thất nghiệp vì Covid-19 lại càng gia tăng số lượng nữ giới liên hệ với tổ chức từ thiện chống bạo hành gia đình Refuge xin được giúp đỡ.
Trong 7 tuần đầu tiên áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc, cứ 30 giây lại có một cuộc gọi đến đồn cảnh sát liên quan đến nạn bạo hành gia đình.
Đường dây trợ giúp chống bạo hành gia đình quốc gia do Refuge điều hành đã ghi nhận hơn 40.000 cuộc gọi và liên hệ kể từ cuối tháng 3 đến tháng 6.
Chỉ trong tháng 6, số lượng phụ nữ, người thân gia đình và các chuyên liên lạc với nhau cao hơn 80% so với thời điểm trước Covid-19. Số truy cập vào trang web cũng tăng gấp 10 lần ở một số thời điểm.
Khi nhà không còn là mái ấm
“Vốn dĩ bạo hành gia đình vẫn là vấn đề lớn nhất gây ảnh hưởng đến phụ nữ và trẻ em ở Anh ngay cả khi không có phong tỏa.
Vì vậy, khi Covid-19 xảy ra, nó rất đáng sợ. Nó tạo điều kiện cho những kẻ bạo hành lộng quyền trong gia đình. Đối với nhiều phụ nữ, ngôi nhà của họ không còn là mái ấm”, Lisa King, Giám đốc truyền thông của Refuge, cho biết.
Nhiều phụ nữ còn không dám đến bệnh viện sau khi bị bạo hành bởi họ sợ tạo thêm áp lực cho đội ngũ y bác sĩ trong thời điểm chống dịch. |
“Ngoài việc ngày càng nhiều phụ nữ liên lạc với tổ chức hơn, chúng tôi nhận thấy họ cũng muốn trò chuyện lâu hơn bởi họ không được ra ngoài gặp người thân, bạn bè, hay đến bệnh viện gặp bác sĩ”, Charlotte, người quản lý nhóm trực đường dây nóng, nói.
Cô chia sẻ thêm: “Đối với những người có bạn đời bạo hành, sự gia tăng cô lập trong thời điểm này có thể rất nguy hiểm”.
Việc cố gắng rời bỏ, ly dị người bạo hành cũng trở nên khó khăn hơn trong thời gian phong tỏa. Vì vậy, đường dây nóng của Refuge cung cấp một số cách thức giữ an toàn cho bản thân khi ở trong nhà.
“Chúng tôi cung cấp hỗ trợ phù hợp từng tình huống, ví dụ như nhắn mật mã báo tin cho bạn bè, tránh xa những căn phòng có thể khiến nạn nhân bị mắc kẹt, giam giữ hoặc động viên phụ nữ báo cáo vụ việc với cảnh sát.
Một số kẻ bạo hành còn cố tình phớt lờ các quy tắc phòng chống Covid-19, khiến nạn nhân có nguy cơ bị nhiễm virus corona từ chúng. Nhiều phụ nữ còn không dám đến bệnh viện sau khi bị bạo hành bởi họ sợ tạo thêm áp lực cho đội ngũ y bác sĩ trong thời điểm chống dịch”, Charlotte nói.
Không thể rời đi
Mariana, người quản lý tại một trong 48 ngôi nhà an toàn của Refuge, nói rằng: “Lệnh phong tỏa khiến nạn nhân khó rời đi hơn nhiều. Họ không thể tranh thủ sắp xếp đồ đạc và giấu vali ở chỗ kín đáo vì chồng luôn ở nhà. Họ phải giả vờ ra ngoài mua nhu yếu phẩm rồi trốn đi luôn, do đó không cầm được theo đồ đạc”.
Nếu người chồng quản lý chi tiêu trong gia đình, thậm chí cả các tài khoản mạng xã hội của nạn nhân, họ lại càng tuyệt vọng hơn nữa. “Khi đó, chúng tôi không thể cung cấp cho phụ nữ địa chỉ chỗ trú an toàn. Mà ngay cả khi gửi được thì họ cũng không có tiền đi tàu hoặc xe buýt”.
Không ít nạn nhân bị kiểm soát cả tài khoản mạng xã hội, tài chính, khiến họ không còn lối thoát. |
Đối với một số người, thời gian cách ly xã hội như giọt nước tràn ly, khiến họ quyết tâm rời bỏ bạn đời bạo hành của mình, trong đó có Sarah. Cô không thể ngó lơ những gì đang xảy ra trong gia đình
“Thông thường, nạn nhân vốn đã bị lạm dụng trong một khoảng thời gian. Họ thường đổ lỗi cho bản thân hoặc viện lý do bao biện hành vi của chồng”, Lisa nói.
Sarah tìm đến Refuge và tìm hiểu thông tin thông qua mạng xã hội. Đến lúc ấy, cô mới nhận ra rằng lạm dụng gia đình không chỉ bao gồm “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” mà có cả bạo lực bằng ngôn từ, như những gì chồng cô đang làm.
Giám đốc Lisa cho biết: “Về cơ bản, nếu bạn thay đổi bản thân chỉ vì bạn sợ hãi trước phản ứng của đối phương, đó chính là hành vi ngược đãi gia đình, cho dù là kiểm soát tài chính, kiểm soát cảm xúc, bị cô lập, bị ngăn cản làm những gì bạn muốn làm hay thay đổi ngoại hình của bạn”.
Sau cùng, Sarah quyết định ly hôn và chuyển đi cùng với 2 con của mình.
“Tôi không muốn hai đứa trẻ nghĩ rằng mối quan hệ giữa bố mẹ chúng là lành mạnh. Rời đi không hề dễ dàng, nhưng ở lại còn khó khăn hơn”, cô thừa nhận.