Đại sứ chương trình “3 điều ước” của tỉnh Phú Yên - cô giáo Lê Thị Thu Trang (dân tộc Nùng), giáo viên Ngữ văn trường Tiểu học và THCS EaTrol, huyện Sông Hinh - cho biết bản thân gắn bó nhiều năm với phụ huynh và học sinh người dân tộc thiểu số, đặc biệt là công tác vận động học sinh bỏ học đến trường.
Các em bỏ học vì nhiều lý do như hoàn cảnh gia đình quá khó khăn mà phải đi làm thuê, chăn bò thuê, cuốn vào cuộc mưu sinh, vì bản thân và gia đình các em chưa ý thức được vai trò của việc học tập... Trong cuộc đời đi dạy của cô, có lẽ, điều ám ảnh, đau lòng mãi, đó là câu chuyện về một học sinh nghèo khốn khổ và lý do bỏ học.
Đó là học trò Trần Thị Thanh Huyền mà cô Thu Trang trực tiếp dạy em trong gần 3 năm học. Năm học 2011-2012, Huyền là học lớp 7C, trường Phổ thông cấp II - III Tân Lập. Năm học 2012-2013, khi được điều động đến dạy học tại trường THCS EaLy, cô Thu Trang lại gặp em và dạy em ở lớp 8B. Đến đầu học học kỳ II lớp 9, năm học 2013-2014, Huyền bỏ học. Lý do em bỏ học của em Huyền luôn là nỗi day dứt, ám ảnh đối với cô giáo trẻ Lê Thị Thu Trang.
Cô Trang tận tụy bên học trò nhỏ. Ảnh: Giáo Dục và Thời Đại. |
Theo lời kể của cô giáo Thu Trang, Huyền là chị cả của hai em nhỏ, một em gái học lớp 5, một em trai 4 tuổi học mẫu giáo. Cả 3 chị em sống với bà nội hơn 80 tuổi, bố mẹ của em đi làm rẫy ở xa, thỉnh thoảng mới về.
Hơn 12h ngày 15/2/2012, em gái của Huyền ra ao của một người hàng xóm để mò ốc, xúc hến cải thiện bữa ăn hàng ngày chỉ có cơm trắng và muối ớt thì chẳng may bị chết đuối dưới ao.
Không lâu sau, bà nội của em qua đời, mẹ đem theo em trai bỏ nhà đi đâu không rõ. Em sống với bố. Trong suốt năm học lớp 8 và học kỳ I lớp 9, em thường xuyên đói ăn, thiếu mặc.
Không chỉ thiếu thốn về vật chất mà em còn thiếu thốn cả về tinh thần, thiếu tình yêu thương, sự quan tâm dạy bảo của bố mẹ. Em thường bị bố đánh đập, chửi mắng.
Mong không còn học trò phải nghỉ… vì nghèo
Nhớ lại thời gian đó, cô Thu Trang vẫn không khỏi bùi ngùi: "Có lẽ vì thấy tôi hay quan tâm nên em Huyền thường hỏi mượn tiền tôi. Khoảng thời gian đó, tôi rất khó khăn. Hai con tôi còn nhỏ, mẹ chồng già hay đau yếu, chồng thường xuyên đi công tác, đi học tập, bồi dưỡng chuyên môn vắng nhà".
Nữ giáo viên kể thời gian đó cô phải ngày dạy 2 buổi, mỗi tuần 31 tiết (19 tiết dạy chính khóa buổi sáng, 12 tiết dạy bồi dưỡng học sinh giỏi vào buổi chiều). Cứ đến trưa là cô phải chạy xe về nhà, tất bật việc nhà, chăm con xong lại vội vã “phóng” xe đi ngay. Trường cách nhà gần 30 km, nhiều khi nữ giáo viên như “anh hùng xa lộ” cho kịp giờ dạy. Việc thường xuyên đi - về như thế cũng khiến cô phải lao đao vì không đủ tiền đổ xăng.
“Bao khó khăn, vất vả rồi cũng qua nhưng những lúc học trò khó khăn, hỏi mượn tiền, tôi chỉ có thể cho em vài chục nghìn dung đỡ tạm, không có nhiều cho em, tôi đau lòng lắm”, cô Thu Trang sẻ.
Đến đầu học kỳ II năm học 2013-2014, em Huyền thường xuyên vắng học. Tuy không phải là giáo viên chủ nhiệm, cô thường tìm em để động viên, thuyết phục em quay lại trường. Em có nghe lời giáo viên, quay lại trường học lác đác vài buổi rồi nghỉ hẳn.
Cô hỏi thăm, được biết em Huyền làm nhân viên gội đầu ở tỉnh ĐăkLăk. Biết một chị đồng nghiệp cũng rất thương Huyền nên cô Trang tâm sự, rủ chị cùng đi Đắk Lắk với tôi một chuyến, thuyết phục Huyền quay về học.
Sau những thuyết phục không thành, đến giờ tôi vẫn nhớ như in câu nói của chị đồng nghiệp: “Thôi em ạ, để cho em ấy đi làm cho thanh thản, đừng cố níu kéo”. Câu nói ấy của chị và tình cảnh đáng thương của em Huyền khiến tôi rất đau xót.
Đó là nỗi đau của một người giáo viên đã không thể làm chỗ dựa cho một thân phận bé nhỏ, đáng thương, mới chỉ là học sinh trung học cơ sở mà đã phải bước vào đời mưu sinh, không được tiếp tục đến trường.
Chứng kiến nhiều hoàn cảnh và lý do bỏ học của các em học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số, cô Thu Trang luôn canh cánh điều ước, đời sống đồng bào được cải thiện, nhận thức của đồng bào về sự học được nâng lên, điều kiện học tập của các em học sinh sẽ nhận được thêm sự hỗ trợ từ các cấp, các ngành để hút các em đến lớp.
"Thời gian tới, tôi dự định sẽ tìm một việc làm ngoài giờ để có thêm thu nhập, mong giúp đỡ phần nào cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh", cô Thu Trang cho biết.
Hơn 17 năm gắn bó với học sinh vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, cô Trang nhận thấy, có những năm tỷ lệ học sinh bỏ học khá cao, không phải vì điều kiện kinh tế khó khăn mà chính là sự nhận thức từ gia đình và các em.
Có những phụ huynh và học sinh cho rằng đi học là vì mục đích để sau này làm cán bộ, công chức, viên chức nhà nước còn nếu học xong lỡ không xin được việc làm trong nhà nước mà về làm rẫy thì không cần học để làm gì?
"Thiết nghĩ, chỉ khi các em được tạo điều kiện để học tập thì nhận thức xã hội của thế hệ công dân tương lai mới được cải thiện. Và nhờ vậy, sẽ không còn hệ luỵ học sinh thất học nữa. Trẻ em dân tộc thiểu số bởi vậy cần được quan tâm, động viên hơn nữa về mọi mặt với sự chung tay của toàn xã hội. Những người làm giáo dục vùng khó ước mong được tiếp sức vì tương lai của học trò nghèo và sự phát triển bền vững của địa phương”, cô Thu Trang trải lòng.