Bà ngã quỵ khi đọc được tin nhắn gửi tới chồng mình trên trang web khiêu dâm đồng tính nam. Hóa ra, chồng bà đã ngoại tình hơn 6 năm và có quan hệ lâu dài với người đàn ông đã có gia đình.
Sarah là một trong những người đồng ý chia sẻ trải nghiệm bị phản bội với The Guardian. Dù xuất thân từ nhiều hoàn cảnh khác nhau, có một điểm chung trong trải nghiệm của họ: nỗi đau tột cùng.
Khôi phục niềm tin
James (75 tuổi) nhớ như in cảm xúc khi bị phản bội 40 năm trước. Khi đó, ông và người yêu quyết định rời Glasgow (Anh). Ông mua căn nhà đứng tên hai người, bỏ việc và bạn bè để bắt đầu cuộc sống mới với nửa kia. Thế nhưng, đối phương không bao giờ dọn vào ngôi nhà đó nữa.
Sau 5 năm yêu xa, James phát hiện người yêu có mối quan hệ ngoài luồng. Ông muốn gặp mặt để đối chất, nhưng cô chỉ xuất hiện với một chiếc xe tải, dọn sạch hành lý và biến mất.
Sự phản bội trong tình cảm gây ra những thương tổn sâu sắc. Ảnh: Prevention.com. |
Sự phản bội đó là cú giáng mạnh vào lòng tự trọng của James. Dù cố gắng quên, ông không thể ngừng suy nghĩ về người cũ cùng những câu hỏi không lời giải. Ông bị mất ngủ, rơi vào trầm cảm và ngày càng thu mình lại. Đôi khi, ông nghĩ tới tự sát.
Điều giúp James phục hồi là những thói quen thường ngày: đi làm, giặt ủi, dọn nhà. Nếu thời tiết đẹp, ông sẽ làm vườn. Ông cũng trò chuyện với bạn bè nhưng không làm phiền họ quá nhiều.
“Kỳ lạ thay, những điều đơn giản như vậy giúp tôi linh hoạt và tự tin hơn”, ông nói.
4 năm sau lần đổ vỡ tình cảm, James gặp một phụ nữ. Hai người nhanh chóng trở thành bạn. Lúc đầu, ông còn e dè và nghĩ rằng cô sẽ sớm tìm người khác. Nhưng cô đã ở lại và dần lấp đầy lòng tin của ông.
“Cô ấy rất cởi mở, tốt bụng và chu đáo. Sau một thời gian dài tiếp xúc, tôi đã hiểu hơn về con người cô. Bạn chỉ có thể tin tưởng người khác khi trải qua nhiều chuyện cùng họ”, ông kể lại.
Sau 16 năm trong mối quan hệ, James cầu hôn. Từ đó, hai người đã ở bên nhau 35 năm.
Những điều James nói về lòng tin được xây dựng qua trải nghiệm không chỉ đúng với mối quan hệ yêu đương ở người lớn mà cả mối quan hệ giữa trẻ em và cha mẹ, theo Catriona Wrottesley, chuyên gia tâm lý tình cảm tại London (Anh).
“Để tin tưởng một người, bạn phải có những trải nghiệm cho thấy người đó đáng tin cậy. Với trẻ em, đó là sự ôm ấp, vỗ về, cho ăn. Quan trọng nhất là không ngược đãi”, cô nói.
Bởi vậy, việc bị phản bội và lợi dụng lòng tin mang đến sự tổn thương sâu sắc, dù ở bất cứ độ tuổi nào.
Tập trung vào bản thân
Saskia, năm nay đã ngoài 40, đau đớn khi phát hiện người yêu mình có mối quan hệ ngoài luồng 3 năm trước.
“Tôi tìm thấy hàng loạt tin nhắn từ rất nhiều phụ nữ ở các nước khác nhau. Tôi đã xem hết tất cả những hình ảnh nhạy cảm và tin nhắn khiêu gợi từ đôi bên. Có cả bằng chứng của những cuộc giao hoan”, cô nhớ lại.
Saskia kết thúc mối quan hệ và chuyển ra ngoài nhưng anh ta vẫn cố liên lạc. Sự quyết tâm của cô bị lung lay vì vẫn còn tình cảm.
“Tôi không thể hết yêu anh ta dù đã bị phản bội. Sự tức giận tràn ngập, nhưng những cảm xúc khác vẫn không mất đi”, cô nói.
Dù bị phản bội, tình cảm vẫn khó lòng phai nhạt. Việc níu giữ sự tức giận chỉ làm tổn thương thêm đậm sâu. Ảnh: TED. |
Vài tháng sau, cô thử hẹn hò trở lại sau khi kể với người mới về những gì cô đã trải qua. Cô nhấn mạnh tầm quan trọng của sự minh bạch trong mối quan hệ. Ban đầu, mọi thứ diễn ra tốt đẹp. Nhưng sự yên ổn kéo dài không lâu.
“Tôi liên tục nghi ngờ anh ấy. Mỗi khi có tiếng chuông điện thoại, tôi lại giật nảy lên và đòi kiểm tra. Anh ấy cảm thấy bị theo dõi. Mọi thứ thật tồi tệ”, Saskia kể lại.
Một ngày nọ, cô phát hiện tin nhắn lạ khi sửa máy tính bảng của người yêu. Anh ta nhất mực chối bỏ nó. Vậy là cô chất đồ đạc của mình lên xe tải, lái xe tới nhà chị gái và chặn liên lạc của anh ta.
Giờ đây, dù biết mọi thứ chỉ là quá khứ, Saskia vẫn không khỏi đau lòng khi nhắc lại. Tuy vậy, cô tin mình có thể chịu đựng được tổn thương.
“Tôi hiện không sẵn sàng cho một mối quan hệ mới. Tôi phải ưu tiên bản thân”, cô nói.
Cô từng tưởng tượng việc trả thù người yêu cũ, nhưng suy nghĩ đó đã vơi dần khi cô bận rộn với dự án nghệ thuật mới. Giọng Saskia hào hứng khi nói về tổ chức từ thiện cô vừa thành lập, giấc mơ cô đã ấp ủ suốt một thập kỷ.
“Việc xem kẻ phản bội như một tên khốn có thể giúp bạn thỏa mãn trong thời gian ngắn. Nhưng về lâu dài, nó khiến bạn mắc kẹt trong vết thương cũ thay vì thực sự hồi phục. Quan trọng là bạn tin vào sự thay đổi của chính mình và mở lòng với những khả năng mới”, nhà trị liệu tâm lý Wrottesley nhận định.
Chấp nhận
Triết gia Avishai Margalit (Israel) cho rằng đặc điểm riêng của sự phản bội không phải những thiệt hại gây ra cho nạn nhân hay lòng tin của họ, mà là sự tổn thương trong mối quan hệ.
“Đó chính là điều khiến việc ngoại tình trở thành sự phản bội. Nó khiến mối quan hệ mất hết mọi ý nghĩa. Điều đó khó có thể sửa chữa được”, ông nhận định.
Khi phát hiện chồng mình ngoại tình trong chuyến du thuyền vòng quanh thế giới, Sarah rơi vào tình huống hơn cả “khó sửa chữa”. Hai người đã dành toàn bộ tiền tiết kiệm vào chuyến đi này. Giờ đây, khi vừa bước qua tuổi 65, bà nhận ra người đàn ông mình dành niềm tin trọn đời đã phá vỡ lời hẹn thề.
Ở giữa biển khơi, sợ mình không giữ nổi bình tĩnh, Sarah đã chèo chiếc xuồng bơm hơi vào bờ và nhận phòng khách sạn. Bà gọi cho vài người bạn và bơi nhiều vòng quanh bể của khách sạn để tỉnh táo suy nghĩ.
Cuối cùng, Sarah quyết định sẽ đưa con thuyền của hai vợ chồng về một bãi đậu an toàn và cùng chồng đáp chuyến bay về nhà để bắt đầu trị liệu cặp đôi.
Trước khi quay về, hai người vẫn thực hiện chuyến du ngoạn trên sông ở vùng hoang dã. Lần đầu trong suốt nhiều năm, họ trò chuyện cởi mở và trung thực.
Sau khi quay trở lại và trị liệu cặp đôi, thời gian đầu, Sarah theo dõi các thiết bị điện tử của chồng. Dù vậy, sự thật là mối quan hệ của họ đã bị hủy hoại không thể cứu vãn. Vết thương lòng trong bà cứ sưng tấy rồi lại lành, giờ chỉ còn lại sẹo.
Sarah thấy buồn vì chồng bà đã không thể sống thật với xu hướng tính dục của mình. Nhưng bà nhận ra đó là lựa chọn của ông ấy. Mỗi người đều có lựa chọn của riêng mình.
“Thời gian chúng tôi cùng nhau chia sẻ tốt đẹp hơn là phải sống riêng rẽ", Sarah nói.
Dù sự phản bội khiến mối quan hệ đổ vỡ không thể cứu vãn, vẫn có hy vọng để phục hồi sau tổn thương. Ảnh: The Guardian. |
Những câu chuyện về việc ngoại tình có thể khiến chúng ta muốn sống độc thân mãi mãi hoặc khóa chặt người yêu, bạn đời của mình để không trở thành người bị lừa dối.
Nhưng lòng tin không thể có nếu khả năng bị phản bội không tồn tại. Wrottesley gọi đó là "khía cạnh sáng tạo của sự bất định". Sự bấp bênh và khó lường không chỉ dẫn đến tổn thương. Chúng cũng là "đồng minh có giá trị", cô nói.
Wrottesley kết luận: “Chúng ta không bao giờ biết được chuyện gì xảy ra trong tương lai. Bởi vậy, những điều tốt đẹp có thể xuất hiện theo cách bạn không ngờ tới, nhưng chỉ khi bạn mở lòng đón nhận".