Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tổng Liên đoàn lao động đề nghị sớm có giải pháp với GV hợp đồng

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị Chính phủ, Bộ Nội vụ xem xét sớm có giải pháp tuyển dụng với giáo viên, trên cơ sở đảm bảo quyền lợi người lao động.

Tại buổi làm việc ngày 25/9 về đánh giá kết quả thực hiện quy chế mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2018, trọng tâm phối hợp công tác năm 2019-2020, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề cập đến vấn đề biên chế và tuyển dụng với giáo viên hợp đồng.

Lý do vấn đề này được đặt ra trong buổi làm việc với Chính phủ là vì thời gian qua, tại nhiều địa phương việc người lao động là giáo viên hợp đồng (có nhiều năm công tác, có kinh nghiệm) đứng trước nguy cơ phải chấm dứt công việc để thi tuyển viên chức theo văn bản chỉ đạo của các địa phương. Tình trạng này gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong các giáo viên thuộc đối tượng phải thực hiện, đồng thời thu hút sự quan tâm, theo dõi của dư luận.

giao vien hop dong Ha Noi anh 1
Đồng chí Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam. Ảnh: Tô Thế.

Theo đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ, đến nay đã có tỉnh thực hiện cơ chế xét tuyển, nhưng cũng có địa phương không vận dụng.

Để đảm bảo quyền lợi của đoàn viên công đoàn, người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ xem xét sớm có giải pháp tuyển dụng, sử dụng tối đa đối với lực lượng giáo viên hợp đồng đủ tiêu chuẩn thuộc bậc mầm non, tiểu học và trung học cơ sở; có chính sách hợp tình, hợp lý đảm bảo quyền lợi người lao động.

Liên quan đến kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tại buổi làm việc, đồng chí Mai Tiến Dũng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã có những thông tin về vấn đề này.

Theo Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, để giải quyết việc thiếu biên chế, sau khi có ý kiến của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đồng ý và có ý kiến chỉ đạo tại công văn số 1480/VPCP-TCCV ngày 5/6.

Bộ Nội vụ giao bổ sung 20.300 biên chế giáo viên mầm non cho 14 tỉnh có mức tăng dân số cơ học cao và 4 tỉnh Tây Nguyên. Các địa phương ưu tiên tuyển dụng giáo viên ký hợp đồng và đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2015 trở về trước trong chỉ tiêu biên chế được giao, nếu vẫn còn chỉ tiêu biên chế thì thực hiện tuyển dụng công khai theo quy định.

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đánh giá, thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ, đến nay đã có tỉnh thực hiện cơ chế xét tuyển người lao động là giáo viên hợp đồng (có nhiều năm công tác, có kinh nghiệm), nhưng cũng có địa phương chưa vận dụng.

Đề nghị các địa phương thực hiện đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Những ngày qua tình trạng giáo viên hợp đồng lâu năm nhưng vẫn bị sa thải hàng loạt khiến dư luận cảm thấy xót xa về số phận hàng nghìn thầy cô đóng góp lâu năm cho ngành nhưng chịu cảnh ra đường “trắng tay”.

Tình trạng này xảy ra ở nhiều tỉnh thành, "nóng" nhất hiện nay là Hà Nội, khi hàng nghìn giáo viên có nguy cơ bị sa thải nếu không thi đỗ kỳ thi tuyển viên chức vào thời gian tới.

Sở Nội vụ Hà Nội nói về hàng nghìn giáo viên không được xét đặc cách

Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội khẳng định có xét tuyển đặc cách đối với giáo viên hợp đồng. Tuy nhiên, qua rà soát, không giáo viên nào đáp ứng đủ điều kiện xét đặc cách trên địa bàn.


https://laodong.vn/giao-duc/tong-ldldvn-de-nghi-som-co-giai-phap-tuyen-dung-voi-giao-vien-hop-dong-756680.ldo

Theo Đặng Chung/ Lao Động

Bạn có thể quan tâm