Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tốt nghiệp lớp 9 đã vào được đại học?

Quan điểm của nam sinh Nguyễn Văn Dũng đề nghị kết thúc chương trình phổ thông cơ bản từ năm lớp 9, thi đại học khi mới 15 tuổi đã khiến nhiều độc giả băn khoăn.

Sau khi bài viết của Nguyễn Văn Dũng học sinh lớp 12A10, trường THPT Mê Linh (huyện Mê Linh, Hà Nội) được đăng tải đề cập đến vấn đề cấu trúc lại chương trình giáo dục Việt Nam đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều độc giả.

Nam sinh đề nghị bỏ cấp 3, từ lớp 9 có thể thi đại học

Em Nguyễn Văn Dũng đã bày tỏ quan điểm Bộ GD-ĐT nên bỏ cấp ba và kỳ thi đại học sẽ diễn ra khi hoàn thành chương trình bậc THCS.

Ý tưởng táo bạo nhưng thực tế

Trong gần 3.000 bình luận về bài viết này, rất nhiều độc giả đồng tình và dành tặng lời khen ngợi cho ý tưởng của Dũng.

Tuananh UK bày tỏ: “Tôi từng học cấp 3, đại học ở Việt Nam và đang làm việc tại Anh. Tôi nhận thấy cách dạy và học của họ khác hoàn toàn so với đất nước mình. Dù không nên so sánh nhưng chúng ta cũng cần suy nghĩ lại nền giáo dục nước nhà. Quan điểm này của em có thể đưa ra cho học sinh, sinh viên, phụ huynh, nhà trường thảo luận.

Học sinh Việt Nam thường không bao giờ tự hùng biện, nhiều bạn còn rụt rè khi nói trước đám đông nên việc em dám nói ra suy nghĩ của mình là điều tôi rất ủng hộ.

Dù chưa hoàn toàn đồng ý với cách giải quyết vấn đề, nhưng tôi tin sớm muộn gì giáo dục Việt Nam sẽ có hướng giải quyết trên căn bản suy nghĩ của em hôm nay”.

Thậm chí, một bạn khác còn nhận xét: “Đó cũng chính là những suy nghĩ mà tôi đã ấp ủ và nung nấu bấy lâu”.

"Thật đúng với suy nghĩ của tôi. Tôi là sinh viên của một đại học Kinh tế, đã ra trường và đang thất nghiệp. Lý do đơn giản vì không đáp ứng được các nhu cầu của các nhà tuyển dụng, kiến thức và kỹ năng giao tiếp xã hội, quản lý, cải cách còn rất kém. Tôi thực sự thấy nuối tiếc đã dành quá nhiều thời gian chỉ để học kiến thức mà không rèn luyện, thực hành các kỹ năng cần thiết", độc giả Mạc Song Vân.

Độc giả này chia sẻ từng được mệnh danh là chúa tò mò bởi luôn đam mê khám phá. Nhưng chính cách học nặng nề kiến thức, áp lực về điểm số đã khiến bạn kiệt sức, sợ học và làm thui chột trí tưởng tượng, khả năng sáng tạo của bản thân.

Bên cạnh việc bày tỏ quan điểm ủng hộ, Cile Nguyen còn đưa ra lời góp ý đối với tác giả: “Đôi khi suy nghĩ của giới trẻ hơi táo bạo, nhưng rõ ràng là rất thực tế. Học sinh lớp 9 đã có thể xác định sở thích và năng lực của mình, để quyết định sẽ học nhóm ngành nào trong tương lai. Tuy nhiên vẫn duy trì bậc THPT một năm để các em làm quen dần với phương pháp học tập, nghiên cứu mới.

Bên cạnh đó, việc tăng cường các hoạt động ngoại khóa thiết thực chính là bài học xã hội hữu ích và cần thiết để các em có thêm nhiều hiểu biết và thể hiện sự tự tin hơn vào chính mình”.

Học sinh lớp 9 chưa biết mình muốn làm gì!

Bên cạnh những bình luận ủng hộ, nhiều độc giả cũng tỏ ra băn khoăn và chưa thực sự đồng tình với một số ý tưởng của Dũng.

Trong đó, quan điểm thi đại học từ lớp 9 và giảm tải các môn tự nhiên, tăng thời lượng môn xã hội tạo nên sự tranh luận sôi nổi.

Thanh Nhàn thẳng thắn: “Mình thấy giải pháp bạn đề ra chưa ổn. Khi tốt nghiệp lớp 9 chúng ta còn rất non nớt, nếu không đủ bản lĩnh, liệu có thể vượt qua được những vấp ngã, xô đẩy của cuộc sống?”.

Về quan điểm cho rằng các môn tự nhiên nên giảm tại, độc giả này lại cho rằng: “Toán, Lý, Hóa sẽ rèn luyện khả năng tư duy, suy nghĩ và kiên trì cho mỗi người.

Ví dụ, nếu gặp một bài toán khó, bạn sẽ cố gắng tìm mọi phương pháp để giải, không cần biết kết quả đúng hay sai, nhưng hành động đó giúp hình thành kỹ năng, phản xạ tìm nhiều hướng để giải quyết khi gặp tình huống có vấn đề.

Nhưng nếu khi gặp những bài toán, Lý, Hóa khó, chưa cần suy nghĩ bạn đã bỏ cuộc thì trong cuộc sống, chắc chắn bạn sẽ yếu ớt”.

"Tốt nghiệp lớp 9 còn rất non nớt, liệu có thể vượt qua được những vấp ngã, xô đẩy của cuộc sống?”, độc giả Thanh Nhàn bày tỏ.

Khải Minh bình luận: “Theo mình, bạn đã nói đúng được thực trạng của giáo dục nước ta hiện nay. Nhưng giải pháp thì không được. Lớp 9 còn nhỏ chưa thể nào biết được muốn làm nghề gì thì sao có thể chọn ngành.

Theo mình sau khi tốt nghiệp THCS, các bạn sẽ học thêm một năm nữa để hệ thống lại kiến thức. Qua đó, học sinh sẽ nắm vững khả năng của mình, đồng thời cùng với định hướng nghề của giáo viên, các bạn sẽ đưa ra lựa chọn đúng đắn nhất. Biện pháp này sẽ rút ngắn 2 năm bậc THPT".

Độc giả Pink lo ngại:  “Ý kiến của bạn không phải hoàn toàn sai, nhưng bỏ cấp ba, tốt nghiệp lớp 9 có thể thi đại học là một vấn đề lớn. Muốn làm được điều đó cần thay đổi nhiều thứ và phải xuất phát từ cách dạy cũng như nhận thức ngay khi còn nhỏ”.

Bạn Trung Lieu phân tích: “Cấp ba có thể giúp học sinh trưởng thành hơn, dần quen với nhịp sống mới và guồng quay xã hội. THCS mới chỉ là giai đoạn con người đang phát triển về thể chất và tinh thần nên chưa nhận thức được đâu sự lựa chọn đúng đắn.

Vì vậy, môi trường THPT sẽ giúp học sinh hình thành chính kiến, có lập trường vững chắc hơn về nghề nghiệp và định hướng tương lai”.

Qua bài viết của Nguyễn Văn Dũng, nhiều độc giả đã chia sẻ câu chuyện thực tế của bản thân mình.

"Đó cũng chính là những suy nghĩ mà tôi đã ấp ủ và nung nấu bấy lâu. Có lẽ tôi và bạn đã sáng suốt nhận ra sự không cần thiết của những kiến thức đó đối với quỹ thời gian của mình. Và đây là câu chuyện của tôi: "Đã có một thời, nó được mệnh danh là chúa tò mò. Ham tìm hiểu mê khám phá. Tự mày mò học hỏi đủ thứ trên trời dưới đất, khi được tiếp thu những kiến thức mới, như thể một làn gió mát lan toả khắp cơ thể của nó.

Những ý tưởng cực độc và lạ từ đó xuất hiện mọi nơi. Trong trí tưởng tượng và cuộc sống quanh nó. Nhưng rồi khi bắt đầu lên lớp 10, trường học đã bóp chết tư duy và thui chột tiềm năng trong con người của nó.

Đống kiến thức nặng nề cộng với những đòi hỏi về điểm số từ gia đình nhà trường, cả sự tự phụ và tự tin, tị nạnh, cạnh khoé phát sinh trong quá trình nhồi nhét kiến thức đã khiến nó phải kiệt sức khi chạy đua thành tích.

Nó bán rẻ thời gian, một ngày dành hơn 4 tiếng ở trường, 3-4 tiếng ở các lớp học thêm học kèm, bỏ phí hàng triệu đồng để đâm đầu nhồi nhét đống kiến thức vô bổ một cách không đến nơi đến chốn. Nó không có chọn lựa, nó sợ sệt, nó buộc phải làm thế như là sinh ra để làm những chuyện vô ích vậy.

Sáng nó đi học những môn vô bổ trên trường, chiều lại đi học thêm để nâng cao kiến thức những môn vô bổ đó, tối đến lại soạn bài làm bài tập vô bổ. Nó cuống lên chạy theo những giá trị hão mà tưởng rằng đang khẳng định bản thân mình.

Thật đúng cho câu: "Nếu cứ lăn tăn hơn thua ba cái điểm cao thấp thì cuộc đời cũng chỉ mãi lẩn quẩn trong những thứ đồng điệu và vô vị đến thế mà thôi”.

Nó mệt mỏi và khó thở vô cùng, nó không còn thời gian và tâm trí quan tâm đến sở thích của nó. Nó lười suy nghĩ, lười khám phá, sự tò mò vốn có đã dần chết dần chết mòn theo thời gian. Con người nó bây giờ tiềm ẩn sự ì ạch, dối trá mà nó tích luỹ được trong quá trình học ở trường. Vượt qua một kì thi, một cái thở phào nhẹ nhõm cộng với đống kiến thức nặng nề đã tan đi trong gió và lu mờ nhanh chóng theo thời gian. Bởi đơn giản nó chưa bao giờ học để nâng cao hiểu biết” (độc giả Phá Cách).

"Em nói rất hay, mặc dù không thể áp dụng hoàn toàn nhưng nếu các bậc lãnh đạo giáo dục có suy nghĩ cách cải tạo giáo dục như em thì tốt.  Anh đang học năm cuối đại học, nhưng cấp ba anh chưa bao giờ học Toán, Lý, Hóa ngồi trên lớp chỉ nghe được bao nhiêu thì nghe, chán thì nghỉ, chưa bao giờ học bài ở nhà, thi vẫn qua bình thường…

Hiện tại anh là sinh viên ngành kinh tế, nhớ lại năm thứ nhất học Toán cao cấp, anh chán đang ngủ, cô giáo hỏi bài. Anh hỏi lại cô học môn này để làm gì, sau này khi ra quyết định có cần dùng tích phân không. Cô bảo học để thi, anh bảo thế thì em không học nữa và nghỉ luôn. Cuối kỳ, anh thi vẫn qua.

Tại sao chương trình không dành thời gian đấy để thực hành. Những môn lý thuyết nên để đào tạo chuyên sâu cho người có khả năng có thể giúp ích cho xã hội từ kiến thức đó.

Còn những bạn khác nên dạy các môn này với liên quan trực tiếp đến cuộc sống, vừa dễ hiểu, vừa ứng dụng vào thực tế” (độc giả Van Son Pham).

Nguyên Thứ trưởng Bộ GD kiến nghị bỏ thi đại học

Đây là một trong bốn vấn đề lớn mà nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Xuân Nhĩ trình Phó thủ tướng Vũ Đức Đam.

A.H

Bạn có thể quan tâm