Chiều 8/6, trao đổi với báo chí về việc ĐH Tôn Đức Thắng, TP.HCM, gửi đơn phản đối việc cơ quan chủ quản yêu cầu nộp 30% chênh lệch thu chi, ông Phan Văn Anh, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết liên đoàn chưa từng thu một đồng từ trường đại học này.
"Hoàn toàn không có việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam buộc ĐH Tôn Đức Thắng phải trích nộp đến 30% chênh lệch thu chi như dư luận nêu", ông Phan Văn Anh khẳng định.
Ông Phan Văn Anh, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Ảnh: Nhà Báo Và Công Luận. |
Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho hay năm 2017, đoàn kiểm tra về công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công đoàn của Tổng Liên đoàn có tiến hành kiểm tra tại ĐH Tôn Đức Thắng.
Ban đầu, nhà trường không đồng ý cho tiến hành kiểm tra. Sau đó, đoàn kiểm tra phải viện dẫn các quy định của pháp luật, trường mới đồng ý. Nhưng khi có dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra, trường tiếp tục phản đối, cho rằng cơ quan chủ quản không có quyền trực tiếp kiểm tra tài chính nhà trường.
Sau quá trình làm việc, đoàn kiểm tra kiến nghị: “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hàng năm phê duyệt dự toán thu, chi của trường và giao nghĩa vụ phải nộp lên Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam theo quy định”.
Mặt khác, ông Phan Văn Anh cho hay theo quy định 1684 năm 2006 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: “Đơn vị tự bảo đảm kinh phí hoạt động phải trích nộp cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp tối đa không quá 30% kết quả tài chính, sau khi đã nộp thuế, mức cụ thể do cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp quyết định”.
Kiến nghị này của đoàn kiểm tra chưa được Thường trực và Đoàn chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phê chuẩn và triển khai. Vì lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng ngoài quy định của Tổng Liên đoàn, trường còn thực hiện theo quyết định 158 năm 2015 của Thủ tướng. Cho nên, ông Phan Văn Anh khẳng định đến nay, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chưa thu của ĐH Tôn Đức Thắng một đồng nào.
Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam công nhận và đánh giá cao sự phát triển của ĐH Tôn Đức Thắng. Nhưng theo ông, ngoài việc thực hiện các quy định của pháp luật, ĐH Tôn Đức Thắng còn phải thực hiện quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhất là về công tác cán bộ.
Trước đó, ngày 6/6, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng, cho hay cán bộ, giảng viên trong trường đã viết đơn gửi Ban chấp hành Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Quốc hội, phản đối Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam về vấn đề trích nộp tài chính.
Cụ thể, trường đã nhận văn bản của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, chỉ đạo kinh phí hoạt động phải trích nộp cơ quan quản lý tối đa không quá 30% kết quả tài chính sau khi nộp thuế. Mức nộp cụ thể do cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp quyết định.
Tiền thân của ĐH Tôn Đức Thắng là ĐH Công nghệ Dân lập Tôn Đức Thắng, được thành lập theo quyết định 787/TTg-QĐ ngày 24/9/1997 của Thủ tướng.
Năm 2003, Thủ tướng ra quyết định số 18/2003/TTg-QĐ chuyển đổi pháp nhân của trường thành ĐH Bán công Tôn Đức Thắng, trực thuộc UBND TP.HCM.
Năm 2006, với quyết định số 146, Chính phủ cho phép ĐH Bán công Tôn Đức Thắng chuyển sang loại hình trường đại học công lập theo cơ chế tự chủ thu chi học phí.
Năm 2008, Thủ tướng ký quyết định số 747/QĐ-TTg về việc đổi tên ĐH Bán công Tôn Đức Thắng trực thuộc UBND TP.HCM thành Đại học Tôn Đức Thắng, chuyển về trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.