Gia đình tôi sống ở ngoại thành, cách Hà Nội chưa đầy 20 km. Tôi có cửa hàng nhỏ ở nội thành, thường sáng đến làm, tối về quê. Hai con tôi, từ nhỏ tới lớn đều học trường làng. Hồi cấp 2, con trai lớn học khá, quyết tâm thi đỗ điểm cao và đã vào được một trường thuộc tốp đầu ở Hà Nội.
Thấy con ham học, vợ chồng tôi cũng quyết tâm lên thủ đô, ở lại cửa hàng, thuê căn phòng nhỏ gần đó, cho cả hai con tiện học hành, cuối tuần mới về quê. Nói chung, cuộc sống ở thành phố có nhiều điều vất vả, nhưng cả gia đình dần thích nghi và khắc phục. Có điều tôi vẫn chưa thể hiểu và thích nghi nổi chuyện đóng quỹ lớp, trường tại đây.
Chủ nhật tuần vừa rồi, sau buổi họp phụ huynh cho con, tôi sốc lần hai. Lần một là sau buổi họp hồi đầu năm học, khi nghe ban phụ huynh thông báo mỗi con đóng 1,3 triệu tiền quỹ lớp một kỳ, cộng 150 nghìn đồng quỹ trường. Tôi định đứng dậy hỏi: “Sao thu nhiều tiền thế bác?” nhưng thấy cô giáo vẫn ngồi đó, các phụ huynh khác lần lượt giơ tay đồng ý, tôi lại thôi.
So với bạn bè, con tôi đã có nhiều thua thiệt khi bố mẹ làm nghề tay chân, gia đình ở quê không khấm khá, tôi không muốn cháu lại bị để ý thêm hay phải chịu mang tiếng vì bố “nhiều chuyện” hoặc “keo kiệt” nếu tôi lên tiếng chuyện tiền nong. Thắc mắc này, quả thực tôi không dám hỏi ai.
Tới cuộc họp tổng kết học kỳ một vừa rồi, tôi những tưởng sẽ thấy ban phụ huynh công khai các khoản thu chi rõ ràng và đinh ninh thể nào ngân sách cũng dư ra. Nhưng không! Tờ thu chi phát cho mỗi người chỉ vỏn vẹn vài dòng, ghi chung chung: Chi mua hoa ngày 20/10: 6 triệu đồng; chi mua hoa 20/11: 7,5 triệu đồng; chi mua hoa tổng kết học kỳ, phong bì: 2 triệu đồng; hỗ trợ hoạt động cho các con học kỳ một: 11 triệu đồng; chi hỗ trợ các con đi tập quân sự: 5 triệu đồng.
Bác trưởng ban phụ huynh phát biểu rằng các khoản đã chi chưa tính ngân sách cho các con liên hoan cuối kỳ một, vì vậy dự trù có thể “âm” hoặc cha mẹ sẽ nộp khoản riêng sau khi thống nhất hình thức tổ chức. Bác cũng thông báo nếu phụ huynh nào cần biết thông tin chi tiết hơn về thu - chi thì có thể nêu ý kiến, hoặc nhắn tin hay gặp riêng...
Lúc đó, cô giáo vẫn ở trong lớp. Tôi thấy các phụ huynh khác lại không ai lên tiếng. Tiếp đó, bác hội trưởng thông báo kỳ 2, mỗi người tiếp tục đóng 1,3 triệu tiền quỹ lớp và giảm quỹ trường, chỉ còn 100 nghìn đồng, thay vì 150 nghìn đồng như kỳ một.
Hôm đó ra về, tôi giận mình “hèn”, đã không dám ý kiến gì, ngay cả việc tìm gặp riêng chị hội trưởng để “hỏi cho ra nhẽ” dù trong đầu mình có bao câu hỏi to đùng.
Lớp con tôi có 48 học sinh, một năm mỗi phụ huynh đóng 2,6 triệu đồng (chưa kể quỹ trường), thì tổng thu là hơn 120 triệu đồng - số tiền quá lớn, đã chi cụ thể cho những gì mà chị dự báo có thể âm?
Trong khi chị gái tôi ở quê, có con học cấp 3, mỗi năm đóng quỹ lớp khoảng một triệu đồng là cao nhất và hầu như đều dư một chút. Còn bọn trẻ nhà tôi lúc học cấp 1 và 2 trường làng, tiền quỹ khoảng 300-400 nghìn đồng mỗi năm. Vào cuối mỗi kỳ, chúng tôi được phát cho một bản in dài cả 2 mặt giấy những khoản thu chi cụ thể, nếu có gì chưa rõ, phụ huynh đứng lên ý kiến ngay.
Tôi không biết vì mức sống ở đây cao hay bởi đa số cha mẹ khác cũng như tôi - sợ gây điều tiếng, ngại tạo chú ý vì không muốn ảnh hưởng tiêu cực tới con mà “ngậm bồ hòn” trước mọi khoản đóng góp, hay bởi mọi người đều cho rằng các loại quỹ như vậy là hợp lý rồi?
Như dân lao động chúng tôi, trung bình, một tháng thu nhập cả vợ lẫn chồng trên dưới 20 triệu thì thấy chi tiêu cho các khoản phụ trợ (ngoài việc học) của học sinh như vậy hơi quá. Dù bấm bụng đóng góp vì nghĩ thôi một năm chỉ 2 lần, cố một chút cho con bằng bạn bằng bè, tôi vẫn thấy lấn cấn trong lòng.
Sau cuộc họp cuối kỳ vừa rồi, phụ huynh lớp con tôi lại bàn nhau rằng kỳ đầu tiên vào cấp 3 các con đều nỗ lực, đạt kết quả tốt, được đứng ở top 3 lớp xuất sắc của trường nên để động viên, sẽ tổ chức cho các con và thầy cô đi ăn buffet, mỗi suất hơn 400.000 đồng, bố mẹ nào muốn đi cùng thì góp tiền.
Khi nghe con số này, tôi giật mình. Đời sống của dân mình giờ cao vậy sao? Nhà tôi thật tình chưa dám dẫn con đi ăn nhà hàng sang, giỏi lắm vào quán gọi bát phở, suất bún chả, bánh cuốn hay cho cho đi ăn kem, gà rán...
Tôi tự hỏi liệu ở chỗ tập thể, chúng ta có nên cào bằng các khoản thu theo hướng phù hợp với những người thu nhập cao không? Tôi vốn vẫn cho rằng gia đình mình không tới nỗi quá nghèo và chắc chắn rất nhiều phụ huynh khác có điều kiện kinh tế cũng như tôi hoặc thậm chí khó khăn hơn.
Chúng tôi đôi khi phải gồng mình để con không phải thua kém ai nhưng bọn trẻ cũng phần nào hiểu được hoàn cảnh. Con tôi khi biết chuyện lớp đi ăn buffet giá 400.000 đồng đã nói sẽ không đi. Nhưng vợ chồng tôi không muốn con cảm thấy lạc lõng với bạn bè nên vẫn động viên cháu tham gia cho vui và còn biết bên ngoài như thế nào để phấn đấu.
Nhưng tôi vẫn tự hỏi, không biết mình làm như thế có đúng không? Tại sao tôi không dám lên tiếng? Tại sao không phụ huynh nào lên tiếng?
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.
Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.
TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.