Trả lời phóng viên trong bài viết đăng trên Zing.vn ngày 2/11, nhạc sĩ Lê Minh Sơn cho biết thời gian gần đây, các chương trình nhạc nhẹ thường không dễ bán vé nhưng những đêm nhạc bolero lại bùng nổ, thậm chí cháy vé.
Anh thẳng thắn cho rằng: “Dưới góc độ kiếm tiền thì việc bùng nổ các đêm nhạc bolero là rất tốt nhưng đối với người sáng tạo thì đấy là sự trì trệ và đau khổ".
Nhận định này của tác giả Ôi quê tôi đã gây ra không ít ý kiến trái chiều từ khán giả.
Bolero vẫn được đông đảo khán giả yêu thích
Phản bác lại nhận định của nhạc sĩ Lê Minh Sơn, độc giả Nguyễn Bá Châu khẳng định: “Bác nhìn một dòng nhạc bất hủ ở góc độ kiếm tiền thì đó là góc nhìn thiển cận".
Để chứng minh cho quan điểm của mình, bạn đọc này cũng nêu ra các dẫn chứng như nhiều nghệ sĩ hải ngoại sống được với nghề là nhờ khán giả ủng hộ và mua đĩa. Nếu khán giả không có tình yêu với bolero thì các trung tâm như hải ngoại đã không thể phát triển hùng mạnh.
Không ít độc giả tỏ ra khó hiểu trước quan điểm của Lê Minh Sơn. Thành viên Liêu Ngo thắc mắc, phải chăng phát ngôn của nam nhạc sĩ có phần phiến diện, chủ quan khi chưa để ý tới thực tế những ca sĩ hát nhạc bolero có lượng fan hùng hậu đến thế nào.
Đây cũng là suy nghĩ của nhiều bạn đọc khi đưa ra các bình luận như "Những người hay nghe nhạc trữ tình quê hương hầu đều hiền hậu, nói năng lễ phép, chan hòa. Còn những anh chị nghe nhạc trẻ bây giờ thì đa phần tóc xanh, tóc đỏ, nói năng vô cảm như ở trên xuống", "Bolero nhẹ nhàng, dễ đi vào lòng người, dễ thư giãn hơn các dòng nhạc khác. Vì vậy khán giả tìm tới để giải trí thay vì nghe nhạc trẻ gào thét, ăn mặc hở hang"...
Thực tế, Lê Minh Sơn không phải người đầu tiên thẳng thắn chê bolero. Trước đó, trong một lần trả lời báo chí, nhạc sĩ Quốc Trung cũng gây xôn xao dư luận khi khẳng định "Thanh niên nghe nhạc sến là bất thường".
Anh trăn trở: "Nhạc xưa càng phát triển bao nhiêu, nhạc nay càng yếu đi bấy nhiêu. Bạn thử đếm những banner quảng cáo chương trình ca nhạc ngoài đường phố xem có bao nhiêu cái mới và bao nhiêu cái cũ". Theo Quốc Trung, những ca sĩ nhạc trẻ chuyển hướng theo đuổi dòng nhạc bolero là làm màu, lười sáng tạo.
Mấy năm gần đây, người ta nói nhiều tới sự hồi sinh của nhạc bolero ở Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Bá Ngọc. |
Ý kiến này cũng nhận được những phản hồi từ độc giả. “Quan điểm của Quốc Trung xét trên khía cạnh tìm tòi phát triển, sáng tạo cái mới thì không sai. Nhưng âm nhạc là một phần của văn hóa, trong khi chúng ta luôn bảo tồn những nét đẹp cũ để hòa nhập cái hay mới tạo bản sắc riêng thì nhận định của anh là chưa đúng và hết sức chủ quan”, thành viên Kha Nguyễn chia sẻ.
Hiện nay, dòng nhạc EDM thịnh hành, các ca khúc pop, ballad được đầu tư tỉ mỉ về cả âm nhạc lẫn hình ảnh... nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của đa số khán giả trẻ.
Nhưng vẫn có một bộ phận trẻ lựa chọn quay về với những giai điệu xưa. Sự ra đời của hàng loạt các game show như Solo cùng bolero, Thần tượng bolero, Khán giả cùng bolero, Tình bolero, Người hát tình ca... đã minh chứng cho điều đó.
Nhiều ý kiến ủng hộ sự phát triển của bolero và đưa ra bình luận âm nhạc thời nay ca từ nhiều khi vô nghĩa. Ca sĩ phát âm tiếng Việt, tiếng nước ngoài lẫn lộn. Không chỉ vậy, việc ăn mặc hở hang, khác thường của nhiều ca sĩ trẻ cũng khiến phần lớn khán giả không khỏi ngán ngẩm.
"Nhạc hiện đại ra đời như mỳ ăn liền và chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, còn bolero vẫn đẹp mãi qua năm tháng với nhiều giá trị nhân văn", thành viên Ngọc Phượng bày tỏ.
Còn độc giả Huynh Anh Nguyen tuyên bố: "Tôi thà làm kẻ lạc hậu bên những bài bolero, nhạc nhà quê... còn hơn phải nghe thứ nhạc dị hợm."
Nếu những khán giả thế hệ 7X, 8X trung thành với bolero vì cái nhìn khắt khe về ca từ trong các dòng nhạc hiện đại, thì cũng có một bộ phận khán giả trẻ tìm đến bolero vì giai điệu nhẹ nhàng, dễ đi vào lòng người.
Facebooker Thuý Thanh nhận xét: “Bolero mang lại những cảm giác yên bình, khơi gợi những miền ký ức xa xưa mà những ca khúc hiện đại không bao giờ làm được”.
Chương trình Solo cùng Bolero nhận được sự quan tâm của khán giả. Ảnh: Dion Nguyễn. |
Bolero phát triển vì mục đích kiếm tiền?
Từ những năm 1950, bolero du nhập vào Việt Nam và trở nên phổ biến ở miền Nam, song ít thịnh hành ở miền Bắc. Việc các đêm nhạc bolero thống lĩnh ở cả hai miền như hiện nay khiến nhiều người nghi ngờ về thị hiếu âm nhạc của giới trẻ và không ít người đặt câu hỏi vì sao bolero lại phát triển đến như vậy?
Theo nhạc sĩ Quốc Trung, những thanh niên, trí thức trẻ tuổi thông thạo công nghệ, sành điệu hoặc sỡ hữu những bộ dàn hi-end đắt tiền nhưng lại đắm đuối với những ca khúc uỷ mị, sướt mướt có cách đây gần 100 năm là không bình thường.
Một số độc giả đồng tình với nhạc sĩ khi cho rằng sự trở lại mạnh mẽ của bolero chỉ là trào lưu, không hẳn do khán giả thực sự hiểu và yêu thích và những người theo đuổi dòng nhạc này phần lớn vì mục đích kiếm tiền.
“Từ sự thành công vang dội của cô bé Phương Mỹ Chi, bolero trở thành dòng nhạc trào lưu của giới trẻ. Nắm bắt được xu hướng đó, các nhà đài đã sản xuất liên tục nhiều chương trình, cuộc thi về bolero để thu hút người xem", quan điểm của thành viên Nguyên Phát.
Phương Mỹ Chi được cho là nguồn cảm hứng của bolero. |
Dòng nhạc bolero bỗng trở mình mạnh mẽ, từ việc chiếm lĩnh hàng loạt game show cho đến sự bùng nổ của các đêm nhạc khiến nhiều người đặt câu hỏi về xu hướng của thị trường nhạc Việt.
Các tên tuổi mới bước ra từ những cuộc thi bolero, cùng một bộ phận nghệ sĩ từ bỏ nhạc hiện đại để theo dòng nhạc trữ tình do không có chỗ đứng trong thị trường nhạc trẻ đã khiến độc giả cho rằng họ hát bolero là vì tiền chứ không phải đam mê thật sự.
“Thật khó có thể tin rằng một ca sĩ hát nhạc trẻ, khởi nghiệp bằng niềm đam mê nhạc trẻ lại có thể nhanh chóng thay đổi phong cách âm nhạc của mình. Nếu không vì chạy theo trào lưu để kiếm tiền thì tôi không nghĩ được lý do nào nữa", chia sẻ của thành viên Văn Đức.