Ngày 14/2, TAND thị xã Phổ Yên (Thái Nguyên) tuyên phạt bị cáo Lê Ngọc Hoàng (35 tuổi, quê Thái Bình, tài xế xe container) 4,5 năm tù về tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.
Cùng tội danh này, Ngô Văn Sơn (42 tuổi, ở Bắc Ninh, lái xe Innova) lĩnh 9 năm tù. Về dân sự, tòa buộc 2 tài xế bồi thường cho gia đình các bị hại tổng số tiền hơn 1,5 tỷ đồng.
Hai tài xế đều vi phạm luật
Căn cứ hồ sơ vụ án và diễn biến phiên tòa, HĐXX xác định chiều 19/11/2016, Ngô Văn Sơn lái xe Innova khi trong máu có nồng độ cồn, chở quá số người cho phép đi trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên.
Đến nút giao Yên Bình ở thị xã Phổ Yên, do đi quá lối ra nên Sơn đã dừng xe bên lề cao tốc rồi bật đèn cảnh báo nguy hiểm và cho xe đi lùi theo hướng ngược chiều.
Cùng lúc đó, Lê Ngọc Hoàng lái xe container chở thép đi phía sau. Đến gần nút giao, tài xế này không giảm tốc độ nên đâm vào đuôi Innova. Tai nạn làm 5 người trên ôtô của tài xế Sơn tử vong.
Bị cáo Lê Ngọc Hoàng. Ảnh: Hoàng Lam. |
Quá trình điều tra và tại tòa, bị cáo Hoàng không thừa nhận hành vi phạm tội và kêu oan nhưng tòa có đủ căn cứ cho thấy trong vụ tai nạn này, Lê Ngọc Hoàng có một phần lỗi.
Theo chủ tọa, tài xế xe container có lỗi điều khiển xe tham gia giao thông không tuân thủ quy định về tốc độ, không giảm tốc độ khi gặp biển cảnh báo đi chậm. Còn bị cáo Ngô Văn Sơn đã vi phạm 3 lỗi như cáo trạng của VKSND đã chỉ ra.
Đây là vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng vì gây ra hậu quả nhiều người chết, có một số nạn nhân trong cùng gia đình. HĐXX nhận định hành vi phạm tội của 2 bị cáo gây nguy hiểm cho xã hội.
Xét lời khai các bị cáo và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, tòa sơ thẩm nhận thấy cần áp dụng mức hình phạt như trên để răn đe.
Tài xế xe container nói không có lỗi
Tại phần tranh luận kéo dài từ sáng đến sẩm tối 14/2, ông Sơn cho rằng mức án VKSND đề nghị phạt bị cáo 10-11 năm tù quá cao. Tài xế đề nghị HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ để đưa ra mức án thấp nhất.
Khi xét hỏi, Ngô Văn Sơn đã nhận tội và chấp nhận các nội dung trong cáo trạng.
Còn bị cáo Hoàng không đồng ý với cáo trạng. Anh ta cho rằng cơ quan tố tụng đã bỏ qua chứng cứ vật chất. Bị cáo cũng không được tham gia buổi thực nghiệm hiện trường nên cáo trạng không khách quan.
Lê Ngọc Hoàng khẳng định chiều 19/11, anh ta ngồi trong cabin xe container, nhìn thấy chiếc Innova màu trắng đang ở giáp làn tôn và lùi chéo ngược chiều cao tốc.
Bị cáo cho rằng VKS truy tố lỗi không giảm tốc độ khi gặp chướng ngại vật chưa phù hợp. Bởi biển cảnh báo đi chậm trên cao tốc được cắm ở ngoài lan can tôn lượn sóng trước nút giao Yên Bình.
"Còn xe container đi thẳng và đang đi trên làn ưu tiên nên bị cáo có quyền điều khiển 60-100 km/h, kể cả có biển báo tốc độ này bị cáo đi 99 km/h vẫn không vi phạm", Hoàng lập luận.
VKSND đề nghị phạt 2 bị cáo 4-11 năm tù. Ảnh: Hoàng Lam. |
Ngoài ra, bị cáo nói với tình huống xảy ra 4 năm trước, anh ta lưu thông 62 km/h nếu gặp biển báo đi chậm để về đúng tốc độ cho phép 60 km/h là rất khó.
Về việc tài xế Sơn bật đèn cảnh báo nguy hiểm khi lùi ngược chiều, Hoàng cho rằng đèn này chỉ có tác dụng xi nhan khi rẽ, không phải dành cho xe ra đường cao tốc để đi lùi.
"Trường hợp khẩn cấp như trên, tài xế phải bê đá, lấy cành cây để chắn ở đường chứ không phải bật xi nhan để lùi", Lê Ngọc Hoàng trình bày.
VKSND đối đáp ra sao?
Đối đáp với bị cáo Hoàng và các luật sư, công tố viên Vũ Xuân Hữu lý giải buổi thực nghiệm hiện trường 2 tài xế không được triệu tập do trong quá trình điều tra, Hoàng không khai báo hành vi của mình nên cơ quan chức năng không dẫn giải.
Với các nội dung Lê Ngọc Hoàng tự bào chữa, đại diện VKSND nói đã trả lời bằng văn bản cho các luật sư của bị cáo.
"Lời khai của bị cáo thay đổi liên tục nhưng các căn cứ của VKS truy tố bị cáo là hoàn toàn đúng theo quy định của pháp luật", ông Hữu đối đáp.
Về cáo buộc bị cáo không giảm tốc độ khi gặp chướng ngại vật hay tình huống khẩn cấp, kiểm sát viên phân tích trong quá trình điều tra, bị cáo Hoàng giữ nguyên quan điểm lời khai tại phiên tòa phúc thẩm.
Đến phiên xử lần này, VKS tiếp tục truy tố bị cáo về lỗi tốc độ trong trường hợp gặp biển báo nguy hiểm và biển cảnh báo có tác dụng theo Quy chuẩn 41 của Tổng cục Đường bộ.
"Lời khai của bị cáo từ lúc đầu cho đến các phiên tòa đề có sự thay đổi, không có lời khai nào thống nhất nên căn cứ vào lời khai của bị cáo là không có cơ sở", công tố viên đánh giá.
Ngoài ra, dựa vào chứng cứ, bị cáo khai đã phanh xe ở khoảng cách 50 m, khi phanh chết thì phải có vết trượt lốp trên đường, đó là cảm tính.
Theo đại diện VKSND, luật hiện hành quy định khi gặp tình huống bất ngờ xảy ra, tài xế có đầy đủ khả năng để xử lý thì phải đảm bảo an toàn theo Quy chuẩn 41.
Kiểm sát viên nhận định trong vụ án này, Ngô Văn Sơn vi phạm 3 lỗi gồm lái xe trong tình trạng có nồng độ cồn, chở quá số người quy định, lùi xe trên đường cao tốc.
Còn Lê Ngọc Hoàng chỉ có lỗi duy nhất là không làm chủ tốc độ, khi gặp biển báo đi chậm đã không giảm tốc độ nên gây đâm va dẫn đến tai nạn chết người.
Đại diện VKSND đề nghị phạt bị cáo Ngô Văn Sơn 10-11 năm tù, Lê Ngọc Hoàng 4-5 năm tù.