Tỷ lệ người trưởng thành, đặc biệt người trẻ, sử dụng thuốc lá điện tử ở Việt Nam gia tăng mạnh trong vòng 5 năm trở lại đây. Ảnh: Unsplash. |
Cuối tháng 6, một nam thanh niên 20 tuổi được gia đình đưa đến cấp cứu tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, trong tình trạng hôn mê, tụt huyết áp.
Gia đình kể lại khoảng 4h sáng 26/6 nghe thấy tiếng động lạ, sau đó phát hiện nam sinh đang co giật, bất tỉnh.
Ma túy trong thuốc lá điện tử
Sau khi nhập viện, các bác sĩ chẩn đoán nam sinh này bị tổn thương tim, não sau khi dùng thuốc lá điện tử. Đáng chú ý, mẫu thuốc lá điện tử bệnh nhân này sử dụng có cần sa tổng hợp.
Tương tự, một thanh niên 23 tuổi khác đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cũng trong tình trạng co giật, hôn mê, suy hô hấp, suy thận. Gia đình cho biết bệnh nhân có sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá thường 2 năm.
Kết quả chụp CT cho thấy bệnh nhân bị giãn phế nang, tổn thương chất trắng não hai bên lan tỏa.
Đây là 2 trong số rất nhiều bệnh nhân các bác sĩ Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, tiếp nhận được TS.BS Nguyễn Trung Nguyên chia sẻ trong hội thảo về tác hại của thuốc lá mới và đề xuất biện pháp cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, tàng trữ, quảng cáo các sản phẩm này, ngày 5/7.
Theo TS Nguyên, tổng hợp báo cáo của gần 700 cơ sở khám, chữa bệnh cho thấy chỉ trong năm 2023, có đến hơn 1.200 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng co giật, hôn mê, suy hô hấp, suy thận. Ảnh: BSCC. |
Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cũng cho hay tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên sử dụng thuốc lá điện tử đã tăng từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% vào năm 2020. Đặc biệt, con số này ở nam giới tăng mạnh từ 0,4% lên 5,6%.
Con số đáng ngại hơn nữa là tỷ lệ phụ nữ sử dụng thuốc lá điện tử cũng tăng từ 0,1% lên 1%.
Theo chuyên gia này, chỉ trong 5 năm, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử đã vượt lên rất cao. Kết quả phòng chống thuốc lá trong 30 năm sẽ bị "thiêu rụi" trong vòng 3 năm nếu chúng ta cho phép thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng vào Việt Nam.
Đồng quan điểm, ThS.BS Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, cho rằng các sản phẩm thuốc lá mới rất độc hại cả về lâu dài và ngay trước mắt, không khác với thuốc lá truyền thống. Đặc biệt, gần đây tỷ lệ sử dụng gia tăng tương đối nhanh chóng.
Loại thuốc lá thế hệ mới bệnh nhân đã sử dụng. Ảnh: BSCC. |
Chất gây tổn thương gene trong khói thuốc lá nung nóng
Tại hội thảo, ThS.BS Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, cho hay các bằng chứng về giảm hại của thuốc lá nung nóng còn hạn chế và chủ yếu do ngành công nghiệp tạo ra.
Nghiên cứu độc lập cho thấy một số chất độc trong khói tỏa của thuốc lá nung nóng thấp hơn so với khói thuốc thông thường. Tuy nhiên, hàm lượng của nhiều chất độc khác lại cao hơn.
Bên cạnh đó, các loại thuốc lá này dùng pin và bình chứa kim loại, khi xét nghiệm ra chứa thủy ngân, chì. Khói tỏa có thể gây nhiều bệnh ung thư.
Theo các đại diện WHO tại Việt Nam, ít nhất 4 chất trong số này gây ung thư, 15 chất có khả năng gây tổn thương gene. Hàm lượng chất độc trong thuốc lá điện tử thay đổi theo cách sử dụng. Người sử dụng có nhiều nguy cơ mắc bệnh mạn tính giống như thuốc lá thông thường.
Bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế. Ảnh: T.D. |
Bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, cũng cho rằng thuốc lá mới đang là vấn đề nóng. Hiện chúng ta chưa có cơ chế pháp lý rõ ràng để quản lý thuốc lá mới nên các sản phẩm này được nhập lậu vào Việt Nam, tiếp cận giới trẻ.
Bộ Y tế đề xuất Quốc hội, Chính phủ kịp thời ban hành quy định để cấm toàn diện với các sản phẩm này trước khi việc sử dụng trở nên phổ biến hơn. Cụ thể, cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo, sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác có thể sẽ xuất hiện trong tương lai.
ThS.BS Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, cũng cảnh báo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có rất nhiều loại hương hiệu, hình thức hấp dẫn, tăng nguy cơ mất an toàn. Ngoài ra, nghiên cứu tại Mỹ cũng cho thấy khi sử dụng thuốc lá điện tử thì khả năng sử dụng ma túy tăng lên 3,5 lần so với người không hút thuốc.
"Hiện tại, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới không được phép nhập khẩu, quảng cáo và bán tại Việt Nam. Tuy nhiên, chúng vẫn được bày bán khá tràn lan. Việc duy trì tình trạng như hiện nay sẽ dẫn tới tình trạng sử dụng tiếp tục gia tăng nhanh trong giới trẻ', BS Lâm nói.
'Vệ sĩ' vô hình của con người
Nếu có hệ miễn dịch ổn định, cơ thể sẽ sản sinh ra nhiều kháng thể chống lại các bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn, virus gây nên. Bạn sẽ khỏe mạnh mà không cần tới thuốc men.
Cuốn sách "Siêu tổ chức con người" của tác giả Rodney Dietert đem tới cho bạn đọc những kiến thức hữu ích để bảo vệ hàng rào đề kháng tự nhiên của cơ thể và xây dựng lối sống lành mạnh.