“Lúc ấy, tôi chẳng còn thiết sống nữa”, Meghan Markle chia sẻ với Oprah Winfrey trong cuộc phỏng vấn “bom tấn” được phát sóng trên CBS tối 7/3.
“Nó rất thực, rõ ràng và đáng sợ”, Meghan tiếp tục cởi mở về những suy nghĩ tự tử của mình khi đang mang bầu con trai đầu lòng Archie.
Đó là khoảnh khắc mà ngay cả những người hâm mộ cuồng nhiệt nhất của gia đình Hoàng gia Anh cũng phải giật mình, theo The Lily.
Vợ chồng Meghan Markle và Hoàng tử Harry trong cuộc phỏng vấn với Oprah Winfrey. |
Những chia sẻ thẳng thắn của Meghan Markle về các vấn đề sức khỏe tâm thần đã gây ấn tượng với nhiều người, đặc biệt là tiết lộ về suy nghĩ tự sát.
Không ít người bày tỏ nỗi sốc khi nghe tin, đồng thời biết ơn vì sự trung thực của nữ công tước. Sự cởi mở của một nhân vật nổi tiếng sẽ giúp những người đang vật lộn với chứng trầm cảm và ý nghĩ tự tử được nhìn nhận.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia, trong đó có nhà tâm lý học Alfiee Breland-Noble, cho biết hành động của Meghan có thể cứu nhiều mạng sống khác. Nữ bác sĩ khẳng định cuộc trò chuyện thẳng thắn trên sóng truyền hình giúp mang sức khỏe tâm thần “ra ánh sáng”.
Meghan chia sẻ về quãng thời gian muốn tự vẫn khi cô mang bầu Archie. |
Phụ nữ da màu dễ rơi vào trầm cảm
Alfiee, bác sĩ có trụ sở phòng khám ở bang Texas (Mỹ), người đã nghiên cứu sự khác biệt về sức khỏe tâm thần suốt hơn 20 năm, cho biết cô nhận thức sâu sắc về cách danh tính của Meghan Markle, với tư cách là một phụ nữ da đen đa sắc tộc, định hình trải nghiệm cá nhân.
Nó bao gồm sự cô lập mà nữ công tước phải đối mặt trong gia đình Hoàng gia Anh và cả chuyện báo chí lá cải Anh “bắt nạt” Meghan.
Nhà tâm lý học chỉ ra điều này hoàn toàn phù hợp với dữ liệu năm 2017 từ Viện Sức khỏe Tâm thần Mỹ, rằng những người trưởng thành đa chủng tộc có khả năng trải qua giai đoạn trầm cảm lớn so với các nhóm một chủng tộc và dân tộc khác.
Năm 2020, đại dịch Covid-19 tiếp tục làm gia tăng thêm các vấn đề sức khỏe tâm thần, bao gồm trầm cảm, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC).
“Khi đến từ một nhóm dân số bị gạt ra ngoài lề xã hội, bản thân bạn phải chịu những gánh nặng khác nhau và cả chấn thương tâm lý. Hơn nữa, Meghan còn là một trong những phụ nữ có địa vị cao nhất thế giới. Điều đó trầm trọng thêm tất cả vấn đề liên quan đến sắc tộc ở mức sâu sắc”, Alfiee chia sẻ với The Lily.
“Thực tế, chẳng ai muốn gắn thêm cái mác bệnh tâm thần để rồi chịu thiệt thòi hơn nữa”, cô nói thêm.
Nhiều người ủng hộ vợ chồng Hoàng tử Anh chia sẻ thẳng thắn về sức khỏe tâm thần trên sóng truyền hình. |
Ý định tự tử, gồm suy nghĩ đến, cân nhắc hoặc lên kế hoạch quyên sinh, vốn là một chủ đề khó bàn luận.
Có nhiều kiểu suy nghĩ khác nhau được xếp vào “ý định tự sát” như chủ động lập kế hoạch, hình dung cái chết như thế nào hoặc những cảm giác mơ hồ hơn như khao khát được giải thoát, không muốn được tồn tại trên cõi đời.
Nhiều phụ nữ, đặc biệt là người da màu, thường đặt nhu cầu của người khác lên trên bản thân, theo nhà tâm lý học Alfiee. Vì quyên sinh thường được gắn liền với sự ích kỷ, họ khó chia sẻ ý định tự sát, ngay cả khi rất cần sự giúp đỡ.
Khi Jasmine Barnes (25 tuổi) xem cuộc phỏng vấn giữa vợ chồng Hoàng tử Harry với bà Oprah, cô thực sự cảm thấy “ớn lạnh toàn thân”.
Chia sẻ với The Lily, Jasmine, người làm việc tại một tổ chức phi lợi nhuận về giáo dục ở Chicago (bang Illinois, Mỹ), cho biết cô chưa từng trải qua cơn trầm cảm nghiêm trọng như Meghan mô tả.
Tuy nhiên, với tư cách là một phụ nữ da đen, sự “thiếu bảo vệ” mà Meghan chia sẻ đã chạm đến Jasmine.
“Bạn có thể gặp nguy hiểm và không ai ở đó giúp đỡ. Chẳng ai biết được nỗi đau của bạn”, cô nói.
Câu chuyện của Meghan chạm đến nhiều khán giả. |
Cuộc phỏng vấn chạm đến khán giả
Giống như nhiều khán giả khác xem cuộc phỏng vấn, Sarah Minnis (49 tuổi), trợ lý giáo sư ở bang North Carolina (Mỹ), rơi nước mắt khi nghe nữ công tước chia sẻ về suy nghĩ tự sát.
“Đoạn phỏng vấn đó thực sự gây tác động mạnh vì tôi từng rơi vào tình cảnh tương tự”, cô chia sẻ.
20 năm trước, Sarah mất đứa con đầu lòng do thai chết lưu. Đó là một nỗi đau khôn cùng nhưng Sarah buộc phải kìm nén cảm xúc của mình. Gia đình cô khi ấy cũng rất đau khổ. Cô không muốn nỗi tuyệt vọng của mình trở thành gánh nặng cho họ.
Sarah luôn tự hào về sự mạnh mẽ và tự tin của bản thân. Thế nhưng, cô nghe thấy tiếng vang vọng trong đầu rằng: “Tôi không muốn tồn tại trên cõi đời này nữa”.
Cuối cùng, Sarah quyết định mở lòng với người khác và cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Cô không còn cảm thấy cô độc nữa.
Meghan cũng tiết lộ cô bị phân biệt chủng tộc ở trong Hoàng gia Anh. |
Tương tự nhà tâm lý học Alfiee, Sarah tin rằng cuộc phỏng vấn của nữ công tước có thể cứu sống nhiều mạng người.
Còn bác sĩ Alfiee, điều cô cảm thấy hài lòng hơn cả đó là việc khán giả không chỉ được nghe chia sẻ về sức khỏe tâm thần từ người “có tất cả mọi thứ”, mà Meghan và Hoàng tử Harry còn khuyến khích họ tìm kiếm sự giúp đỡ. Bởi trên thực tế, nhiều người bị choáng ngợp và không biết phải làm gì khi gặp vấn đề.
“Khi bạn rơi vào tình trạng khủng hoảng tâm thần, hãy cố gắng nói với ai đó rằng bạn cần giúp đỡ. Đừng chịu đau khổ trong im lặng”, cô nói.