Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Tôi trượt patin xuyên Việt

Xuất phát từ Cà Mau, tôi lên đường trượt patin xuyên Việt, mòn 2 bộ bánh xe để đến được thủ đô sau 128 ngày trước khi chạm tới điểm cuối hành trình là Hà Giang ngoạn mục.

Tôi đặt chân đến Hà Nội vào ngày 27/3, 128 ngày kể từ khi xuất phát.

Từ những vòng bánh xe patin lăn tròn đưa tôi đến chỗ làm cách nhà 5 km, tôi chưa bao giờ nghĩ những chiếc bánh xe nhỏ bé ấy lại có thể dẫn bước tôi đi vạn dặm xuyên Đông Nam Á và bây giờ là chuyến hành trình từ Đất Mũi Cà Mau đến cột cờ Lũng Cú (Hà Giang).

Tôi là Nguyễn Hoàng Phương (31 tuổi) - một nhà sáng tạo nội dung đến từ Tiền Giang. Tôi đang ở chặng cuối của hành trình trượt patin xuyên Việt với tổng lộ trình khoảng 2.600 km. Mỗi ngày trôi qua, cảnh vật trước mắt tôi liên tục thay đổi, từ đồng ruộng, biển xanh đến những cung đường rừng và các ngọn đèo ngoạn mục.

Từ phương tiện mưu sinh đến những cột mốc đáng nhớ

Năm 2009, tôi bén duyên với công việc phục vụ tại một nhà hàng cách nhà khoảng 5 km. Khi đó, túi tiền hạn hẹp không đủ để tôi nghĩ đến việc mua xe máy hay xe đạp. Trong một lần tình cờ, tôi nghĩ đến việc sử dụng patin, vừa nhỏ gọn, tiết kiệm, lại giúp mình rèn luyện sức khỏe.

Thế là đôi patin đã trở thành người bạn bất đắc dĩ của tôi hơn 15 năm qua. Dù đã trải qua 15 đôi giày, ký ức về đôi giày đầu tiên vẫn nguyên vẹn trong tôi.

Năm 2021, trào lưu đi xuyên Việt nở rộ với những chặng hành trình bằng xe máy, ôtô, thậm chí là đi bộ, nhưng chưa ai thử sức với patin. Tôi quyết định trở thành người đầu tiên thực hiện hành trình này, khởi đầu bằng chuyến đi từ TP Cà Mau đến Sa Pa (Lào Cai). Từ đó, chuỗi ngày trượt patin xuyên Đông Nam Á của tôi chính thức bắt đầu.

Hành trình tiếp theo là chuyến đi từ cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh) sang Lào, Thái Lan, quay về Campuchia rồi nhập cảnh lại Việt Nam qua Mộc Bài (Tây Ninh). Kế đến, tôi tiếp tục trượt patin từ Singapore đến Kuala Lumpur (Malaysia). Chuyến xuyên Việt lần này là chặng cuối, trước khi tôi trở về quê lập gia đình và ổn định cuộc sống.

Xuất phát từ Mũi Cà Mau vào ngày 19/11/2024, tôi lên đường với chiếc ba lô nặng trĩu trên lưng, khoảng 23-26 kg. Bên trong là quần áo, một đôi patin dự phòng, phụ tùng thay thế, bếp gas mini, đồ y tế, lương khô, cá hộp và chiếc võng mà tôi vẫn chưa có dịp dùng đến.

Trong khoảng 10 ngày đầu, tôi đi chậm để cơ thể quen với cường độ vận động cao. Mỗi ngày, tôi xuất phát từ 8h và đi đến khoảng 18h, trung bình từ 20 đến 90 km/ngày, chủ yếu theo tuyến quốc lộ 1A cũ và mới. Tối đến khi về khách sạn, tôi tranh thủ làm việc, sáng tạo nội dung để kiếm tiền trang trải cho chuyến đi, cũng như đóng góp phần lớn lợi nhuận thu được giúp đỡ cho đồng bào vùng cao.

Trên đường đi, tôi đối mặt với không ít khó khăn, từ thời tiết nắng như đổ lửa, những cơn mưa bất chợt, các đoạn đường đang thi công, sỏi đá và bùn lầy. Đã nhiều lần tôi muốn bỏ cuộc, nhưng nghĩ đến các em nhỏ và lý do mình bắt đầu, tôi lại cố gắng kiên trì để hoàn thành mục tiêu đề ra.

Thử thách

Di chuyển hơn 2.000 km, tôi không tránh khỏi những tai nạn. Hai lần chấn thương nặng là những ký ức không thể quên. Một lần khi đổ đèo Quán Cau (Phú Yên) vào lúc trời tối, tôi không kịp tránh một ổ gà và ngã khá nặng. May mắn có người đi ngang thấy tôi ngồi bệt bên vệ đường đã mua bông băng, thuốc đỏ và giúp tôi sơ cứu. Lần thứ hai là tại TP Quy Nhơn (Bình Định), tôi vấp phải đá trên vỉa hè và ngã ngang. Những sự cố như vậy nhắc nhở tôi phải luôn cẩn thận và tập trung trên mọi nẻo đường, vì chỉ cần lơ là một giây có thể dẫn đến hậu quả khôn lường.

Bên cạnh những thử thách, hành trình patin xuyên Việt cũng mang lại cho tôi vô vàn điều thú vị. Dù không thể vừa đi vừa ngắm cảnh một cách thong thả như đi bộ hay xe đạp, bù lại tôi có cơ hội cảm nhận rõ hơn về từng con dốc, từng đoạn đường và những cơn gió, tia nắng trên da.

Cung đường ven biển từ Đà Nẵng về Huế, đặc biệt là đèo Hải Vân, vẫn là cung đường đẹp và ấn tượng nhất trong lòng tôi. Tôi đã mất đến 5 tiếng đồng hồ để chinh phục đoạn đường đèo dài gần 21 km. Tôi vẫn mang giày patin để leo dốc, nhưng khi xuống dốc, ở nhiều đoạn cua nguy hiểm và đường xấu, tôi phải gỡ giày ra để đi bộ, việc này khiến tôi tốn khá nhiều thời gian.

Riêng đoạn đường từ Vĩnh Phúc đến Tuyên Quang, đường nhỏ, rất xấu và nhiều xe container, tôi quyết định đi xe ôm khoảng 30 km đến TP Tuyên Quang để tránh rủi ro. Vì sau cùng, an toàn cho mình và mọi người xung quanh vẫn là quan trọng nhất.

Động lực từ những người xa lạ

Khi mới quyết định lên đường, gia đình tôi, đặc biệt là ba mẹ, đã rất lo lắng và buồn rầu. Mọi người không hiểu vì sao tôi lại bỏ công việc ổn định để theo đuổi hành trình mạo hiểm.

Nhưng theo thời gian, họ dần thay đổi suy nghĩ khi thấy tôi nhận được sự quan tâm và ủng hộ lớn từ cộng đồng. Giờ đây, ba mẹ không còn trách mắng mà thay vào đó là sự quan tâm và niềm tự hào khi người khác hỏi về tôi. Sự thay đổi ấy cũng là nguồn động viên lớn để tôi theo đuổi mục tiêu của riêng mình.

Với nguyên tắc không nhận tiền từ người lạ, tôi từ chối mọi lời đề nghị hỗ trợ tài chính mà chỉ nhận đồ ăn, nước uống từ những người tốt bụng. Tôi thường cố gắng thương lượng giá khi ở khách sạn và đôi khi, tôi được miễn phí tiền phòng khi chủ nhà nghỉ biết về hành trình "điên rồ" và mục đích của tôi.

Đây không chỉ là một chuyến đi khám phá những vùng đất mới, mà còn là hành trình thử thách để tôi chinh phục chính mình. Việc vượt qua những khó khăn về mặt thể lực, thời tiết, giao thông, và cả những giây phút cô đơn trên đường đã giúp tôi trưởng thành hơn rất nhiều. Tôi học cách kiên trì, tập trung và mạnh mẽ đối diện với mọi thử thách.

Thông qua hành trình này, tôi muốn lan tỏa những điều tốt đẹp đến cộng đồng. Nếu có những tấm lòng muốn đóng góp, tôi hướng mọi người ủng hộ trực tiếp vào Hội Chữ thập đỏ hoặc Quỹ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Tôi dự định dành khoảng 70% số tiền kiếm được việc sáng tạo nội dung trong suốt hành trình này để giúp đỡ đồng bào khó khăn. Khi cán đích, tôi sẽ trích 10 triệu đồng để mua sách vở tặng trẻ em vùng cao, phần còn lại gửi vào các tổ chức từ thiện.

Hành trình xuyên Việt sắp đi đến hồi kết, với điểm đến cuối cùng là cột cờ Lũng Cú ở Hà Giang. Sau chuyến đi này, tôi dự định trở về quê, dành thời gian cho gia đình sau 4 năm phiêu bạt.

Những năm qua, đôi giày patin đã trở thành người bạn đồng hành, mang đến cho tôi những trải nghiệm vô giá. Nhờ nó, tôi có cơ hội khám phá đất nước, gặp gỡ những con người tuyệt vời và quan trọng nhất là vượt qua giới hạn của bản thân. Hành trình này sẽ mãi là dấu ấn khó quên trong cuộc đời tôi - một minh chứng cho thấy rằng đôi khi những điều tưởng chừng như không thể lại mang đến những câu chuyện phi thường.

Travel blogger truyền cảm hứng du lịch qua những câu chuyện đầy màu sắc về những điểm đến mới lạ, những trải nghiệm độc đáo mà họ khám phá được trong hành trình. Những bài viết, video hay hình ảnh của họ không chỉ mang lại kiến thức về địa lý, mà còn khơi gợi niềm đam mê khám phá thế giới. Đọc sách là một phần không thể thiếu trong hành trình này, giúp họ tìm hiểu sâu sắc hơn về văn hóa, lịch sử và con người ở mỗi nơi.

Mục Du lịch - Ẩm thực giới thiệu chân dung travel blogger kiêm tác sách, những con người lan tỏa nguồn cảm hứng xê dịch và tiếp nạp tri thức.

> Xem thêm: Travel blogger Đinh Hằng: Thật khó để cô đơn khi du lịch một mình

Tôi đưa con gái 3 tuổi phượt Trung Quốc, Thái Lan

Sau 2 chuyến xuyên Việt từ ngày con gái còn ẵm ngửa trên tay, vợ chồng tôi tiếp tục đưa bé phượt Trung Quốc và Thái Lan. Mỗi chuyến đi đều là mảnh ghép đặc biệt trong tuổi thơ của con.

Linh Huỳnh (ghi)

Ảnh: Nguyễn Hoàng Phương

Bạn có thể quan tâm