Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Tôi xấu hổ vì 38 tuổi không có tiền tiết kiệm dù lương cao’

Kiếm được 7.000 SGD/tháng cho vị trí giám đốc truyền thông, Lavinia (Singapore) thừa nhận với tạp chí Her World rằng cô không có đồng nào trong tài khoản ngân hàng và đang nợ nần.

Nhìn bề ngoài, mọi người thường không nghĩ tôi túng thiếu vì trông như lúc nào tôi cũng có tiền. Nhưng đó chính xác là tình hình tài chính của tôi hiện giờ.

Không phải tôi không kiếm được nhiều tiền. Thực tế, thu nhập của tôi là 7.000 SGD/tháng - con số khá ấn tượng so với hầu hết đồng nghiệp. Tôi nghĩ rằng mình chỉ tệ trong việc quản lý tiền bạc. Kể từ khi bắt đầu làm việc ở tuổi 23, tôi không tiết kiệm được đồng nào.

Thói quen mua sắm vô độ

Tôi lớn lên trong gia đình đạm bạc. Bố mẹ tôi làm việc chăm chỉ và có mức lương khá, nhưng họ hầu như không mua gì. Cả nhà tôi không bao giờ đi nghỉ dưỡng.

Tôi và chị gái không được cho nhiều tiền tiêu. Thậm chí, tôi thường phải dùng lại quần áo và sách cũ của chị. Bố mẹ tôi chỉ xem những thứ vật chất và kỳ nghỉ dưỡng là lãng phí tiền bạc.

38 tuoi khong co tien tiet kiem anh 1

Lavinia có thu nhập khá nhưng gặp vấn đề về quản lý tiền bạc.

Năm 18 tuổi, tôi làm nhân viên bán thời gian trong quán cà phê. Nhờ đó, tôi tự kiếm được tiền và không cần phải xin bố mẹ mua quần áo đẹp, đồ trang điểm hay sản phẩm dưỡng da.

Hơn một năm, tôi kiếm được khoảng 8.000 SGD. Thế nhưng, thay vì tiết kiệm, tôi lại đốt hết tiền vào những thứ phù phiếm như đi xem phim với bạn bè, mua ví hàng hiệu, quần áo và giày dép hợp mốt. Càng mua nhiều, tôi càng nghĩ rằng mình không thể thiếu chúng.

Sau khi tốt nghiệp đại học năm 23 tuổi, tôi có công việc toàn thời gian đầu tiên với mức lương 2.500 SGD/tháng. Đó là số tiền lớn đối với một cô gái tầm tuổi tôi. Nhưng trong vài năm sau đó, tôi tiêu sạch những gì mình kiếm được.

Tôi mua sắm hàng hiệu, tận hưởng kỳ nghỉ xa hoa, đi spa, mua quà đắt tiền cho gia đình và bạn bè, di chuyển bằng taxi khắp mọi nơi, trải nghiệm tiện ích sang trọng, ăn tối trong những nhà hàng sang chảnh.

Thời điểm bước sang tuổi 30, tức sau 7 năm làm việc và kiếm được tiền, tôi chỉ có khoảng 1.500 SGD trong tài khoản tiết kiệm. Dù vậy, tôi cũng không quá lo lắng. Tôi tự huyễn hoặc rằng mình còn trẻ và còn nhiều thời gian để có thêm tiền để dành.

Ở tuổi 33, tôi có công việc với mức lương 5.000 SGD/tháng - số tiền lớn nhất tôi từng kiếm được từ trước tới giờ. Đó là cơ hội hoàn hảo để xin lời khuyên từ chuyên gia và bắt đầu lập kế hoạch quản lý tài chính cho tương lai. Thế nhưng, tôi đã làm ngược lại.

Tôi lãng phí tiền lương của mình vào những thứ mà bản thân có lẽ không cần thiết dùng tới. Khi bước sang tuổi 37 vào năm ngoái, tôi chỉ có 3.000 SGD tích trữ trong tài khoản tiết kiệm thông thường.

Không thể tiết kiệm

Tôi rất xấu hổ khi không thể tiết kiệm được đồng nào, mặc dù đã làm việc nhiều năm rồi. Tôi có vài giả thiết về việc tại sao mình lại quản lý tiền bạc tệ đến vậy.

Trước tiên, tôi lớn lên trong hoàn cảnh không có nhiều tiền. Vì vậy, một khi bắt đầu kiếm được tiền, tôi bị cuốn vào việc tiêu tiền chóng vánh.

Thứ hai, tôi có xu hướng sống kiểu hôm nào cũng có thể là ngày cuối cùng trong đời. Một phần trong tôi nghĩ: “Chắc chắn, tôi có thể tiêu hết tiền và từ bỏ việc tận hưởng bản thân. Nhưng ngày mai tôi có thể chết và không thể mang tiền đi theo”.

38 tuoi khong co tien tiet kiem anh 2

Lavinia cho rằng thói quen mua sắm vô độ khiến cô không thể tiết kiệm tiền.

Nhiều lần, tôi tự chất vấn bản thân tại sao không thể thận trọng hơn trong việc chi tiêu. Và câu trả lời luôn giống nhau: mua sắm, du lịch và chi tiêu cho bản thân khiến tôi hạnh phúc. Tôi yêu lối sống này.

Hiện, tôi thuê căn hộ với một người bạn. Giá thuê không hề rẻ, nhưng tôi không ngại chi thêm một chút để sống ở nơi có vị trí đắc địa và tiện nghi.

Cha mẹ khuyên tôi chuyển về sống cùng họ để có thể tiết kiệm khoảng 2.700 USD/tháng, nhưng tôi từ chối vì quá coi trọng sự độc lập của mình.

Không bao giờ là quá muộn

Tôi biết ơn vì mình chưa sinh con đẻ cái. Hầu hết bạn bè tôi đều có con nhỏ nên lương của họ được dùng để đầu tư vào giáo dục, các lớp đào tạo tài năng và giải trí cho chúng.

Họ hầu như không còn dư tiền để làm những việc bản thân mong muốn. Tôi không thể tưởng tượng mình cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự. Thậm chí, tôi không hiểu vì sao họ có đủ khả năng để sinh ra và nuôi dạy một đứa trẻ.

Nếu quyết định kết hôn và có con, trách nhiệm về tài chính của tôi sẽ lớn hơn. Nhưng hiện tại, tôi tận hưởng số tiền kiếm được và có thể mua mọi thứ, đi mọi nơi mình mong muốn.

Tôi lo lắng về tương lai. Tôi sợ mất việc hoặc phải đối mặt với tình huống khẩn cấp khiến mình chìm sâu vào nợ nần. Tôi không biết điều gì sẽ xảy đến khi mình quá già để đi làm. Ai sẽ chăm sóc hoặc chu cấp khi tôi không còn tiền?

Tôi không muốn nhờ cậy gia đình. Bố mẹ tôi không hề biết con gái đang nợ nần chồng chất. Bạn bè cũng không biết gì về tình hình tài chính của tôi. Họ chỉ biết tôi là người “chịu chi” khi nhìn cách tôi vung tiền mua sắm, đi du lịch. Họ cho rằng tôi giàu có.

38 tuoi khong co tien tiet kiem anh 3

Ở tuổi 38, Lavinia lo lắng cho tương lai khi không có tiền tiết kiệm.

Gần đây, tôi gặp một chuyên gia tài chính và giải thích tình cảnh hiện tại của mình. Anh ấy nói không bao giờ là quá muộn để bắt đầu tiết kiệm cho tương lai. Tất nhiên, tôi sẽ phải tiết kiệm nhiều hơn so với bạn bè - những người bắt đầu thắt chặt chi tiêu từ cách đây 10-20 năm. Tôi cũng phải đầu tư số tiền đó một cách khôn ngoan.

Đó là điều tôi nghĩ đến cho năm tới. Mục tiêu của tôi là có khoản để dành đáng kể vào năm 50 tuổi. Điều đó có nghĩa là tôi phải nghiêm khắc hơn với việc chi tiêu, xóa nợ, đầu tư thông minh và kiếm công việc bán thời gian nếu cần thiết.

Hy vọng tôi có thể đạt được mục tiêu của mình. Càng lớn tuổi, tôi càng sợ viễn cảnh không thể tự chăm sóc bản thân.

Malia Obama sẽ làm công việc gì

Theo thông tin độc quyền từ The Hollywood Reporter, ái nữ nhà Obama sẽ đảm nhận vai trò biên kịch cho dự án truyền hình đang được lên kế hoạch thực hiện.

Thiên Nhi

Ảnh: 123rf

Bạn có thể quan tâm