Sau lễ khai giảng vài ngày, hôm 9/9, một phụ huynh - cũng là một ca sĩ tại Hà Nội - bức xúc lên tiếng về việc giáo viên của con mình yêu cầu học sinh ghi các khoản thu vào vở, sau đó về đưa phụ huynh để nộp tiền cho cô. "Khai giảng được 4 hôm mà 3 lần đóng tiền, toàn tiền triệu", phụ huynh này cho biết.
Đồng phục còn mới vẫn phải mua
Trước đó, một diễn đàn dành cho giáo viên đã xuất hiện tờ thông báo về các khoản thu đầu năm của học sinh được ghi là của trường THCS Minh Tân (huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng). Tờ thông báo liệt kê các khoản thu đầu năm, gồm tiền kỹ năng sống, vở viết, vở bài tập, đồng phục... Khoản thu nhiều nhất là tiền học thêm (hơn 3 triệu đồng) và tổng số tiền lên tới 9,188 triệu đồng.
Nói về các khoản thu tiền triệu đầu năm này, một phụ huynh có con đang học lớp 9 trường THCS Minh Tân cho hay tại cuộc họp phụ huynh ngày 27/8, thầy chủ nhiệm lớp đã thông báo các khoản thu năm học 2017-2018 với số tiền hơn 9 triệu đồng, gồm khoảng 20 mục, từ đồng phục, sách vở, học thêm, học thêm nhóm, sửa chữa cơ sở vật chất…
Sau khi nghe thầy giáo thông báo, một số phụ huynh đã đứng lên hỏi về học thêm, học nhóm, đồng phục, quỹ lớp, quỹ trường.
Nhiều khoản phí đang chờ phụ huynh đóng góp ngay từ đầu năm học. Ảnh: Hoàng Triều/Người Lao Động. |
Một phụ huynh gay gắt: "Tại sao năm nào cũng mua đồng phục, giá tiền lại lớn (750.000 đồng/bộ) rất tốn kém, trong khi đồng phục cũ vẫn dùng được?".
Câu trả lời của thầy chủ nhiệm là đồng phục này nhà trường đã đặt xong, nếu phụ huynh không mua nữa sẽ gây khó cho nhà trường!
Sau khi có ý kiến của các phụ huynh, lãnh đạo huyện Thủy Nguyên đã chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vào cuộc làm rõ. Theo ông Nguyễn Ngọc Hương, Phó chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên, qua kiểm tra, huyện phát hiện trường có nhiều khoản thu trái quy định, như tiền học thêm, tiền kỹ năng sống...
Tuy phiếu thu này không phải do nhà trường phát hành, huyện đã xác định được tới 18 khoản trùng khớp với các khoản trong tờ phiếu nêu nêu, trong đó nhiều khoản chưa được sự thống nhất từ hội cha mẹ học sinh và cũng chưa được cơ quan chức năng cho phép triển khai.
Theo ông Hương, huyện sẽ họp bàn, thống nhất lại các khoản thu để làm sao giảm gánh nặng cho phụ huynh học sinh trên địa bàn. Trước mắt, huyện sẽ tập trung xem xét và đưa ra hình thức kỷ luật đối với hiệu trưởng Trường THCS Minh Tân.
Phải trả lại tiền nếu thu trái quy định
Để siết chặt nạn lạm thu đầu năm học, Sở GD&ĐT Hà Nội vừa công bố 30 số điện thoại đường dây nóng nhận phản ánh của phụ huynh và xã hội. Sở GD&ĐT Hà Nội còn công bố số điện thoại đường dây nóng của sở là 0902.139764.
Trước đó, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ đã có hướng dẫn công tác thu chi trong các trường công lập năm học 2017-2018. Theo quy định của sở, thủ trưởng các cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý về các khoản thu - chi sai quy định hay để xảy ra tiêu cực trong thu hoặc ép buộc học sinh may (mua) đồng phục trái quy định.
Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định các trường phải trả lại tiền cho học sinh và phụ huynh nếu thu sai quy định. Với các khoản đóng góp tự nguyện để sửa chữa nhỏ hoặc mua sắm trang thiết bị của nhà trường, thu theo nguyên tắc không ép buộc hay bình quân hóa mức đóng góp của phụ huynh.
Trong khi đó, ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của học sinh hoặc gia đình các em các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện hoặc không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện, như bảo vệ nhà trường, trông coi phương tiện học sinh, vệ sinh trường lớp, khen thưởng giáo viên, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học...
Nhiều địa phương khác cũng đã ban hành văn bản siết chặt việc thu - chi đầu năm học.
Bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa, yêu cầu các địa phương, đơn vị tuyệt đối không được thu tiền đóng góp của phụ huynh để phục vụ chi thường xuyên mà ngân sách nhà nước đã bố trí, như: Chi hỗ trợ hoạt động giáo dục, điện sáng, nước sinh hoạt, khen thưởng, phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi, tiền bảo vệ trường…
Không được thu tiền làm vệ sinh lớp đối với học sinh THCS, THPT; không thu tiền tổ chức may đồng phục và tiền sách, vở, đồ dùng học tập...
Theo chỉ đạo của Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa, việc dạy thêm, học thêm ở THCS, THPT tối đa không quá 17.000 đồng/buổi/học sinh đối với lớp dưới 30 học sinh; tối đa không quá 15.000 đồng/buổi/học sinh đối với lớp 30-45 học sinh.
Với các khoản thu phục vụ học sinh như tiền bán trú, trông trẻ ngoài giờ…, nhà trường phải căn cứ tình hình thực tế, nhu cầu của cha mẹ học sinh, xây dựng dự toán chi tiết các khoản chi, thu theo nguyên tắc đủ chi và báo cáo phòng GD&ĐT thẩm định…